ClockThứ Ba, 16/06/2015 15:21

Để có nhiều tác phẩm báo chí đạt giải cao

TTH.VN - Trước thềm kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi có dịp gặp gỡ một số nhà báo tâm huyết với nghề để nghe trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao chất lượng tác phẩm, đoạt giải báo chí tỉnh, Trung ương.

Nhà báo Nguyễn Việt (Nguyên Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế): Một tác phẩm hay đôi khi chỉ là điều bình dị

Quan điểm của tôi, một tác phẩm báo chí truyền hình, hay báo in là của bản thân mỗi nhà báo. Các cơ quan phát thanh, truyền hình thường tác nghiệp tập thể, theo nhóm, nhưng ý tưởng đề tài phần nhiều chỉ xuất phát từ một cá nhân. Nếu chúng ta xem nó là của chung, tập thể thì một tác phẩm báo chí rất khó đạt chất lượng cao. Một tác phẩm báo hình thường tác nghiệp theo nhóm từ hai người trở lên, nhưng phải cần một người chịu trách nhiệm chính. Mỗi nhà báo phải suy nghĩ, ấp ủ một đề tài và có cách giải quyết riêng của mình, cách xử lý đó không ngoài các thao tác về chuyên môn theo quy trình, quy định nghề nghiệp, lẫn sự tinh tế, đầu tư có chiều sâu mới có được tác phẩm chất lượng cao.

Đầu tư chiều sâu một tác phẩm báo chí là rất quan trọng, nhưng đôi khi chỉ cần đầu tư một chút thôi cũng có được một tác phẩm hay, chất lượng cao. Một tác phẩm hay không phải lúc nào cũng phải đầu tư kinh phí lớn. Trong suốt mấy chục năm làm báo, tôi chưa bao giờ nghĩ đến, hay đòi hỏi sự đầu tư về tiền bạc cho một tác phẩm, nhưng vẫn phải đi, phải làm, phải tự đầu tư kinh phí.

Đề tài cho tác phẩm rất quan trọng, nhưng không nên đặt nặng. Trong cuộc sống có nhiều điều rất đơn giản, bình dị, biết đâu lại là đề tài hay. Điều quan trọng là mỗi nhà báo phải biết làm cho nó hay, chứ một đề tài không phải cái gì đó rất cao siêu mà có khi cả năm mới nghĩ ra. Trong xử lý đề tài, nhà báo phải có cái nhìn logic, có sự liên hệ đến các vấn đề liên quan trong cuộc sống, có tính khái quát, thực tiễn cao. Vấn đề bút pháp cũng rất cần thiết. Mỗi thể tài báo chí (báo in, báo hình, phát thanh) cần có có bút pháp độc đáo riêng để thể hiện tác phẩm… Trong sự nghiệp của mình, cứ mỗi lần có tác phẩm đoạt giải của tỉnh, Trung ương, đó là những “đứa con” tinh thần của mình được cấp trên, đồng nghiệp, bạn đọc ghi nhận, tôi rất sung sướng.

Nhà báo Diệu Hà (Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế): Tác phẩm phải giải quyết tận cùng

Điều trăn trở lớn nhất đối với tôi là 3 năm liền ( 2013, 2014, 2015), Giải Báo chí tỉnh Thừa Thiên Huế không có giải nhất. Một thành viên của ban giám khảo giải báo chí từng nhận xét: “Đề tài các giải báo chí Thừa Thiên Huế quá cũ” khiến tôi bỗng giật mình. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta đã đi quá lâu trên một con đường quen, đi một cách “ngăn nắp”: đi-nghe-thấy-viết (mang tính phản ánh). Những bài báo ấy quả thật ít có sức hấp dẫn. Độc giả chưa nhìn thấy sự đầu tư công phu về đề tài, chưa thấy sự tâm huyết… Thực tế, có nhiều đề tài được phóng viên phát hiện rất hay, cũng chỉ dừng lại ở mức độ nêu vấn đề, nhưng chưa giải quyết tận cùng vấn đề đặt ra. Nhìn vào danh sách những tác phẩm đạt giải báo chí của tỉnh trong 3 năm qua, những đề tài mang tính phản biện chiếm tỷ lệ rất thấp, hoặc sự phản biện ở mức yếu nên khó đạt giải cao…

 Tôi nghĩ rằng, có lẽ do sự lựa chọn giải pháp an toàn của nhà báo khi đối mặt với những khó khăn, thách thức dẫn đến những bài báo không thể giải quyết triệt để vấn đề, thiếu sức hấp dẫn, không thu hút độc giả, khán giả. Để có một tác phẩm báo chí chất lượng cao, hay nói ngắn gọn là một bài báo hay, thì bản thân mỗi nhà báo phải trăn trở, suy nghĩ nhiều; cách tiếp cận đề tài phải luôn luôn mới và làm mới trong cách giải quyết vấn đề một cách tinh tế, nhạy bén. Một tác phẩm báo chí hay, hấp dẫn, thu hút bạn đọc, mỗi nhà báo phải giải quyết rốt ráo vấn đề đặt ra, cần mang tính phản biện cao. Đó là các tác phẩm chống tiêu cực, nêu các mặt trái, hạn chế trong cuộc sống, đi sâu phân tích các giải pháp, có sự định hướng tích cực… Cuối cùng, trong mỗi nhà báo cần có “ngọn lửa yêu nghề luôn bốc cháy”, cộng với sự hỗ trợ từ lãnh đạo các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo tỉnh để “ngọn lửa yêu nghề” ấy càng bốc cháy mãnh liệt hơn nữa.

 Nhà báo Thái Bình (Báo Thừa Thiên Huế): Xông pha điểm “nóng” mới có tác phẩm hay

Mỗi nhà báo trẻ cần phải trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; nêu cao tinh thần trách nhiệm, có bản lĩnh, không bị lung lay, hay sự cám dỗ trước những biểu hiện tiêu cực trong cuộc sống, trong quá trình tác nghiệp. Để có một đề tài hay, tác phẩm báo chí chất lượng cao, điều quan trọng hàng đầu đối với các nhà báo trẻ là phải đi nhiều, sẵn sàng xông pha các điểm “nóng”. Có đi nhiều nơi, đến tận nhiều cơ sở thì phóng viên mới nghe, mới thấy, mới biết và hiểu rõ vấn đề, sự việc, đồng thời phát hiện được nhiều đề tài hay, được dư luận, bạn đọc quan tâm. Có được một tác phẩm hay, phóng viên cần có biện pháp giải quyết một cách nhanh nhạy, chính xác; phải biết chọn lọc các chi tiết “đắt giá”, “gạn đục khơi trong”… các vấn đề, sự việc liên quan để chuyển tải vào tác phẩm.

Để có những tác phẩm có chất lượng cao, đòi hỏi năng lực, tính phát hiện vấn đề. Để làm được điều này, mỗi phóng viên phải tự rèn luyện, đam mê, có tâm huyết với nghề. Cần nâng cao kỹ năng báo chí và kiến thức cho chính mình. Khi đã nhìn ra vấn đề có tác động đến đời sống xã hội, nhà báo phải biết sử dụng nghiệp vụ báo chí của mình thể hiện ý đồ muốn chuyển tải cho công chúng. Nhà báo cần có sự đầu tư công phu, sự thận trọng và cả tâm huyết đối với đề tài mà mình theo dõi. Các nhà báo trẻ cũng cần trau dồi bản lĩnh trong thực hiện các đề tài, tác phẩm báo chí chống tiêu cực, “gai góc” nói riêng. Với những đề tài khó như thế, bản thân mỗi nhà báo phải có “nghệ thuật” trong khai thác, xử lý thông tin, để dù các đối tượng không muốn cung cấp, tìm cách né tránh, nhưng cuối cùng nhà báo vẫn nắm được những thông tin cần thiết. Thực tế cho thấy, hầu hết các nhà báo không ngại va chạm, dám đương đầu với những đề tài “gai góc” đều có những tác phẩm báo chí hay, chất lượng cao, đoạt giải báo chí các cấp. Cũng có những tác phẩm phản ánh bình thường, song là đề tài hay, tác giả chuyển tải được những nội dung quan trọng, đi sâu phân tích các giải pháp… vẫn thu hút được độc giả, đoạt giải cao.

 

Hoàng Triều (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại Hương Xuân

Ngày 28/3, ông Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp dân tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Cùng dự buổi tiếp dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân và lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, TX. Hương Trà, lãnh đạo phường Hương Xuân và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại Hương Xuân
Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Return to top