ClockThứ Năm, 27/05/2021 10:13

Để con tự lập

Giữ gốc

“Sắp tới, con trai tôi nếu đậu Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, chắc tôi cũng phải theo nó vào Đà Nẵng sống”, anh bạn kể với giọng khẽ khàng. Ánh nắng chiều bên bờ sông An Cựu hắt lên mặt người đàn ông xấp xỉ tuổi 50 khiến cho những nếp nhăn nơi khóe mắt càng thêm rõ nét. Nói về chuyện tương lai, học hành của con, nhất là đứa con trai học vô cùng giỏi của mình nhưng tôi hoàn toàn chẳng nhận ra chút phấn khởi nào từ anh. “Con anh đi học, anh đi theo nó làm gì?”, tôi thắc mắc. “Đi theo để giặt giũ, nấu cơm cho nó”. Câu trả lời của anh khiến tôi chưng hửng. Cũng vì chuyện này, mà vợ chồng anh cãi nhau suốt cả tuần nay.

Anh kể, hôm trước vợ anh vừa “quán triệt” với chồng, anh cần phải theo con trai đi học xa. Chị làm giáo viên, không thể nghỉ việc để theo con vào Đà Nẵng, mà đứa con gái nhỏ mới học đầu cấp 2 cũng cần mẹ chăm sóc hơn. Trong khi anh làm nghề nhôm kính, công việc tự do, nếu vào Đà Nẵng không kiếm được việc cũng có thể đi làm xe ôm hay bốc vác. Vợ anh bàn thế.

Con trai anh đang học lớp 12, trường chuyên Quốc Học, học kỳ nào cũng có học bổng. Ngày trước, thấy con thích học, suốt ngày chỉ chăm chăm lo học hành, nên anh chị cũng không bắt buộc con phải làm việc nhà. Dần dần, ngoài việc học ra, con trai anh chẳng biết làm gì. Không biết chăm sóc bản thân, đến những kỹ năng cần thiết ngoài xã hội, con anh cũng ngơ ngác. Anh cũng không ngờ, niềm tự hào của vợ chồng anh, đến giờ lại trở thành nỗi lo lắng.

Tôi kể anh nghe chuyện nhà cô bạn mình. Vợ chồng cô ấy bận bịu kiếm tiền, còn việc nhà đều do hai đứa con 1 trai, 1 gái lo liệu. Mà cả hai đứa đều chỉ mới bước vào cấp hai. Bạn tôi luôn nói với hai đứa con, trách nhiệm của bố mẹ là kiếm tiền, còn trách nhiệm của các con là học tập và chăm lo nhà cửa. Từ chăm lo nhà cửa là sự bao quát từ nấu ăn, giặt giũ, quét tước. Hai đứa bé cứ thế chia nhau làm. Anh lau nhà, em sẽ rửa chén. Anh nấu cơm, em gấp áo quần.

Thời gian đầu, con làm chưa quen tay, áo quần gấp xiên xẹo, nhà lau xong đầy nước, cơm con nấu lúc sống lúc nhão, mâm cơm chỉ có rau luộc, thịt luộc, trứng luộc vì con chưa biết chiên, xào hay nấu canh, nhưng anh chị đều ăn ngon lành, vừa khen vừa động viên con. Đến bây giờ, chị chỉ việc cuối tuần dẫn các con đi siêu thị, muốn mua gì các con đều tự lên thực đơn và chọn nguyên liệu. Tôi từng ái ngại bảo bạn “hành” con dữ quá. Bạn cười, bạn luôn muốn hai đứa con bên cạnh việc học phải biết tự chăm sóc bản thân, làm việc nhà. Đàn ông hay phụ nữ, ngoài việc kiếm tiền đều cần phải biết chăm sóc gia đình.

Tôi nói với anh bạn, bây giờ cho đến lúc vào đại học vẫn còn lâu, anh chị có thể tập dần tính tự lập cho cháu. Anh trầm ngâm rồi gật đầu cái rụp đầy quyết tâm. Phen này, chắc anh sẽ “đấu tranh” với vợ đến cùng. Muộn còn hơn không. Bởi anh chị rồi cũng già, chẳng có cha mẹ nào có thể ở mãi để lo cho con được, mà chúng cũng phải tự mình lớn lên.

Linh Chi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top