ClockChủ Nhật, 20/01/2019 14:37

Để cuộc sống trong ngôi nhà thú vị hơn

TTH - Kiến trúc sư (KTS) trẻ người Huế Nguyễn Xuân Minh những năm trở lại đây đã thiết kế nhiều công trình đặc sắc, tiêu biểu ở Huế và miền Trung.

Gương thông minh giúp tự tập gym tại nhà

KTS Nguyễn Xuân Minh

Anh được Hội KTS Việt Nam tặng Bằng Cống hiến năm 2018 với những thành tích xuất sắc trong sáng tạo kiến trúc, đạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Anh là 1 trong 10 KTS Việt Nam tiêu biểu, trong số “21 KTS xanh đương đại Việt Nam”. Mới đây nhất, công trình Nhà nguyện Khâm Mạng ở Huế của anh được trao danh hiệu “Công trình của năm 2017” Ashui awards.

Tại căn nhà M-house dưới chân đồi Thiên An (Thủy Bằng, Hương Thủy), chúng tôi có cuộc trò chuyện thú vị với anh xung quanh vấn đề về kiến trúc, đặc biệt là câu chuyện về cảm xúc, về nơi chốn trong thiết kế từng căn nhà…

Hiện nay người ta quan tâm nhiều đến kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái. Anh nhìn nhận điều này như thế nào?

Trong điều kiện hiện nay, với sự biến đổi khí hậu, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường... thì kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái là xu hướng tất yếu.

Không phải bây giờ mà từ xưa, cha ông ta đã đạt đến đỉnh cao của kiến trúc sinh thái bằng việc nghiên cứu địa điểm, sử dụng kiến trúc mở, vật liệu địa phương thân thiện môi trường. Trong thời đại hiện nay chúng ta nên vận dụng kiến trúc xanh bằng giải pháp cụ thể về mặt kỹ thuật để đưa ra các thiết kế tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng, vận hành và kể cả khi phá hủy công trình, chứ không chỉ trồng cây trong nhà, trồng cây khắp nơi rồi gọi đó là kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái. Còn đối với tôi, trong quá trình thiết kế, đó là những tiêu chí cần phải có, kiểu như sống thì phải thở vậy, mà tôi quan tâm nhiều đến cảm xúc của các không gian kiến trúc. Tôi thường nghĩ đến câu nói của một KTS tên tuổi: Không có kiến trúc sinh thái, không có kiến trúc xanh, không có kiến trúc gì gì đó… mà chỉ có kiến trúc tốt!.

Như thế, anh thường hướng đến điều gì để có kiến trúc tốt?

Trong sáng tác, tôi quan tâm nhiều đến không gian, ánh sáng và nơi chốn. Ánh sáng với tôi, như là một vật liệu quan trọng nhưng không phải mất tiền mua, phải tính toán để sử dụng và điều tiết một cách phù hợp. Còn nơi chốn, ngoài nghĩa đen là địa điểm, tôi thích hiểu ở nghĩa rộng hơn, đó là lối sống, tập quán, văn hóa, cảnh quan mà công trình tồn tại. Mỗi khi thiết kế, tôi dành nhiều thời gian đến khu đất đó để trải nghiệm, ghi nhận được càng nhiều thông tin về nơi chốn ấy càng tốt. Đó có thể là hướng gió, ánh sáng – tất nhiên rồi; nhưng còn nhiều thông số không kém phần thú vị khác, có thể là lối sống của người dân ở đó, cách mà họ sinh hoạt như thế nào…

Nhận làm Nhà nguyện Khâm Mạng, một công trình tôn giáo khá nhỏ dành cho 100 nữ tu, tôi thường xuyên lên nhà thờ để xem các nữ tu sống như thế nào, rồi nghiên cứu về sự kết nối giữa công trình sẽ xây mới với bối cảnh để đưa ra phương án thiết kế phù hợp. Ngay cả ngôi nhà M-house chúng ta đang ngồi đây chẳng hạn (nhà riêng của KTS Nguyễn Xuân Minh - công trình từng làm cho giới kiến trúc cả nước tham gia Liên hoan KTS trẻ toàn quốc năm 2006 tại Sa Pa, Lào Cai vô cùng ngạc nhiên- PV), yếu tố nơi chốn nó quyết định cách tổ chức không gian. Mùa đông, nắng có thể chiếu thẳng vào nhà nhưng khi mùa hè nắng không vào do mặt trời đã xoay đi hướng khác. Tôi nghĩ yếu tố nơi chốn vẫn là yếu tố hàng đầu, bao hàm cả yếu tố văn hóa, lối sống, địa điểm, môi trường, khí hậu của công trình… cần thấm đẫm.

M-house – ngôi nhà “thông minh” của KTS Nguyễn Xuân Minh. Ảnh: NVCC

Anh có lời khuyên nào đối với việc làm nhà ở các đô thị lớn, diện tích nhỏ hẹp, kinh phí vừa phải?

Nếu diện tích nhỏ và kinh phí ít, lời khuyên là nên bỏ hết tất cả những gì thừa thãi, không cần thiết. Không gian đó nên mở nhất có thể. Hãy sử dụng không gian cơ động, đa năng, chuyển tiếp. Đạt được như vậy mới gọi là sinh thái, vì nó tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm vật liệu cho đến đất đai…

Nhiều ngôi nhà đang xây hiện nay đang thừa quá nhiều chi tiết, thừa nhiều diện tích (diện tích chết). Trong khi lại thiếu cái quan trọng nhất là ánh sáng. Người ta đang làm những ngôi nhà chia quá nhiều phòng không thật sự cần thiết với hành lang dài nhưng rất thiếu ánh sáng. Chuyện này, ngôi nhà rường của người Huế đáng để tham khảo: hàng hiên phía trước đa năng như một khoảng đệm để mọi người ngồi uống trà trò chuyện khi thời tiết đẹp, che nắng mưa khi thời tiết bất lợi,  trong nhà thì có không gian lớn đa năng kết hợp giữa phòng khách, phòng thờ, sinh hoạt với các phòng ngủ bố trí phía sau… Như vậy, rất ít hành lang, có nhiều không gian sử dụng chung, kiêm chức năng giao thông, vừa tiện lợi và tiết kiệm.

Theo tôi, hãy suy nghĩ đến việc xây một cái nhà làm sao có không gian tăng cường được sự đối thoại, nó giao tiếp được với chủ nhà và giúp cho những người sống trong nhà đó có một sự giao tiếp theo một hướng tích cực. Tôi vẫn hay sử dụng những không gian có sự liên thông, gần như đa chiều để tăng thêm được sự giao tiếp. Hiện nay trẻ con thường cắm mặt vào điện thoại; mọi người trong gia đình cũng thiếu sự đối thoại với nhau, thì cần phải sử dụng không gian làm sao cha mẹ nói chuyện được với con, chồng có thể nhìn được vợ làm bếp. Tức là có được sự đan xen đa chiều của không gian để làm sao không gian ngôi nhà đó, và cuộc sống ở trong ngôi nhà thực sự trở thành một mái ấm.

Anh nghĩ gì về kiến trúc truyền thống và việc vận dụng yếu tố truyền thống lâu nay?

Kiến trúc truyền thống là quá trình tích lũy kinh nghiệm dài của cha ông, được thích nghi dần nên nó vô cùng phù hợp với cách sống, cách nghĩ và khí hậu của Việt Nam. Tôi nghĩ, cái sai trong định hướng của kiến trúc Việt mình là kéo dài dễ đến 20 năm trong việc cổ vũ việc kết hợp khá mơ hồ về hình thức giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại. Việc áp đặt mơ hồ đó của giới chủ đầu tư cùng suy nghĩ ngây ngô của giới kiến trúc đã tạo ra một giai đoạn xuất hiện rất nhiều kiến trúc nhái, kiến trúc giả cổ từ kiểu Pháp cho tới kiểu Việt, nhất là những công trình công sở được xây bằng ngân sách. Trong chuyện này, tôi thấy nên tham khảo cách của người Nhật. Kiến trúc hiện đại của Nhật, nếu nhìn bên ngoài thì hoàn toàn không thấy hình dáng gì của kiến trúc truyền thống. Nhưng mà về bản chất, không gian trong các kiến trúc hiện đại của họ rất truyền thống. Giới kiến trúc Nhật, có lẽ họ đã biết khai thác không gian, khai thác suy nghĩ, tiềm thức, cách sống của dân tộc mình. Kenzo Tange, một KTS sư lừng danh người Nhật từng phát biểu: “Truyền thống là một chiếc vòng đeo cổ quý giá, nhưng chúng ta phải biết đập vỡ nó thành những mảnh nhỏ và ghép lại dưới những dạng thức mới”…

Cũng may gần đây, kiến trúc nước ta nhìn chung đang chuyển mình theo hướng tốt, Hội KTS cũng đã có những định hướng tốt và đặc biệt có nhiều KTS giỏi luôn tìm tòi sáng tạo,  làm động lực cổ vũ giới KTS sáng tác được nhiều công trình tốt. Hy vọng thời gian tới, chúng ta có thật nhiều kiến trúc tốt, có thế nói chuyện được với thế giới về kiến trúc Việt trong giai đoạn mới.

HOÀNG THÁI LỘC (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Khám phá chương trình tour Măng Đen thú vị tại Latour Măng Đen

Măng Đen (Kon Tum) gần đây nổi tiếng là điểm đến mới đầy hứa hẹn cho những ai yêu thích du lịch sinh thái và khám phá. Nơi đây được mệnh danh là "Đà Lạt thứ hai" bởi khí hậu mát mẻ quanh năm, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Latour Măng Đen sẽ mang đến trải nghiệm khó quên khi tham quan những địa điểm nổi tiếng, thưởng thức món ăn đặc sản núi rừng và tận hưởng không khí trong lành của vùng đất Tây Nguyên.

Khám phá chương trình tour Măng Đen thú vị tại Latour Măng Đen
Những ngôi nhà của sự sẻ chia

Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, những ngôi nhà Đại đoàn kết đã được trao cho người nghèo trên toàn tỉnh. Chính những ngôi nhà của sự đoàn kết, đùm bọc và sẻ chia đã giúp các hộ nghèo khó khăn về nhà ở được an cư, có thêm động lực để vượt lên hoàn cảnh, phát triển kinh tế thoát nghèo và từng bước xây dựng cuộc sống ổn định.

Những ngôi nhà của sự sẻ chia
​Trao hai kỷ lục cho “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang”

Buổi lễ diễn ra tối 2/12, tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của các quan khách và người dân tham gia làm tác phẩm. Bản đồ Việt Nam bằng nghệ thuật BOARC được xác lập kỷ lục với nhiều người tham gia thực hiện nhất qua ba miền Bắc, Trung, Nam.

​Trao hai kỷ lục cho “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang”
Thông tin doanh nghiệp
Biến Nhà Của Bạn Thành Ngôi Nhà Thông Minh

Xã hội ngày càng hiện đại, các thiết bị thông minh ngày càng được nghiên cứu ra đời. Trong đó công tắc thông minh được xem là thiết bị hữu ích giúp con người có một cuộc sống tiện nghi hơn. Vậy lợi ích của thiết bị này là gì và nên chọn loại công tắc thông minh nào? Cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết sau để có câu trả lời.

Biến Nhà Của Bạn Thành Ngôi Nhà Thông Minh

TIN MỚI

Return to top