ClockThứ Sáu, 09/12/2022 13:45

Để đảm bảo mục tiêu trồng rừng thay thế

TTH - Đến nay, tổng diện tích rừng trồng thay thế (RTTT) các loài cây bản địa đã trồng trên địa bàn tỉnh khoảng 1.275ha, trong đó trên 1.100ha rừng phòng hộ và 169ha rừng đặc dụng. Phương thức trồng rừng gồm hỗn giao các loài cây bản địa, bản địa xen keo, mật độ trồng từ 400-833 cây/ha.

Ra quân trồng rừng phủ xanh vùng cát Phong ChươngDựa vào dân để bảo vệ rừngNgười dân đội mưa trồng rừng bản địa

Trồng rừng đa loài

Thách thức

Theo đánh giá của Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Nguyễn Hữu Huy, tác động của biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, nắng nóng gay gắt kéo dài, mưa bão, lũ lụt lớn và liên tục gây sạt lở đất. Hệ thống đường giao thông bị chia cắt do sạt lở làm gián đoạn hoạt động trồng rừng, chất lượng rừng trồng bị ảnh hưởng.

Diện tích đất chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng do các đơn vị chủ rừng quản lý để trồng rừng thay thế ngày càng ít và có địa hình phức tạp với độ dốc lớn, bị chia cắt bởi khe suối. Hầu hết các diện tích RTTT đều nằm ở vùng xa, nhiều trâu bò, thả rông phá hoại, làm cho công tác tổ chức trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với những diện tích đất trống đưa vào quy hoạch RTTT đa phần có hiện trạng thực bì cấp 5 và cấp 6. Khi phát thực bì chuẩn bị trồng rừng rất khó để thực hiện băm dập, rải đều trên toàn bộ diện tích thi công. Trong khi đó, quy trình kỹ thuật quy định không cho phép đốt xử lý thực bì nên thi công các công đoạn như đào hố, lấp hố và trồng cây rất khó, do lượng thực bì sau khi phát rất dày, có lúc cao đến cả mét, gây cản trở lớn đến quá trình thi công.

Hiện nay, các hồ sơ thiết kế RTTT đều quy định phải thi công trồng theo băng. Tuy nhiên, với hiện trạng thực bì như nêu trên, trong quá trình thi công phát thực bì, việc xác định độ rộng của băng chặt, băng chừa làm thế nào cho đúng theo hồ sơ thiết kế là rất khó khăn vì thực bì quá cao và dày. Sau khi trồng rừng, lượng thực bì ở băng chừa, gồm dây leo, giang bìm sẽ phát triển rất nhanh, xâm lấn, chèn ép không gian sinh trưởng của cây trồng. Với quy trình kỹ thuật chăm sóc rừng 2 lần/năm như hiện nay sẽ không theo kịp tốc độ xâm lấn của thực bì lên cây trồng.

Thời gian chăm sóc RTTT theo quy định là 5 năm, lúc này chiều cao cây trồng bình quân đạt khoảng 2,5-3m và tán cây chưa đủ để che bóng mặt đất, thực bì dây leo bên dưới sẽ phát triển mạnh, nguy cơ cao ảnh hưởng đến sinh trưởng cây trồng, đe dọa đến khả năng thành rừng bền vững của lâm phần.

Giá nhân công trồng rừng tăng cao, trong 2 năm qua mức tăng trên 30%. Công lao động trồng rừng thay thế hiện nay khoảng 300-350 nghìn đồng/người/ngày. Trong khi theo định mức ngày công lao động theo quy định hiện nay không đủ để nhà thầu thuê nhân lực thi công. Giá phân bón liên tục tăng mạnh, dự toán đơn giá trồng rừng vừa được duyệt thì giá phân bón ở thị trường đã cao hơn rất nhiều.

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp chưa đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ để sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng. Hệ thống nguồn giống cung cấp vật liệu gieo ươm cây con chưa nhiều, đơn loài và đang ở loại hình thấp, chưa có các mô hình nguồn giống các loài cây bản địa. Đặc biệt là các loài cây đặc hữu tại địa phương chưa có nên nguồn giống cây con trồng rừng bản địa trên địa bàn tỉnh rất khan hiếm.

Cần giải pháp đồng bộ

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn cho rằng, trước mắt các ban ngành tập trung chăm sóc tốt các diện tích RTTT đã trồng, đảm bảo phát triển, sinh trưởng tốt. Đối với diện tích rừng trồng mới, thời gian tới, các đơn vị tư vấn thiết kế phối hợp chặt chẽ với chủ rừng tổ chức xây dựng hồ sơ thiết kế đảm bảo tính khả thi và phù hợp với yêu cầu thực tế. Trong đó, đặc biệt khảo sát kỹ các yếu tố tự nhiên khu đất trồng rừng, đặc điểm thổ nhưỡng và phân bố cây tái sinh có mục đích, chừa lại cây tái sinh là yêu cầu bắt buộc khi thiết kế trồng rừng.

Giống được xem là yếu tố hàng đầu trong việc quyết định đến năng suất và chất lượng rừng trồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có diện tích rừng tự nhiên khoảng hơn 211 ngàn ha với sự đa dạng, phong phú về số lượng và chủng loài các loài cây bản địa, là nguồn cung cây giống dồi dào cho hoạt động trồng rừng bản địa nói chung và RTTT tại địa phương. Thời gian tới cần tăng cường sử dụng nguồn giống bản địa tại địa phương (hạn chế tối đa và tiến đến chấm dứt sử dụng lô cây giống từ các địa phương khác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ).

Để đảm bảo cây con xuất đi trồng rừng có chất lượng tốt nhất, duy trì đặc tính di truyền của những cây trội, lâm phần tốt trong khu rừng tự nhiên cần phải rà soát, tuyển chọn, xây dựng các nguồn giống tốt để cung cấp phục vụ gieo ươm cây con bản địa. Vì vậy, việc sử dụng giống trồng rừng cần đảm bảo điều kiện tiên quyết là chỉ sử dụng cây con từ các nguồn giống này mới được xuất đi trồng rừng. Theo đó, mỗi chủ rừng cần đánh giá tuyển chọn, công nhận các nguồn giống trong lâm phần tự nhiên để lấy giống và có giải pháp chăm sóc, bảo vệ, cung cấp đầy đủ giống chất lượng phục vụ nhu cầu trồng rừng hàng năm. Các đơn vị sản xuất giống xây dựng các vườn ươm theo phương châm “ba tại chỗ” (giống tại chỗ, gieo ươm tại chỗ, trồng rừng tại chỗ).

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các đơn vị tiếp tục thực hiện trồng rừng theo hướng đa loài (trên 3 loài) nhằm góp phần bảo tồn các nguồn gen cây gỗ quý, vừa tăng khả năng phòng hộ; khuyến khích trồng rừng hỗn giao tại mỗi khu vực trên dưới 10 loài cây bản địa đã qua đánh giá thích ứng với thổ nhưỡng, khí hậu hiện tại của tỉnh. Về phương thức trồng rừng sẽ tập trung theo các phương thức: hỗn giao bản địa xen keo, hỗn giao theo hàng, hỗn giao trong hàng, hỗn giao theo băng, hỗn giao theo đám.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặt mục tiêu có được học bổng

Nhiều sinh viên đặt mục tiêu học tập, rèn luyện thật tốt để có thể nhận học bổng, đó là cách để các em phụ giúp gia đình.

Đặt mục tiêu có được học bổng
Hướng đến mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh

Thừa Thiên Huế triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Đây cũng là hoạt động khởi đầu cho vụ trồng rừng năm 2024, với mục tiêu cùng cả nước hoàn thành chương trình “Trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”.

Hướng đến mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh
A Lưới
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia

Sáng 28/2, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã có buổi làm việc với UBND huyện A Lưới về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia
Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu

Tại lễ Tết trồng cây năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, hoạt động trồng cây, gây rừng là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu
Return to top