ClockThứ Năm, 11/06/2015 07:26

Để đề án bảo vệ nhà vườn Huế đi vào cuộc sống

TTH - Đề án"Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" đã được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 3, HĐND tỉnh khóa VI ngày 25/4/2015. Tuy nhiên, làm thế nào để đề án này đi vào cuộc sống là vấn đề mà UBND tỉnh, TP Huế và các ban ngành liên quan cần phải quan tâm.

Chủ nhà vườn tiếp đón du khách nước ngoài

Chưa giữ được nhà vườn

“Nhà vườn Huế thực sự xứng đáng là điểm đến của du khách khi đến tham quan du lịch. Vấn đề đặt ra là làm sao để người dân tham gia và cùng hưởng lợi từ nhà vườn và nhà vườn thực sự hấp dẫn đối với du khách? Đây là vấn đề lớn của ngành du lịch” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ
Theo điều tra của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Viện Kiến trúc Việt Nam) năm 2004, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 900 nhà truyền thống bao gồm nhà vườn, nhà ở truyền thống, phủ đệ, phủ thờ.
Ở Huế, hệ thống nhà vườn xuất hiện sớm, nhất là sau khi phủ chúa được xây dựng ở Kim Long vào năm 1663 và đặc biệt phát triển dưới thời nhà Nguyễn. Đây là vốn di sản đặc trưng tạo nên bản sắc, truyền thống văn hóa Huế, ảnh hưởng lớn đến hình thành cốt cách, tâm hồn của con người xứ Huế và là một bộ phận cấu thành di sản văn hóa của vùng đất Cố đô. Điển hình như Lạc Tịnh Viên (đường Phan Đình Phùng, phường Vĩnh Ninh, TP Huế) được xây dựng khoảng 120 năm trước và được UBND tỉnh công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2007. Theo đánh giá của TS Trần Đức Anh Sơn thì “Lạc Tịnh Viên dường như hội tụ đầy đủ tinh hoa của kiến trúc nhà rường Huế. Đó là sự vận dụng thuật phong thủy trong quy hoạch; đăng đối trong bố cục; tinh xảo trong nghệ thuật kiến trúc và chạm trổ; minh triết trong lối đặt tên, chọn chữ…”. Một trong những nhà vườn tiêu biểu khác là nhà vườn An Hiên ở phường Hương Long (nguyên là phủ của công chúa con vua Dục Đức) xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX có diện tích trên 4.600m2. Kiến trúc theo lối nhà rường 3 gian 2 chái với kết cấu và trang trí nội thất đặc sắc, các nhà vườn tiêu biểu ở Huế như một thế giới biệt lập, rộng hàng ngàn mét vuông, bao bọc bằng lũy tre xanh hay hàng rào chè tàu được cắt xén ngay ngắn tươm tất. Trong đó, những ngôi nhà rường kiến trúc bằng gỗ quý chạm khắc tinh tế dùng để thờ tổ tiên, vài ngôi nhà phụ dùng cho con cháu ăn ở, không gian còn lại là sân vườn với ao hồ, bể cạn, non bộ, bình phong, giếng nước và đôi khi còn có cả ngôi mộ của người đã có công tạo lập ra cơ ngơi ấy.
Mức hỗ trợ tối đa không quá 700 triệu đồng
Theo Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”, căn cứ vào giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, các nhà vườn sẽ được phân loại để được lựa chọn ưu tiên hỗ trợ. Theo đó, hỗ trợ kinh phí trùng tu tôn tạo nhà chính tối đa không quá 700 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 1, không quá 500 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 2 và không quá 400 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 3.
Ngoài ra, các chủ nhà vườn còn được hỗ trợ lãi suất vay trùng tu nhà vườn; hỗ trợ kinh phí tôn tạo khuôn viên vườn, kinh doanh dịch vụ tại nhà vườn; hỗ trợ tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Để bảo tồn nhà vườn, ngày 10/4/2006, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 3i/2006/NQBT-HĐND5 về “Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế, giai đoạn 2006-2010” (gọi tắt là Nghị quyết 3i). Do một số hạn chế, quá trình thực hiện, đề án này không mang lại hiệu quả, chưa bảo tồn được nhà vườn như mong muốn. Năm 2011, một cuộc khảo sát của Phòng Văn hóa –Thông tin TP Huế cho thấy, trong số 152 nhà vườn tiêu biểu nằm trong danh mục của Đề án “Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế”, ít nhất 52 nhà vườn có nhiều biến động, 14 nhà vườn đã tháo dỡ, xây dựng mới hoặc trong diện giải tỏa, 4 nhà vườn xin rút khỏi danh mục.
Theo ông Phạm Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, sau gần 7 năm triển khai, Nghị quyết 3i chưa thực sự đi vào cuộc sống như mong đợi. Nguyên nhân chủ yếu do số lượng nhà vườn được đề xuất bảo tồn lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách; chính sách hỗ trợ về thuế sử dụng đất không được áp dụng cơ chế đặc thù nên các chủ nhà vườn gặp nhiều khó khăn; việc triển khai chính sách của cơ quan chức năng quá chậm...
Nhiều việc phải làm
Tiếp tục bảo vệ các nhà vườn, mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 02/2015 về Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Theo đó, sẽ tập trung hỗ trợ để bảo vệ từ 25 đến 40 nhà vườn Huế đặc trưng trong giai đoạn 2015-2020. Điều mà các chủ nhà vườn quan tâm nhất là chính sách hỗ trợ lần này có mức hỗ trợ khá lớn. Và để thực hiện đề án, UBND tỉnh đang tiếp tục xây dựng quy chế quản lý nhà vườn, trong đó lấy ý kiến rộng rãi của của nhà vườn, các cơ quan và địa phương liên quan. Đại diện cho đơn vị xây dựng đề án, ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cùng với chính sách hỗ trợ thì có nhiều việc cần phải làm. Cụ thể, phải xây dựng quy hoạch để định vị trong khu nhà vườn đó không gian nào khuyến cáo được xây dựng và xây dựng như thế nào, hàng rào phân cách ra sao... vừa nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa của nhà vườn vừa đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân. Người dân khi tham gia đề án sẽ có những ràng buộc linh động nhưng không trái luật. Chẳng hạn trường hợp chủ nhân nhà vườn chuyển nhượng toàn bộ nhà vườn cho người khác thì chủ nhân mới của nhà vườn vẫn phải tuân thủ các cam kết mà chủ nhà vườn trước đó đã ký kết với chính quyền...
Cũng theo ông Phan Thiên Định, trong quá trình thực hiện đề án, chính quyền địa phương và đơn vị được giao trách nhiệm trùng tu phải gắn bó, chia sẻ với chủ nhà vườn. Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch còn cho rằng, chính quyền địa phương cần đưa tiêu chí bảo vệ nhà vườn vào nhiệm vụ kinh tế - xã hội hàng năm để thực hiện, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương.
Ông Nguyễn Đăng Thắng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Huế (đơn vị được UBND TP Huế giao nhiệm vụ triển khai các chính sách về bảo vệ nhà vườn) nhận định: “Với kinh phí hỗ trợ khá lớn và sự tham gia đồng bộ của các ngành, đề án bảo vệ nhà vườn mới sẽ khả thi. Tuy nhiên, để có sự đồng thuận, cần vận động, phân tích cho chủ nhà vườn hiểu thực hiện đề án này phía tỉnh được cái gì, chủ nhà vườn được cái gì?” 
Phát huy hiệu quả sau bảo tồn
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, cùng với công tác xây dựng quy chế quản lý nhà vườn, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về nhận thức của Nhân dân về chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn; nâng cao ý thức bảo vệ nhà vườn cho chủ nhân. Công tác khảo sát chi tiết những đối tượng nhà vườn đủ điều kiện theo quy định của Nghị quyết sẽ được triển khai. Căn cứ tiêu chí bảo vệ và những cam kết của chủ nhà vườn, hội đồng thẩm định sẽ lựa chọn nhà vườn nào làm trước, nhà vườn nào làm sau sao cho phù hợp. Nhà vườn nào đã chọn sẽ cố gắng triển khai trong thời gian sớm nhất.

Du khách chụp ảnh nhà vườn Huế

 
Một vấn đề nữa mà nhiều người quan tâm là sau công tác bảo tồn, trùng tu thì làm thế nào để nhà vườn Huế phát huy được giá trị. Thực tế thời gian qua giữa các ngành, đơn vị liên quan và chủ nhà vườn đang thiếu sự liên kết; công tác phát triển du lịch từ nhà vườn đang có những lúng túng...
Trước băn khoăn trên, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, tour du lịch nhà vườn thời gian qua đã có nhưng vẫn chưa bài bản, chưa hấp dẫn. Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng các tour du lịch nhà vườn cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn. Trải nghiệm nhà vườn Huế cần được tổ chức theo hướng khách du lịch thăm nhà vườn không chỉ ngắm nhìn kiến trúc, cảnh quan mà phải được sống, sinh hoạt trong không gian nhà vườn với những hoạt động, sinh hoạt như người dân địa phương thông qua việc giới thiệu và hướng dẫn phong tục cưới hỏi, kỵ giỗ, làm bánh ngày lễ tết... Trang thông tin điện tử giới thiệu nhà vườn sẽ được hoàn chỉnh để tạo điều kiện cho du khách tiếp cận nghiên cứu, tham quan cũng như phục vụ công tác quản lý...
Theo ý kiến của nhiều người, nhà vườn Phú Mộng thuận lợi cho phát triển du lịch nên cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn. Ở đây có nhiều nhà vườn, song cũng cần tạo cảnh quan và xây dựng đường giao thông thuận lợi. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng lại tour tuyến và có ý tưởng kinh doanh tốt. Để làm được cần có sự tham gia hướng dẫn của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, thậm chí có thể có kịch bản riêng cho hoạt động này. Nhiều ý kiến góp ý, chỉ nên mở các dịch vụ kinh doanh với quy mô vừa phải, nếu được nên kinh doanh theo kiểu xưa vì dù sao nhà vườn cũng là nơi ở. Theo ông Cao Chí Hải, đối với tuyến du lịch nhà vườn Thủy Biều cũng cần quan tâm bởi các nhà vườn ở đây có diện tích rất rộng và là vùng đất trồng thanh trà nổi tiếng.
 
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An, chủ nhân Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn (phường Phú Hiệp, TP Huế):
Tìm hiểu thực tế để có hướng hỗ trợ phù hợp
Chúng tôi luôn nghĩ rằng, việc bảo tồn di sản ông bà tổ tiên để lại là một trách nhiệm của con cháu. Tuy nhiên, qua thời gian, Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn có một số hạng mục xuống cấp nhưng do tài chính còn hạn hẹp nên chúng tôi chưa thể tôn tạo. Trước thông tin tỉnh sẽ triển khai đề án bảo vệ nhà vườn Huế đặc trưng với con số đầu tư kinh phí cụ thể cho nhà vườn loại 1, 2, 3 chúng tôi rất vui và cho rằng đó là một cố gắng lớn của tỉnh. Vấn đề còn lại là việc triển khai như thế nào để đạt hiệu quả. Theo tôi, trước mắt nên thành lập một đoàn đi khảo sát thực tế, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng gia chủ để có hướng hỗ trợ phù hợp.
Bà Phạm Thị Túy, chủ nhân Xuân Viên Tiểu cung (Phú Mộng, phường Kim Long, TP Huế):
Cơ hội tốt để giữ nhà vườn
Trước đây, phía chính quyền TP Huế có đặt vấn đề hỗ trợ kinh phí khoảng 100 triệu đồng để sửa chữa Xuân Viên Tiểu cung. Số tiền hỗ trợ này không đủ để tôn tạo một ngôi nhà rường. Tôn tạo hạng mục này có thể lại ảnh hưởng đến hạng mục khác, vì vậy, chúng tôi chưa muốn tham gia. Nay có thông tin Nhà nước hỗ trợ kinh phí nhiều hơn, bản thân tôi rất vui. Đây là cơ hội tốt để ngôi nhà của cha ông để lại được tôn tạo, bảo vệ.
Ông Phạm Đăng Thiêm, Chủ nhân Đền thờ Đức Quốc Công (phường Kim Long, TP Huế):
Mong đề án sớm triển khai
Từ trước đến nay, họ tộc chúng tôi có bỏ kinh phí để tôn tạo đền thờ một số lần nhưng cũng ở mức độ vừa phải bởi đền thờ được xây dựng đã 166 năm và rất rộng nên muốn tôn tạo phải có tiền tỷ trong tay. Vào mùa mưa bão, chúng tôi rất lo ngôi đền sẽ bị ảnh hưởng. Mới đây, UBND phường Kim Long thông tin về đề án bảo vệ nhà vườn Huế đặc trưng do UBND tỉnh triển khai. Chúng tôi đã nghiên cứu các chính sách hỗ trợ cũng như những cam kết của chủ nhân nhà vườn khi tham gia đề án này và thấy phù hợp nên nếu được sẽ cố gắng tham gia. Mong đề án sẽ sớm triển khai và đạt hiệu quả.
Minh Hằng - Đan Thanh (ghi)
 
Bài, ảnh: Thùy Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX. Trong đó, hoạt động ký kết thi đua do Liên minh HTX phát động là động lực giúp các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần để HTX phát triển bền vững.

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra thách thức lớn đối với công tác quản lý thuế (QLT), đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị, tích cực thực hiện một số giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả QLT đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn.

Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

TIN MỚI

Return to top