ClockThứ Bảy, 03/01/2015 20:36

Để Huế là thành phố đáng sống

TTH - Không chỉ dừng lại danh hiệu đô thị xanh bền vững. “Thành phố đáng sống” còn là mục tiêu hướng tới của chính quyền cũng như người dân Huế, bởi tính chất đáng sống ở tất cả các khía cạnh, gồm: môi trường, đất, nước, không khí... Chúng tôi đã gặp, trò chuyện với nhà quản lý, quy hoạch, nghiên cứu về các giải pháp để duy trì và giữ vững danh hiệu thành phố xanh, bền vững về môi trường…

Ông Nguyễn Văn Thành, TUV, Chủ tịch UBND TP Huế:

Cân bằng giữa tôn tạo và phát triển

Để thành phố phát triển xanh và bền vững, có tính chất đáng sống, chắc chắn còn nhiều việc phải làm.

Được công nhận danh hiệu TP môi trường bền vững là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu và xây dựng, chứ không phải một sớm một chiều. Huế không thể áp dụng cơ chế của bất kỳ đô thị nào khác bởi tính đặc trưng riêng. Dù phát triển thế nào cũng phải giữ được cảnh quan vốn có. Cân bằng giữa tôn tạo và phát triển chính là bước đi vững chắc của đô thị Huế.

Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước, chúng tôi xác định, du lịch và ngành dịch vụ phục vụ du lịch là mũi nhọn, cần tăng tốc phát triển cả về lượng lẫn về chất để thúc đẩy kinh tế Huế phát triển. Dù được xem là ngành công nghiệp không khói, song nếu không quản lý và kiểm soát tốt mà để cho ngành này phát triển không hợp lý sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, có khi còn phá vỡ cảnh quan của đô thị Huế. Do đó, chúng tôi sẽ cùng phối hợp với các sở ngành liên quan định hướng, quy hoạch phát triển phù hợp.

Việc đầu tư hạ tầng cũng vô cùng cần thiết, tuy nhiên, cần đầu tư chiều sâu, chất hơn lượng. Có thể chấp nhận phương án suất đầu tư cao hơn, tốn kém nguyên vật liệu hơn nếu độ bền của công trình được đảm bảo, chỉ số an toàn cao. Như việc đầu tư bê tông đường kiệt, có ý kiến cho rằng cần tập trung đầu tư thêm nhiều tuyến đường, nhưng quan điểm của chúng tôi là đầu tư ít, hiệu quả lâu dài, còn hơn đầu tư nhiều nhưng thiếu bền vững. Đầu tư đến đâu đem lại hiệu quả đến đó và đem lại mỹ quan cho đô thị là phương châm của chúng tôi trong thời gian tới.

Như một chuyên gia đã nêu tại hội nghị quốc tế Citynet lần thứ 32, Huế cần quan tâm hơn công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, sắp tới chúng tôi sẽ tận dụng đội ngũ tri thức được đào tạo chính quy tại các trường đại học trên địa bàn cho công cuộc phát triển Huế, cùng với tay nghề thành thạo của người dân các làng nghề để tạo các sản phẩm đặc trưng riêng. Huế không nhiều áp lực về đất đai, nhà cửa như hai đầu đất nước, cộng với ưu thế nhân công rẻ, tin rằng đội ngũ này sẽ giúp Huế ngày càng phát triển hơn.

KTS Nguyễn Minh Dũng, TUV, Giám đốc Sở Xây dựng:

Quan trọng là chỉnh trang đô thị và nếp sống thị dân

Dưới góc độ người làm quy hoạch và quản lý, tôi nghĩ rằng, bên cạnh triển khai các quy hoạch như: Quy hoạch mở rộng TP Huế, quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương, quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh, thành phố xanh..., thì việc quan trọng nhất vẫn là chỉnh trang đô thị và xây dựng nếp sống thị dân, theo hướng văn minh, tinh tế, dù công tác chỉnh trang đã được triển khai nhiều năm qua và phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị không phải bây giờ mới thực hiện.

Dù thế thì năm tới hay nhiều năm sau nữa, chúng ta cũng nên tập trung cho việc này, nhất là với việc xây dựng nếp sống thị dân. TP Huế phải có giải pháp thật hiệu quả để thị dân Huế ý thức được vai trò chủ thể của mình trong việc giữ gìn đô thị di sản, đô thị xanh và bền vững.

Vấn đề tôi muốn đề cập ở đây là ở góc độ cảm nhận đô thị. Phải tuyên truyền, vận động cho mỗi người dân nhận thức rằng chúng ta đang sống trong một TP văn hóa, vì thế mọi ứng xử với đô thị phải xuất phát từ văn hóa, ý thức của người dân. Những chủ nhân thực sự của thành phố phải cùng ý thức giữ gìn đô thị bằng những việc làm nhỏ nhưng cụ thể nhất, như không xả rác bừa bãi, không rải vàng mã ra đường trong lúc đưa tang, không viết, dán quảng cáo không đúng nơi quy định. Trong lĩnh vực du lịch, phải hạn chế được tình trạng cò mồi, hét giá... Đây là lĩnh vực không phải đầu tư lớn nhưng đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là về phía cảm nhận từ du khách khi đến Huế.

Việc chỉnh trang đô thị theo tôi cần chú ý các điểm xanh, mảng xanh để tạo thêm điểm nhấn cho Huế. Chúng ta đã triển khai thành công việc di dân vạn đò, trả lại sự thông thoáng cho các dòng sông, thì cũng cần có sự đầu tư thích hợp cho cảnh quan hai bên và các điểm tham quan, di tích. Các dự án chỉnh trang hai bờ sông Ngự Hà, sông Bạch Yến, Hộ Thành Hào... sắp tới cũng cần triển khai quyết liệt.

TS Trần Đình Hằng, Phân Viện Trưởng Phân Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế:

Cần có quy chế đặc thù quản lý cây xanh

Để quản lý đô thị Huế theo hướng xanh bền vững, tôi cho rằng chính quyền cần xây dựng quy chế đặc thù. Thành phố Jakarta của Indonesia đã xây dựng quy chế này, nên công tác quản lý đô thị của họ rất chặt chẽ, bài bản. Đơn vị quản lý về cây xanh ở Jakarta nếu muốn cắt tỉa chỉ một cành thôi của bất kỳ cây nào trong thành phố có tuổi thọ từ 20 năm trở lên đều phải được sự đồng ý của thị trưởng bằng văn bản. Tuyệt đối không có chuyện tự ý đốn hạ, cắt tỉa cành, dù là vào mục đích gì.

Huế có đặc điểm mưa nhiều và thường xuyên chịu ảnh hưởng lốc bão. Vì thế, thay vì hàng năm cứ đến mùa mưa bão là phải cắt tỉa cành, điều này làm cho nhiều cây lâu năm mất tán, ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển, thì TP Huế nên thuê hoặc chỉ đạo đơn vị quản lý về chuyên môn nghiên cứu chọn cây phù hợp để trồng. Giải pháp khác tôi cho là có thể triển khai là biến cây xanh đường phố thành cây cảnh bằng cách hạ độ cao để tán rộng, vừa che bóng mát vừa không lo gió bão xô ngã.

Tôi thấy tiếc vì Huế hiện còn khá ít cây cổ thụ. Có quá nhiều cây bị bứng đi để phục vụ việc phát triển mở rộng đô thị. Nếu buộc bứng cây cổ thụ thì nên thuê người có chuyên môn tư vấn cách chăm sóc để có thể trồng lại ở một vị trí khác. Bởi một cây cổ thụ phải mất cả trăm năm mới có được.

Huế cũng cần giữ gìn không gian nhà vườn, bởi đây có thể xem là môi trường sống bền vững cho người dân Huế, cũng có thể nói là chuẩn về môi trường sống đối với người Việt Nam và cả thế giới, bởi nó hội đủ tất cả các yếu tố về cây xanh, mặt nước, ao hồ, sân vườn, không gian đô thị... Chỉ tiếc là việc này chưa được quan tâm đúng mức. Sẽ là lý tưởng nếu bạn được sống trong một ngôi nhà có khu vườn thoáng đãng, có hồ cá, có cây xanh cho bóng mát, có nơi để thư ngiãn, hít thở khí trời, có chỗ cho trẻ con vui chơi... Huế đang có lợi thế về môi trường sống này, thì không có lý do gì để không phát huy.

Một đô thị xanh, bền vững hẳn cần nhiều yếu tố nữa, song tôi nhận thấy, ngoài mảng cây xanh cần có quy chế quản lý cụ thể, thì Huế chỉ cần giữ nguyên như thế và làm đẹp thêm, tinh tế thêm.

Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top