ClockThứ Tư, 05/06/2013 12:01

Để làm tốt bài thi môn Hóa

TTH - Nhằm giúp thí sinh làm tốt bài thi đại học môn Hóa, chuyên mục Đi cùng mùa thi kỳ này đã phỏng vấn cô giáo Âu Khánh Vân, Tổ trưởng tổ Hóa, Trường THPT Nguyễn Huệ.

Cô có thể cho biết những lưu ý để ôn tập và làm tốt đề thi môn Hóa?

 

Để làm tốt bài thi đại học môn Hóa, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản và phương pháp giải các dạng bài toán khác nhau. Trong khoảng thời gian không còn dài, để việc ôn tập đạt hiệu quả cao và vận dụng làm bài được tốt, các em nên tự hệ thống lý thuyết theo từng chủ đề, ví dụ như: tính chất vật lý của các chất, các yếu tố làm thay đổi các tính chất đó, phản ứng hóa học đặc trưng của các chất, cách điều chế trong công nghiệp và trong phòng thí nghiệm, một số ứng dụng của các chất tiêu biểu... Việc hệ thống hóa kiến thức theo từng chủ đề cũng giúp học sinh dễ nhớ, dễ vận dụng và so sánh giữa các chất, đồng thời cũng rèn khả năng suy luận để giải quyết nhiều câu hỏi có tính phân hóa cao trong đề thi đại học.

 

Học sinh cần lưu ý, tất cả kiến thức có trong đề thi đại học đều giới hạn trong chương trình sách giáo khoa, chỉ cần nắm vững những vấn đề đó là các em đã có thể làm bài tốt. Một điểm sai lầm mà học sinh thường mắc phải trong thời gian này là các em quá ôm đồm về mặt kiến thức. Vì lo lắng cho kỳ thi sắp đến, các em thường tìm đọc những sách tham khảo khác nhau mà không để ý đến giới hạn của chương trình phổ thông, dẫn đến hiện tượng là các em phát hiện ra có quá nhiều kiến thức mà chưa từng được nghe nói đến, dẫn đến tâm lý hoảng sợ, ngỡ là mình bị mất căn bản quá nhiều và rồi mất thời gian đọc, tìm tòi, đi hỏi bạn bè, thầy cô về những điểm kiến thức mà thật ra mình không cần tới.

 

Song song với việc hệ thống lại kiến thức cơ bản của chương trình phổ thông, học sinh cần rèn luyện phương pháp giải các dạng bài toán thuộc các phần khác nhau. Cũng như phần lý thuyết, để rèn luyện kỹ năng giải toán có hiệu quả, học sinh cần phải ôn tập theo từng chủ đề, từng phương pháp. Hiện tại, có khá nhiều đề thi thử đại học của các trường trong toàn quốc được đăng trên mạng, nhiều học sinh tải về, giải và xem như là thay việc ôn tập. Việc làm này cũng giúp học sinh làm quen phần nào với đề thi, rèn cho mình một cách làm bài hiệu quả, tuy nhiên nếu kết hợp song song với quá trình tự ôn luyện như trên sẽ đem lại kết quả cao hơn.

 

Các lỗi thường mắc phải trong bài thi là gì và cần phân bố thời gian làm bài thi thế nào cho hợp lý, thưa cô?

 

Một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong kết quả thi của học sinh là yếu tố tâm lý. Các em cần có sự bình tĩnh, tự tin trong quá trình làm bài. Để được như vậy thì thứ nhất là phải tạo một tâm lý ổn định trong quá trình thi. Môn Hóa là môn thi trắc nghiệm, số lượng câu hỏi nhiều nên việc đọc lướt các câu hỏi trong đề mất khá nhiều thời gian và không khuyến khích phải thực hiện.

 

Theo chia sẻ của nhiều học sinh đã trải qua kỳ thi đại học thì các em nên tạo cho mình một thói quen trong việc xử lý đề. Có thể các em sẽ làm theo thứ tự câu hỏi, tuy nhiên không nên mất quá nhiều thời gian cho một câu. Khi gặp câu chưa làm được nên đánh dấu lại, làm tiếp các câu khác sau đó quay lại giải quyết câu hỏi đó sau. Ở phần riêng trong đề thi, vì số lượng câu ít hơn, các em có thể đọc lướt qua để chọn phần nào mình cảm thấy chắc chắn hơn. Ngoài ra, việc đọc đề cũng rất quan trọng, vẫn có hiện tượng học sinh làm câu trước nhưng lại dùng dữ kiện của câu sau, câu hỏi so sánh theo chiều tăng lại làm theo chiều giảm..., vì vậy nên dùng bút vừa đọc vừa gạch chân những cụm từ trọng tâm của câu hỏi, những dữ liệu số liên quan đến việc tính toán.

 

Một vấn đề nữa cũng không kém phần quan trọng đối với việc tạo tâm lý ổn định trong quá trình thi đó là sức khỏe của học sinh. Các em cần có thời gian học và nghỉ ngơi hợp lý, tránh học hành quá căng thẳng, khi cảm thấy mệt mỏi nên giải lao, thư giãn. Cần chuẩn bị sao cho khi đến trường thi, các em có một thể chất mạnh khỏe, một đầu óc linh hoạt thì mới có thể đạt kết quả tốt.

Chúc các em thành công!

 

Xin cảm ơn cô!

Ngọc Hà (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

TIN MỚI

Return to top