ClockThứ Năm, 18/02/2016 11:11

Để Lễ hội đẹp hơn, ý nghĩa hơn

TTH - Không đến mức biến tướng như một số lễ hội ở miền Bắc, nhưng đâu đó vẫn còn những ứng xử chưa đẹp khiến bức tranh lễ hội đầu xuân ở Thừa Thiên Huế chưa thật sự trọn vẹn.

Hãy đến Lễ hội với cái tâm trong sáng

Những “cảnh” chưa đẹp

Vốn là địa điểm tâm linh nổi tiếng, mấy ngày Tết, Khu du lịch tâm linh Tượng đài Quán Thế Âm (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) luôn nườm nượp khách. Suốt ngày mồng 1 Tết, người người, nhà nhà đến đây để cầu an, cầu phúc, cầu tài lộc… Sẽ không có gì để nói nếu ai cũng đến hương khói, lễ lạt với ý thức văn minh. Đáng tiếc, sau khi khách ra về, để lại vô số rác thải khiến khoảng sân trước mặt Tượng đài Quán Thế Âm đầy túi nilon, vỏ chai nước, chân nhang trông rất nhếch nhác. Trong khi sọt rác được đặt gần đó hầu như... trống không. 

Cảnh xả rác bừa bãi sau khi tham gia lễ hội ngày xuân ở khu vực Tượng đài Quán Thế Âm

Chị Hoa, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh lắc đầu ngao ngán: “Ý thức của một số người kém quá. Mà nào có phải làm gì to tát đâu, chỉ thu dọn vỏ nilon, chai nước mình mang tới bỏ vào thùng rác mà cũng không làm. Cảm tưởng như, họ đến đây chỉ để cầu lộc cho mình, còn rác... ai dọn mặc kệ”. Xung quanh, một số người  tự do hành nghề bói toán, bày bán bùa, vòng đeo tay cầu may với giá gấp đôi, gấp ba...

Thảng hoặc, khi đến dâng hương ở một số đền, chùa, miếu mạo, một số người để tiền lẻ vào tượng Phật để mong được... phù hộ may mắn. Cũng vì tâm lý lễ lớn mới tỏ được lòng thành nên một số người sắm những mâm lễ thật to, đầy và cố làm sao để “choán” lấy một chỗ trang trọng. Vẻ như, cái ước nguyện ban đầu là đi lễ chùa, đền để tìm về chốn thiền môn thanh tịnh, an bình giúp cân bằng cuộc sống được một số người thay đổi bằng việc đi để cầu xin công danh, lợi lộc, tiền tài... làm suy giảm yếu tố tâm linh, coi nặng giá trị vật chất. Theo T.S Trần Đình Hằng, Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, chính cái tôi cá nhân và việc mang nhu cầu xã hội vào đời sống tín ngưỡng khiến việc tham gia lễ hội mất đi ý nghĩa thanh cao của nó. 

Những trò chơi dân gian tái hiện lại nét đẹp truyền thống xưa, như: chọi gà, bầu cua ở một số nơi có lúc mang tính ăn thua, sát phạt nhau... Không ồn ào nhưng người xem âm thầm tự cá cược với nhau. Chuyện giữ xe quá giá quy định, trong đó không ít tư nhân tự ý đứng ra trông xe, với giá quá cao (phí giữ xe máy ở công viên Thương Bạc, Khu du lịch tâm linh Tượng đài Quán Thế Âm tăng lên 10.000 đồng/chiếc) làm người dân bất bình cũng xuất phát từ việc người ta chỉ nhìn thấy nguồn lợi trước mắt.

Chấn chỉnh từ ý thức

Theo nhận xét của nhiều người, nhìn chung, những biến tướng trong lễ hội không phổ biến ở Thừa Thiên Huế. Đa phần các lễ hội đều do làng tổ chức nên người dân có ý thức giữ gìn, góp phần hạn chế hành vi tiêu cực của người ở những nơi khác đến. Ông Nguyễn Văn Hà, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, so với nhiều nơi trong cả nước, Thừa Thiên Huế là địa phương làm tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp loại A. Để làm được điều này là do ý thức của người dân đa phần có nề nếp. Lễ hội ở Huế cũng không tập trung quá đông du khách thập phương. Thứ nữa, cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và Ban Quản lý các di tích đã làm tốt công tác tổ chức. Tuy nhiên, một đôi chỗ vẫn có những hành vi ứng xử không đẹp, kiểu “con sâu làm rầu nồi canh” làm ảnh hưởng đến bức tranh chung.

Không ai có thể phủ nhận yếu tố tích cực mà lễ hội đem lại. Đó là hoạt động văn hóa hướng cộng đồng tới những sinh hoạt lành mạnh. Tuy nhiên, nếu không có ý thức giữ gìn, mặt trái của hoạt động văn hóa tín ngưỡng này cũng không nhỏ với những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của người tham gia lễ hội. Theo TS Trần Đình Hằng, người tham dự lễ hội cũng cần “bản lĩnh” để không bị hùa theo hiệu ứng đám đông, tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Làm sao để mỗi người dân và du khách khi đến tham gia lễ hội được giáo dục sâu sắc về ý thức là trăn trở của nhiều người. Để làm được điều đó, các ban ngành, chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng đến người dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh. Việc kiểm tra xử lý những hoạt động phi văn hóa như bói toán, tăng ép giá tại những nơi diễn ra lễ hội cần được đẩy mạnh và làm triệt để; có chế tài xử phạt để người dân tự răn đe mình phải giữ gìn vệ sinh môi trường, để lễ hội diễn ra văn minh, an toàn, từ đó góp phần nâng cao hơn đời sống tinh thần cho mỗi người.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo và 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Ngoài ra, còn có khoảng 40 lễ hội khác do Bộ, ngành, địa phương tổ chức. 
Tháng 2/2015, lần đầu tiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) quyết định chấm điểm công tác tổ chức lễ hội của các địa phương trong cả nước. Theo Quyết định số 486/QĐ-BVHTTDL, ban hành “Tiêu chí đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian”; với những thang điểm cụ thể để đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở các địa phương. Theo đó, bộ tiêu chí có 6 nội dung chính là căn cứ đánh giá (mỗi nội dung gồm các tiêu chí cụ thể), bao gồm: Công tác quản lý, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hằng năm (tối đa 9 điểm); quán triệt, tuyên truyền văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, văn bản quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ của bộ (tối đa 6 điểm); thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội (tối đa 25 điểm); đảm bảo môi trường an toàn tổ chức lễ hội (tối đa 40 điểm); tổ chức các hoạt động dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật (10 điểm) và thực hiện thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội tại cơ sở (10 điểm). Điểm tổng của thang điểm đánh giá là 100. Điểm đạt từ 95 - 100 điểm là hoàn thành xuất sắc (loại A); điểm đạt từ 85 - 94 điểm là hoàn thành tốt (loại B), điểm đạt từ 51- 84 là hoàn thành (loại C) và điểm dưới 50 là chưa hoàn thành (loại D)”…
Cuối năm 2015, Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Báo Văn Hóa đã tổ chức họp báo, lấy ý kiến các cơ quan thông tin đại chúng bằng hình thức chấm điểm nhằm đánh giá công tác quản lý, tổ chức lễ hội dân gian ở 63 tỉnh, thành trong mùa lễ hội 2015. Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Bộ VHTT&DL mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục nhập cuộc, đồng hành với Bộ trong việc tuyên truyền, giám sát và phản ánh tình hình thực hiện các tiêu chí này tại các địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

NHÓM PV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ

Đoàn rước đường bộ xuất phát từ 352 Chi Lăng để di chuyển lên Nghinh Lương Đình. Cùng lúc, đoàn thuyền xuất phát từ 352 Chi Lăng lên bến Nghinh Lương Đình chờ để nhập đoàn đường bộ rước Mẫu lên điện Huệ Nam.

Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ
Lễ hội & bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

Không chỉ đa dạng, lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã ít nhiều phản ánh được những ước vọng, sự cầu nguyện của con người đến các đấng thần linh về một cuộc sống ấm no. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra khi bàn về việc nhận diện giá trị và hướng bảo vệ các lễ hội nói chung và lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng.

Lễ hội  bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số
Return to top