ClockThứ Năm, 09/12/2021 07:15

Để miễn nhiệm, từ chức trở thành “văn hóa”

TTH - Được Bộ Chính trị ban hành ngày 3/11/2021, Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (thay thế Quy định 260– QĐ/TW ban hành năm 2009) nhận được sự đồng thuận, quan tâm, theo dõi của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân.

Từ chức, miễn nhiệm là hoạt động bình thường trong công tác cán bộNhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cao với Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

Ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Ảnh: daihoi13.dangcongsan.vn

Vấn đề “miễn nhiệm” và “từ chức” là những nội dung thường xuyên được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm và thường xuyên được đặt ra trong nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và được luật hóa trong hệ thống pháp luật nhà nước từ nhiều nhiệm kỳ qua.

Cụ thể, tại Quy định số 260 – QĐ/TW, ngày 2/10/2009, Bộ Chính trị đã ban hành những căn cứ để xem xét, cho cán bộ thôi chức vụ, miễn nhiệm, từ chức; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nêu rõ: “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”; hay tại những phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội, vấn đề “văn hóa từ chức” cũng nhiều lần được đưa ra để “mổ xẻ” làm rõ trách nhiệm, năng lực quản lý của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.

Đặc biệt, vấn đề “văn hóa từ chức” được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra bàn bạc thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội của các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây.

Trong Đảng cũng đã có nhiều cán bộ, đảng viên cao cấp xin rút khỏi (từ chức) các cơ quan lãnh đạo cấp cao sau khi phạm sai lầm trong công tác quản lý, trở thành tấm gương sáng trong việc nêu gương của cán bộ. Chẳng hạn như, sau những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất được kết luận, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã xin rút khỏi Bộ Chính trị, đồng chí Hồ Viết Thắng xin rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương và đặc biệt, đồng chí Trường Chinh xin từ chức Tổng Bí thư của Đảng…

Thế nhưng, trong thời gian qua, việc “miễn nhiệm” và “từ chức” vẫn chưa trở thành việc làm “bình thường”, nhất là “từ chức” vẫn chưa thể trở thành “văn hóa” và hầu như hiếm khi xuất hiện thậm chí là không có trong trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, mỗi khi có những việc làm sai trái, đi ngược lại quyền và lợi ích của Đảng và Nhân dân. Thực tế đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.

Xuất phát từ tình hình suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước thời gian qua. Hội nghị lần thứ 4, BCH Trung ương Đảng khóa XIII khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đến nay, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, gần 1.400 tổ chức đảng và hơn 74.000 đảng viên ở các cấp đã bị xử lý kỷ luật, hơn 8.700 người bị khai trừ ra khỏi Đảng và hơn 4.300 cán bộ, đảng viên phải xử lý bằng pháp luật, kể cả những cán bộ cấp cao của Đảng.

Để kịp thời đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, cung cấp những căn cứ rõ ràng, phù hợp với thực tế và những chỉ đạo mới của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41 - QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Theo đó, Quy định số 41 đã nêu rõ, việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ có 6 căn cứ miễn nhiệm và 4 căn cứ từ chức.

6 căn cứ miễn nhiệm là: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút; bị khiển trách 2 lần trong một nhiệm kỳ hoặc trong một thời hạn bổ nhiệm; có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu; có 2 năm liên tiếp xếp loại mức không hoàn thành nhiệm vụ; bị kết luận suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm những điều đảng viên không được làm; bị kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị và bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

Đối với 4 căn cứ từ chức gồm: Do hạn chế về năng lực, không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu; vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Quy định số 41 cũng đã đưa ra 3 căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu đó là: Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức; cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng. Quy định này cũng nêu rõ quy trình, thời gian, cấp thẩm quyền xem xét miễn nhiệm hoặc cho cán bộ từ chức.

Có thể thấy, qua 3 nhiệm kỳ XI, XII, XIII nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng kịp thời công cuộc đổi mới của đất nước. Quy định số 41 được ban hành, được xem làm bước đột phá để siết chặt những kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.

Việc triển khai thực hiện quy định trên, là một trong những biện pháp cực kỳ quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhằm từng bước đưa việc từ chức của cán bộ, đảng viên không còn đủ năng lực, uy tín trở thành “văn hóa” ở nước ta hiện nay nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh.

Trần Văn Toàn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Công bố quyết định về công tác cán bộ

Chiều 29/3, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì và trao Quyết định bổ nhiệm.

Công bố quyết định về công tác cán bộ
Cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp "tinh hoa" của đất nước

Tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ngày 13/3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo với chủ đề: "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng".

Cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp tinh hoa của đất nước
Return to top