ClockThứ Tư, 01/01/2014 08:57

Để mỹ thuật Huế sum suê cành lá

TTH - Nếu có một cuộc thăm dò chuyên nghiệp về mỹ thuật trong cả nước, tôi tin rằng Huế sẽ có chỉ số đánh giá rất cao so với các đô thị khác, bởi lẽ, hiện nay, nếu xem xét mỹ thuật Huế dưới nhãn quan của hệ sinh thái học nghệ thuật thì Huế có một vài nhân tố công và tư về mỹ thuật khá mạnh so với các địa phương khác. Tuy nhiên, nếu đi sâu khảo xét, ta vẫn thấy mỹ thuật Huế còn một vài nhân tố mờ nhạt hoặc chưa thực sự thành hình.

Huế là một trong những trung tâm văn hóa của cả nước, Huế có Trường đại học Nghệ thuật từ năm 1957. Hiện nay, nếu theo danh sách hội viên địa phương và trung ương, thì trên địa bàn Thừa Thiên Huế mà cơ bản tập trung tại thành phố Huế có 133 hội viên trong đó có 44 hội viên trung ương (hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam). Về bằng cấp, có khoảng 40 người làm nghệ thuật có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có gần 30 người được đào tạo ở nước ngoài. Nhìn đại trà thì nghệ thuật tạo hình Huế có vẻ miệt mài theo quán tính tạo hình cũ và trầm lắng, các cuộc triển lãm cá nhân, nhóm thường chỉ tập trung vào một số nghệ sĩ. Tuy nhiên, xét về trường hợp đặc thù thì nghệ thuật tạo hình Huế luôn có các cá nhân điển hình vượt thoát ra khung cảnh chung đó. Lê Thành Nhơn, Bửu Chỉ trước đây và Lê Thừa Tiến, Le Brothers (Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải), Trương Thiện, Nguyễn Thị Thanh Mai... hiện nay chẳng hạn. Một vài năm trở lại đây, nhiều nghệ sĩ đã có điều kiện mở mang nhãn quan nhờ những khóa tu nghiệp hoặc triển lãm ở nước ngoài nên tác phẩm của họ ngày càng tiệm cận với xu thế chung trong nước và quốc tế.

3 cửa sổ về di sản, sơn dầu, Võ Xuân Huy

Chúng ta có thể điểm qua một số thành tựu nổi bật của mỹ thuật Huế năm 2013: Le Brothers và Trần Tuấn tham dự Singapore Biennale 2013 tại Singapore Art Museum (SAM), Trương Thế Linh (quê gốc ở Quảng Bình, học tập và sáng tác tại Huế) dành giải nhất cuộc thi tranh chân dung tự họa Dogma Prize - 2013 với giải thưởng trị giá 120 triệu đồng; Lê Phan Quốc giải nhì và Đặng Thị Thu An giải tặng thưởng cuộc thi Mỹ thuật đương đại lưu vực sông Mêkông lần thứ II do đại học Maha Sarakham, Viện nghiên cứu Nghệ thuật và Văn hóa Đông Nam Á, Hội họa sĩ Isan, Phòng trưng bày Jampassi - Thái Lan tổ chức; Võ Xuân Huy, Lê Thừa Tiến và Nguyễn Thiện Đức vừa được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đưa vào bộ sưu tập tranh đương đại. Các hoạt động nghệ thuật đương đại sôi nổi do Trung tâm Văn hóa Phương Nam - Làng nghề Huế và NSAF (New Space Art Foundition) đồng phối hợp tổ chức. Nhiều triển lãm của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế tại đây rất có giá trị. Có thể kể tên như: “Mẹ vợ tôi” của Trương Thiện, “Khoảng cách” của Jae Young Choi (Hàn Quốc) “Sự âm ỉ” của Chu ChunTeng (Đài Loan), “Sản phẩm Việt Nam” của Astrid Chulz (Đức)...

Chào, sơn dầu trên giấy bìa, Nguyễn Đình Hoàng Việt

Bên cạnh thành tựu nổi bật, theo tôi có ba nghịch lý với mỹ thuật Huế. Một là: Huế có sông Hương núi Ngự hữu tình, danh lam thắng cảnh đẹp, hài hòa rạng danh cả năm châu bốn biển, nhưng Huế không có một dòng tranh phong cảnh xứng tầm. Chưa có nghệ sĩ nào gắn tên tuổi mình với phong cảnh xứ Huế kiểu như Phố - Phái Hà Nội. Hai là: tại Huế văn hóa Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa xã hội, nhưng lại không sâu đậm và tạo ra một dòng chảy riêng trong nghệ thuật tạo hình. Quả thật, đến nay chưa có họa sĩ nào hoàn toàn đứng trên nền tảng Phật giáo để xây dựng hình tượng tạo hình, quan điểm sáng tạo rõ nét. Mặc dù, thảng hoặc ta cũng bắt gặp đâu đó sự vay mượn hình ảnh nhà tu khất thực, bình bát, chuông, mõ,... trong một số triển lãm. Ba là: Huế có truyền thống mỹ thuật, nhiều họa sĩ tên tuổi, và hiện nay có lực lượng họa sĩ khá đông và chất lượng, nhưng lại thiếu nhà triển lãm xứng tầm và bảo tàng mỹ thuật. Vậy nên tranh của Nguyễn Khoa Toàn, Tôn Thất Sa, Tôn Thất Đào, Bửu Chỉ...của các thế hệ trước chưa được sưu tầm và lưu giữ. Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị chưa có chương trình hoat động mới mẻ, sáng tạo. Hiện nay, hai trung tâm này hoạt động cộng đồng còn mờ nhạt, chưa có sắc thái riêng trong khi sở hữu tài sản lớn, tác phẩm đẹp, mặt bằng tốt.

Con mồi, sơn dầu trên giấy bìa, Nguyễn Đình Hoàng Việt

Thừa Thiên Huế đang hướng đến đô thị trực thuộc trung ương, đô thị nhân văn, thành phố festival thì cần có một chiến lược đúng đắn và dài hơi. Làm được điều này có lẽ cần có đơn đặt hàng cho các nhà khoa học tầm cỡ, viện nghiên cứu, và không loại trừ cả tổ chức nghiên cứu nước ngoài. Mỹ thuật Huế cũng cần có chiến lược riêng để phát huy đầy đủ các nhân tố công và tư để “cây” mỹ thuật Huế sẽ sum suê cành lá, đa dạng trong sự thống nhất, vừa riêng vừa chung so với mỹ thuật cả nước. Trước mắt, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế cần tổ chức các workshop, triển lãm chuyên đề theo chất liệu hoặc chủ đề.

Bài và ảnh: Võ Xuân Huy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Đưa sách đến với cộng đồng

Những năm qua, bên cạnh công tác phục vụ tại chỗ cũng như tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế còn triển khai việc đưa sách, báo về phục vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các đồn biên phòng, trại giam… với mong muốn đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ sách, báo của người dân.

Đưa sách đến với cộng đồng
Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Bàn giao, đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại lăng Gia Long

Ngày 15/4, Công ty TNHH Gbike (Viet PM) phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện Lễ bàn giao và đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại Lăng Gia Long. Đồng thời, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ phụ trợ như ứng dụng công nghệ chia sẻ xe đạp GCOO, sạc điện và bảo trì xe đạp điện.

Bàn giao, đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại lăng Gia Long

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top