ClockThứ Sáu, 30/09/2022 18:16

Đề nghị cơ quan công an điều tra, xử lý Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu

TTH.VN - UBND huyện Phong Điền vừa có văn bản đến các cơ quan, Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, Công an TP. Hồ Chí Minh và Công an Thừa Thiên Huế đề nghị can thiệp, điều tra, xác minh, xử lý đối với Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu.

Phong Điền: Trao trả tài sản đánh rơi cho công dânKết nối doanh nghiệp giải quyết việc làm cho người lao độngGiúp dân khắc phục hậu quả sau bãoSạt lở biển diễn biến phức tạpBộ Tư lệnh Quân khu 4 kiểm tra công tác phòng chống bão số 4

Rừng trồng ở Phong Xuân. Ảnh minh họa

Cùng với đó là ông Hoàng Minh Toàn, người đại diện theo pháp luật của Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu, đã lấy tiền đặt trước của khách hàng tham gia đấu giá mua gỗ rừng trồng rồi không chịu hoàn trả.

Theo báo cáo của UBND huyện Phong Điền, thực hiện các quyết định của UBND tỉnh, UBND huyện Phong Điền giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện các hồ sơ, thủ tục để đấu giá bán, thanh lý tài sản gỗ rừng trồng sản xuất trên diện tích 67,73 ha tại địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Việc đấu giá này gồm 2 gói: Gói 1 có diện tích 25,84 ha và gói 2 diện tích 41,89 ha.

Ngày 20/7/2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiến hành ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu (địa chỉ số 001 Cao ốc Thái An 2, số 1/45 Nguyễn Văn Quá, khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh). Đến ngày 12/8/2022, Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu đã tổ chức đấu giá tài sản gỗ rừng trồng sản xuất theo hợp đồng. Trên cơ sở kết quả đấu giá, ngày 12/8/2022, phía Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu đã có thông báo kết quả đấu giá tài sản gỗ rừng trồng trên diện tích 67,73 ha (tổng 2 gói).

Ngày 16/8/2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền ký hợp đồng mua bán tài sản gỗ rừng trồng với người trúng đấu giá tài sản. Người trúng đấu giá tài sản đã nộp số tiền mua tài sản đấu giá là 9,12 tỷ đồng vào tài khoản tiền gửi của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tại Kho bạc nhà nước huyện Phong Điền sau khi trừ số tiền đặt trước đấu giá tài sản là 1,512 tỷ đồng.

Ngày 16/8/2022, Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu chuyển 1,512 tỷ đồng tiền đặt trước của người trúng đấu giá 2 gói tài sản gỗ rừng trồng nói trên thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Phong Điền đến số tài khoản tiền gửi của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền tại Kho bạc Nhà nước huyện Phong Điền.

Tuy nhiên, từ ngày 16/8/2022, Kho bạc Nhà nước huyện Phong Điền chuyển đổi ngân hàng giao dịch từ Agribank huyện Phong Điền sang Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) - chi nhánh Nam, Thừa Thiên Huế. Do đó, Agribank huyện Phong Điền không chuyển tiếp số tiền này đến tài khoản tiền gửi của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tại Kho bạc Nhà nước huyện Phong Điền mà chuyển trả lại về tài khoản của Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu.

Sau đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền đã gửi thông tin liên quan đến ngân hàng giao dịch chuyển tiền cho Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu, nhưng công ty không chuyển trả 1,512 tỷ đồng tiền đặt trước của người trúng đấu giá 2 gói tài sản gỗ rừng trồng nêu trên theo quy định.

Trong thời gian từ ngày 16/8/2022 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền đã nhiều lần đến Văn phòng đại diện của Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu (tầng 5, tòa nhà ETI, số 24 Lý Thường Kiệt, phường Vĩnh Ninh, TP.Huế) và nhiều lần liên lạc với ông Hoàng Minh Toàn để yêu cầu thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng nhưng không được. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cũng đã nhiều lần gửi văn bản mời ông Hoàng Minh Toàn đến làm việc để yêu cầu trả lại tiền đặt trước của khách hàng. Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Toàn luôn vắng mặt tại các buổi làm việc theo giấy mời.

Theo UBND huyện Phong Điền, hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đã ký kết giữa Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền quy định: “Tiền đặt trước là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân khi tham gia đấu giá và được trừ vào tiền mua tài sản đối với khách hàng trúng đấu giá. Tiền đặt trước được chuyển vào tài khoản của Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu. Tổng số tiền đặt trước của khách hàng sẽ được phong tỏa và mở phong tỏa bằng văn bản khi có sự đồng ý của 2 bên. Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày đấu giá thành, Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu có trách nhiệm trả lại tiền đặt trước cho khách hàng không trúng đấu giá và thanh toán tiền đặt trước của khách hàng trúng đấu giá cho bên có tài sản đấu giá”. Thế nhưng, phía Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu và ông Hoàng Minh Toàn đã tự ý mở phong tỏa, rút tài khoản tiền đặt trước của khách hàng nộp.

Vì vậy, ông Hoàng Minh Toàn đã vi phạm hợp đồng đã ký kết. Hành vi này có dấu hiệu chiếm dụng tiền đặt trước của khách hàng không trúng đấu giá tài sản, không thực hiện thanh toán tiền đặt trước của khách hàng trúng đấu giá cho bên có tài sản đấu giá. Hiện nay vẫn còn 5 khách hàng chưa được chuyển trả tiền đặt trước với tổng kinh phí là 7,56 tỷ đồng. Số tiền trên bao gồm 1,512 tỷ đồng tiền đặt trước của người trúng đấu giá 2 gói tài sản gỗ rừng trồng và 6,048 tỷ đồng tiền của 4 khách hàng khác không trúng đấu giá.

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho rằng, vi phạm của Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu và ông Hoàng Minh Toàn đã gây thiệt hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân và có dấu hiệu của tội phạm. Vì vậy, UBND huyện Phong Điền đã gửi văn bản đến các đơn vị: Công an TP.HCM, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị điều tra, xử lý việc Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu và người đại diện theo pháp luật của công ty này là ông Hoàng Minh Toàn vì đã vi phạm nghiêm trọng quy định về đấu giá tài sản.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Tin, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển

Mỗi đợt tàu du lịch biển cập Cảng Chân Mây, lại xảy ra tình trạng bát nháo khai thác khách du lịch bên ngoài cảng theo kiểu tự phát, không qua đơn vị lữ hành được cấp phép. Đáng nói là dù Sở Du lịch và các ban, ngành, đơn vị nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nhưng cách thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển

TIN MỚI

Return to top