ClockThứ Ba, 14/12/2021 15:48

Để ngư dân không vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài

TTH - Với sự vào cuộc mạnh mẽ và phối hợp hiệu quả giữa lực lượng Bộ đội Biên phòng, ngành thủy sản và chính quyền địa phương ven biển, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế không để xảy ra tình trạng ngư dân vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, góp phần vào nỗ lực chung sớm tháo gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu.

Góp sức gỡ “thẻ vàng”

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An tuyên truyền pháp luật cho bà con ngư dân

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng số tàu cá đã đăng kiểm là 604 chiếc. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15 đến 24m trở lên là 410 chiếc. Các đồn biên phòng tuyến biển đã thường xuyên phối hợp với các Chi cục Thủy sản tỉnh vận động được 396/410 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Số phương tiện còn lại gồm 14 tàu cá vẫn chưa lắp đặt được vì thiếu kinh phí và do tạm dừng hoạt động trong thời gian ngắn (nằm bờ). Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển tiếp tục phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh vận động các chủ tàu cá này lắp đặt khi hoạt động trở lại.

Chiếc tàu cá mang số hiệu TTH 90019 với công suất 830 CV của anh Trần Ngọc Quang phải nằm bờ ở cảng cá Vinh Hiền, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, do ảnh hưởng của mưa bão và dịch COVID-19. Đầu tháng 11 này, anh Quang cùng với bạn thuyền lại hối hả chuẩn bị ngư cụ, lương thực, thực phẩm cho chuyến vươn khơi dài ngày. Một trong những công việc không thể thiếu được của người thuyền trưởng này chính là kiểm tra lại các thiết bị máy móc liên lạc trên tàu, đặc biệt là thiết bị giám sát hành trình.

“Các thiết bị liên lạc gắn trên tàu thường dễ bị hư hỏng, trục trặc do hơi ẩm từ nước biển, vì vậy phải kiểm tra thật kỹ đảm bảo điều kiện liên lạc thông suốt, khi đó Trạm kiểm soát Biên phòng Tư Hiền mới cấp phép ra khơi. Trong suốt quá trình hoạt động khai thác ở ngoài biển, tàu của chúng tôi luôn bật máy giám sát hành trình để cơ quan chức năng giám sát và nếu có đi gần qua vùng biển các nước, thiết bị này sẽ báo động để thuyền trưởng biết và điều chỉnh”, anh Trần Ngọc Quang chia sẻ.

Nâng cao nhận thức của mỗi ngư dân trong việc tự giác chấp hành nghiêm các quy định, các đơn vị biên phòng tuyến biển đã tổ chức in ấn và cấp phát hơn 3.000 tờ rơi với nội dung tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017, Luật Biển 1982... phối hợp với các lực lượng tổ chức được 11.894 buổi tuyên truyền tập trung/81.799 lượt người tham gia, 1.944 buổi tuyên truyền lưu động/16.427 lượt người tham gia tại các phương tiện của ngư dân.

Bên cạnh đó, các đơn vị tuyến biển phát huy vai trò của các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển để vừa hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình khai thác trên biển, vừa giám sát lẫn nhau trong việc chấp hành các quy định. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn chưa có trường hợp tàu cá nào vi phạm đánh bắt qua vùng biển của nước bạn.

Cùng với việc trang bị đầy đủ các thiết bị trên tàu cá, nhận thức của các chủ tàu và bà con ngư dân về những quy định của Luật Biển Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế khi khai thác hải sản ở trên biển cũng được nâng cao.

Trung tá Hồ Xuân Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vinh Hiền cho biết, thực hiện đợt cao điểm chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh từ ngày 15/10 - 15/11/2021, đơn vị đã chủ động triển khai lực lượng, tăng cường phương tiện để kiểm tra, kiểm soát tàu, thuyền ra, vào hoạt động trên biển ở cửa biển Tư Hiền. Cán bộ làm việc tại Trạm kiểm soát của Đồn kiên quyết không cho tàu, thuyền ra khơi khi không có đầy đủ các thủ tục, giấy tờ và trang bị theo quy định, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Bài, ảnh: Ngọc Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) nhằm phục vụ sản xuất cho ngư dân trên địa bàn và các vùng lân cận là vô cùng bức thiết, khi âu thuyền này đã xuống cấp nhiều năm.

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

TIN MỚI

Return to top