ClockThứ Năm, 08/08/2013 07:59

Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt hiệu quả cao

TTH - Hơn hai năm qua, việc triển khai Chỉ thị số 03-CTTW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Bộ Chính trị đã đạt được những kết quả bước đầu thiết thực, đang đi dần vào nền nếp, tạo đà cho việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và địa phương trong cả nước. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên được nâng cao hơn. Nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh xuất hiện và được tôn vinh.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn nhận về những hạn chế, khuyết điểm trong quả trình thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Việc triển khai Chỉ thị ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên, thiếu sự sáng tạo, lúng túng trong việc đưa học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, chức trách của từng cán bộ, đảng viên. Vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ở một số cấp, ngành, địa phương chưa tốt. Việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, xây dựng chương trình giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh trong hệ thống các nhà trường còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, cả trong nhận thức và tổ chức thực hiện.

Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp, cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân đối với việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên còn không ít hạn chế.

Những khuyết điểm, yếu kém nói trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan; trong đó, nguyên nhân chủ quan là: Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo thực hiện Chỉ thị; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống ở một số cấp, ngành, đơn vị, địa phương chưa được coi trọng. Không ít cấp ủy, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị, nên chưa tự giác, tích cực thực hiện. Những cách làm hay, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến chưa được biểu dương, khen thưởng kịp thời và đúng mức. Nhiều tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo không tạo được niềm tin trong nhân dân... Tình hình quan liêu, tham nhũng, lãng phí... còn diễn ra ở nhiều cơ quan đơn vị.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, trong thời gian tới, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn.       

Cần tiếp tục tuyên truyền về nội dung Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Bí thư, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu về nội dung Chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Bí thư, coi việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn của Đảng, là công việc thường xuyên hằng ngày, là trách nhiệm thiết thân của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân. Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức - như Bác đã dạy - phải được thực hiện suốt đời.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03/CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả”. Vì vậy, việc triển khai Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm.    

Nghiêm túc thực hiện Quy định số 101-QĐ-TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Việc nêu gương về đạo đức không chỉ là vận động, mà phải trở thành những quy định ràng buộc trách nhiệm để cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện.

Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức phải theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với đặc điểm từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương cần chỉ đạo mọi cán bộ, đảng viên, mọi người dân tự giác đề ra chỉ tiêu, kế hoạch phấn đấu thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ, chức trách của mỗi người.

Xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa công sở trong các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương để rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao trách nhiệm cá nhân đối với công việc được giao, có tác phong làm việc khoa học, sát thực tế, gần dân, có tinh thần học tập nâng cao trình độ mọi mặt, cập nhật kiến thức góp phần hoàn thành nhiệm vụ.

Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát từ trên xuống và từ dưới lên nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chỉ thị, kịp thời phát hiện uốn nắn những yếu kém, khuyết điểm, cổ vũ, động viên, biểu dương những tập thể, cá nhân tiên tiến, có cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng. Đưa việc thực hiện Quy định về công tác kiểm tra đối với việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên vào nền nếp và đạt hiệu quả cao nhất, coi đây là giải pháp mang tính đột phá.

Thực hiện thường xuyên cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân đối với việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Phát huy những kết quả đã đạt được, mọi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Chiến Hữu - Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top