ClockThứ Năm, 13/10/2016 10:35

Đề xuất Bộ Công an quản lý hoạt động kinh doanh đòi nợ

Vi phạm chủ yếu của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là về an ninh trật tự xã hội. Điều này theo đại diện Bộ Tài chính do vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước còn mờ nhạt, chỉ khi xảy ra các vụ việc thì lực lượng công an mới tham gia xử lý để ổn định an ninh, trật tự xã hội.

Đây là một trong những nội dung vừa được Bộ Tài chính nêu lên và đề xuất sửa đổi trong Dự thảo nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Thêm Bộ Công an quản dịch vụ đòi nợ

Theo dự thảo, hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là xảy ra các vi phạm về an ninh, trật tự.

Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Một số ví dụ được đại diện Bộ Tài chính nhắc tới như: vụ công ty Tai Ga (trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh) đòi nợ có hành vi “khủng bố,” nhân viên chi nhánh công ty Công Lý (Thành phố Hồ Chí Minh) có hành vi câu kết với các đối tượng xã hội đen để bắt cóc, tống tiền để đòi nợ,…

Cho rằng vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước còn mờ nhạt, lãnh đạo ngành tài chính cũng thừa nhận, trách nhiệm Bộ Công an chưa được quy định. Không những thế, lực lượng công an lại không có thẩm quyền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

“Do đó, đòi hỏi phải có quy định rõ ràng hơn để kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ,” dự thảo vừa được Bộ Tài chính đưa ra ngày 12/10 nêu lên.

Qua đó, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Bộ Tài chính có trách nhiệm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Các địa phương sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Riêng với các địa phương, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo Bộ Tài chính về tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo định kỳ hàng năm và đột xuất.

Lý do theo lãnh đạo ngành tài chính bởi ngoài các yếu tố về an ninh, trật tự, kinh doanh dịch vụ đòi nợ không phải là ngành nghề có tác động lớn đến các ngành, nghề khác trong nền kinh tế nên không cần thiết quy định báo cáo riêng.

Ngoài ra, thực tế, trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng không thực hiện báo cáo Bộ Tài chính theo đúng quy định.

“Xã hội đen, đầu gấu" đi thu nợ

Cũng về điều kiện an ninh trật tự, dự thảo cũng bổ sung quy định về trang phục với nhân viên đòi nợ. Cụ thể, trách nhiệm, quyền hạn của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ bao gồm cấp trang phục cho người lao động.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tự thiết kế mẫu trang phục và thông báo với cơ quan công an có thẩm quyền, chính quyền địa phương về việc sử dụng trang phục này.

Theo đó, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện các hoạt động đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và có giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Lý giải cho đề xuất này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tổ chức thành đoàn, tụ tập đông người với trang phục kiểu “xã hội đen, đầu gấu" để đi thu nợ. Điều này không chỉ gây rối tại nơi ở, nơi sản xuất của cá nhân, tổ chức khách nợ mà còn gây tâm lý hoang mang, cản trở kinh doanh, ảnh hưởng đến danh dự, quyền tự do của cá nhân, của tổ chức là khách nợ.

Nhận định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh khá nhạy cảm, lãnh đạo ngành tài chính nêu quan điểm: “Việc quy định về trang phục cho người lao động trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là rất cần thiết để tăng cường sự giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động này thông qua việc nhận diện nhân viên đòi nợ.”

Ngoài ra, việc này theo đánh giá còn giúp nâng cao nhận thức của xã hội về ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng là ngành nghề hợp pháp, tạo yên tâm cho tổ chức, cá nhân khách nợ khi tiếp xúc, làm việc với những nhân viên đòi nợ có mang trang phục.

“Việc quy định về trang phục còn tạo ra ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hạn chế các vi phạm khi thực hiện đòi nợ, thể hiện sự chuyên nghiệp của người lao động trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ,” dự thảo nêu quan điểm của Bộ Tài chính.

Theo báo cáo của 43 tỉnh, thành phố, đến hết năm 2015, cả nước hiện có 3 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn hoạt động. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh hiện còn 16 cơ sở đang hoạt động, thành phố Đà Nẵng có 4 doanh nghiệp và An Giang có 1 doanh nghiệp.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp
Thắt lưng Lacoste: Món phụ kiện tạo điểm nhấn cho trang phục

Khởi sinh từ nhiều thập kỷ với công năng giúp cố định vị trí quần, định hình phom dáng. Sau đó, thắt lưng dần được ưu ái với những chất liệu đa dạng, thiết kế độc đáo, trở thành món phụ kiện thời trang “top đầu” trong lòng nam giới. Và thắt lưng Lacoste cũng không ngoại lệ, trở thành mặt hàng được săn đón không kém cạnh gì “người anh em” áo polo. Vậy hãy cùng xem nhờ đâu mà chúng lại được lòng phái mạnh như thế nhé.

Thắt lưng Lacoste Món phụ kiện tạo điểm nhấn cho trang phục
Trang phục lịch sự khi đến nơi tôn nghiêm

Trong dòng người du xuân những ngày tháng Giêng nơi công viên, chùa chiền, Đại Nội Huế… rất dễ bắt gặp nhiều người mặc áo dài truyền thống đủ sắc màu rất trang trọng, lịch sự, vui tươi. Bên cạnh đó, có không ít người mặc đồ thoải mái, như: quần cụt, váy ngắn…

Trang phục lịch sự khi đến nơi tôn nghiêm
Tập trung cao độ trong tháng cuối giải ngân vốn đầu tư công

Chỉ còn đúng 1 tháng nữa là kết thúc thời điểm giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023 theo quy định, vì thế áp lực đang rất lớn bởi hiện vẫn còn nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước.

Tập trung cao độ trong tháng cuối giải ngân vốn đầu tư công

TIN MỚI

Return to top