ClockThứ Sáu, 23/07/2021 18:57

Đề xuất di dời các cơ sở, nhà dân bên Tỉnh lộ 14B

TTH - UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ GTVT đề nghị bố trí kinh phí di dời, tái định cư (TĐC) công trình trường học và hàng chục hộ dân sống dọc Tỉnh lộ 14B (huyện Nam Đông) nhằm đảm bảo an toàn về lâu dài.

Khắc phục sạt lở Tỉnh lộ 14BTái định cư cho người dân bị ảnh hưởng khi khi thi công cao tốc La Sơn – Túy Loan

Có tổng 21 hộ dân nằm kẹp giữa 2 tuyến đường cao tốc và tỉnh lộ 14B, nguy cơ sạt trượt mất an toàn

Thấp thỏm giữa 2 tuyến đường

Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan thuộc Dự án (DA) đầu tư xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông qua địa bàn huyện Nam Đông đã cơ bản hoàn thiện và chuẩn bị đưa vào khai thác. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều công trình trường học, nhà dân bị nằm “kẹp” giữa tuyến cao tốc này với Tỉnh lộ 14B, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ.

Sau khi triển khai đồng thời 2 DA đường cao  tốc La Sơn - Túy Loan và La Sơn - Nam Đông (Tỉnh lộ 14B), bộ mặt của huyện Nam Đông đoạn qua thị trấn Khe Tre được chỉnh trang. Nhiều hộ dân trở thành mặt tiền trên tuyến đường được đầu tư rộng rãi. Tuy nhiên, từ đây cũng có 21 hộ dân thuộc thị trấn Khe Tre và xã Hương Phú nằm “kẹp” giữa 2 tuyến đường, có nguy cơ sạt trượt vào mùa mưa và mất an toàn khi tuyến cao tốc đi vào khai thác do taluy đường nằm sát nhà dân và cao hơn nóc nhà nhiều mét.

Bà Nguyễn Thị Duyên (TDC 1, thị trấn Khe Tre) cho biết, gia đình về khu vực này sống từ năm 2000. Khi  tuyến đường La Sơn - Nam Đông xây dựng, gia đình rất phấn khởi vì được buôn bán, sinh sống ở mặt tiền tuyến đường đẹp. Nhưng taluy tuyến cao tốc thì chạy ngay sau lưng nhà, mỗi lần có xe chạy đá văng vào nhà. Vào mùa mưa bão, nước từ tuyến đường đổ xuống như thác. Hàng năm, chính quyền địa phương đều yêu cầu di dời khẩn cấp để tránh nguy cơ sạt lở núi. Mặt khác, khi cao tốc đi vào khai thác, đoạn nhà dân có đường cua khá lớn, nguy cơ mất an toàn rất cao cho các hộ dân ở bên dưới.

“Sau nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương, gia đình có nguyện vọng muốn TĐC, di dời đến nơi an toàn hơn. Đồng thời, mong muốn được bố trí nơi có thể buôn bán để gia đình theo nghề cũ, đảm bảo cuộc sống”, bà Duyên nói.

Ngoài 21 hộ dân trên, dọc tuyến Tỉnh lộ 14B còn có Trường THCS thị trấn Khe Tre cũng nằm trong diện đề xuất di dời do tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt mái taluy dương, đe dọa đến an toàn cho việc dạy, học của hàng trăm học sinh, giáo viên ở đây, nếu không có phương án di dời ngay từ bây giờ!

Đề xuất bố trí kinh phí di dời

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, qua nhiều lần họp, tiếp xúc cử tri, nguyện vọng người dân, chủ cơ sở công trình dọc tuyến Tỉnh lộ 14B đa phần đều muốn di dời, TĐC để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí địa phương có hạn và việc bố trí kinh phí thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Do vậy, địa phương đã kiến nghị tỉnh, các sở ngành thực hiện việc di dời 21 hộ dân dọc tuyến và Trường THCS thị trấn Khe Tre.

“Trước mắt, trong mùa mưa bão, quán triệt thị trấn Khe Tre, xã Hương Phú luôn ưu tiên, chú trọng việc di dời các hộ dân này đến nơi an toàn. Về lâu dài, địa phương đã có sẵn quỹ đất để bố trí TĐC và di dời trường học đủ tiêu chuẩn quy định. Chờ kinh phí của Bộ GTVT mà thôi”, ông Lê Thanh Hồ khẳng định.

Mới đây, UBND tỉnh đã có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình triển khai và kiến nghị giải quyết một số đề xuất thuộc DA xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh.

Theo đó, đề nghị xem xét giải quyết thống nhất chủ trương bố trí kính phí để xây dựng khu TĐC và di dời 21 hộ (13 hộ chính và 8 hộ phụ) bị ảnh hưởng bởi DA này, với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ đồng, bằng nguồn kinh phí của DA đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan. Các hộ này nằm kẹp giữa 2 tuyến đường với mặt bằng nhà thấp hơn đường cao tốc La Sơn - Túy Loan từ 4-10m, mái taluy dương của đường cao tốc rất cao và chưa ổn định. Nếu có sụt trượt xảy ra tại khu vực này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ này. Ngoài ra, tuyến cao tốc qua khu vực này có độ cong lớn, khi các phương tiện lưu thông trên tuyến tiềm ẩn nguy hiểm rất cao cho các hộ dân sinh sống bên dưới.

Đồng thời, ủng hộ đề xuất và có kiến nghị Bộ GTVT thống nhất chủ trương cho di dời Trường THCS thị trấn Khe Tre với kinh phí dự kiến khoảng 25 tỷ đồng, nhằm đảm bảo an toàn bền vững lâu dài cho cán bộ, giáo viên học sinh và hoạt động của trường. Hiện, trường nằm cạnh đường cao tốc, mặt bằng trường thấp và nằm dưới chân taluy dương có mái dốc cao và chưa ổn định, tiềm ẩn nguy cơ sụt trượt, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ. Mặt khác, dự báo khi đi vào khai thác sẽ gây tiếng ồn, phát sinh bụi bẩn, ảnh hưởng đến việc học tập, hoạt động của trường và sức khỏe của các cháu học sinh.

Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp, làm việc với Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh và các cơ quan để thống nhất, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan, hoàn chỉnh DA trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, triển khai theo đúng quy định.

UBND tỉnh cũng kiến nghị thống nhất chủ trương cho thu hồi, bồi thường theo quy định đối với diện tích đất nông nghiệp nằm phân tán dọc tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan, đoạn qua huyện Nam Đông. Theo thống kê, có tổng diện tích khoảng 36 ha của nhiều hộ gia đình dọc tuyến không thể mở đường gom, hoặc nếu mở đường gom sẽ không hiệu quả do kinh phí lớn.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng để gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với tôn chỉ hướng tới là thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Trong những lĩnh vực đó, Thừa Thiên Huế chọn ưu thế về tiêu chí Ẩm thực để tiến hành điều nghiên, lập hồ sơ trình xét trong năm 2024.

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

TIN MỚI

Return to top