ClockThứ Hai, 12/08/2013 14:17

Đệm bàng Phò Trạch vẫn gặp khó

TTH - Làng Phò Trạch thuộc xã Phong Bình (huyện Phong Điền) từ lâu nổi tiếng với nghề đan đệm từ cây bàng. Bỏ lại sau những ánh hào quang xưa, đệm bàng Phò Trạch giờ đây đang gặp khó.

Một thời vàng son

Bên ly trà nóng, cụ ông Nguyễn Đình Lam (87 tuổi), thôn Triều Quý, làng Phò Trạch nói: Từ lúc còn nhỏ, tui đã được cha mẹ dạy cho đan đệm. 10 tuổi tui có thể đan thuần thục được chiếu đệm. Không riêng tui, ở thời điểm ấy trong làng, từ trẻ em lên 10 tuổi đến những người già ai cũng biết đan chiếu đệm. Cứ thế lớp già dạy cho lớp trẻ nên nghề đan đệm mới được giữ cho đến bây giờ”.

Cụ Chút khéo léo trong từng bước đan

Phò Trạch là một trong những làng quê có tuổi đời lâu nhất ở Thừa Thiên Huế. Nghề đan đệm có lẽ xuất hiện từ lúc làng mới thành lập. Trong ký ức của cụ bà Nguyễn Thị Chút (83 tuổi), đây là công việc chính giúp gia đình cụ kiếm sống cách đây non nửa thế kỷ. Bà kể: “Lúc trước, nhà tui ít ruộng vườn, đây là nghề chính để nuôi mấy miệng ăn trong gia đình. Hồi đó, nghề đan đệm nhộn nhịp lắm, nhà mô cũng đan, cả nhà ai cũng biết đan, đan xong đem ra chợ bán một lúc là hết. Thời đại chừ văn minh nên người dân ít dùng đến, chứ hồi đó, đệm được dùng rất phổ biến như dùng để trải nằm, lót nôi cho trẻ con, buồm đi biển, bao đựng gạo, đựng muối… thậm chí dùng để đắp vào mùa đông. Không chỉ người dân trong vùng mà người dân ở các vùng lân cận đến mua rất nhiều, có khi đan không kịp để bán. Bởi rứa mà làng tui được gọi là Phò Trạch Đệm”

Gặp khó...

Dạo quanh một vòng ở làng Phò Trạch Đệm chúng tôi nhận thấy rất nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ nghề truyền thống này, thậm chí nhiều đứa trẻ lên 10 cũng có thể đan được đệm. Thế nhưng, vẻ nhộn nhịp của làng nghề xưa kia đã không còn, thay vào đó là cảnh yên ắng, đìu hiu của một ngôi làng thuần nông. Chợ Phò Trạch cũng không còn cảnh nhộn nhịp cảnh người mua kẻ bán loại mặt hàng chiếu đệm.

Dẫn chúng tôi đến cối giã bàng ở thôn Triều Quý, cụ Lam ngậm ngùi: “Đây là nơi mà hồi trước bà con tập trung đông đúc lắm, mọi người thay phiên nhau đập bàng thành sợi. Chừ thì lâu lâu mới có người ra đập. Không biết những thế hệ sau có giữ được cái nghề mà tổ tiên để lại hay không!?”. Quả thực, khi nhìn vào cái cối đạp để giã bàng, chúng tôi không khỏi thắc mắc: “Tại sao thời buổi công nghệ hiện nay mà người dân nơi đây lại giã bàng một cách thủ công, tốn sức đến vậy?” Cụ Lam liền nói: “Trước đây, xã có cho thử nghiệm cái máy đập bàng của các em sinh viên ở trên thành phố. Tuy công suất làm việc nhanh hơn đập thủ công nhưng chất lượng sợi bàng đập ra lại kém, đoạn mỏng, đoạn dày khiến cho bà con rất khó đan, sản phẩm làm ra không được đẹp nên bà con đành quay lại cách đập bàng thủ công như trước.”

Đó không phải là cái khó duy nhất và lớn nhất của những người đan đệm nơi đây. Chị Phạm Thị Hiền (43 tuổi), thôn Triều Quý, người đã theo nghề đan đệm từ lúc nhỏ đến bây giờ cho rằng, muốn đan được những sản phẩm bền đẹp, trước tiên sợi bàng phải chắc, đẹp. Những năm gần đây, một phần do việc khai thác cây bàng sợi thiếu khoa học của người dân, cộng với khí hậu khắc nghiệt khiến cho diện tích bàng sợi ngày càng bị thu hẹp, trong khi người dân không có những biện pháp khắc phục và trồng bàng để khai thác một cách bền vững. Chị Hiền nói: “Cây bàng sợi mọc ở những vùng ruộng chua phèn, không thể trồng lúa. Trước đây, cây bàng mọc nhiều nên người dân thường hay đi bứt về để đan đệm. Mấy năm trở lại đây, vì lợi ích kinh tế, những vùng trũng chua phèn được bà con cải tạo để trồng lúa nên diện tích cây bàng sợi bị thu hẹp. Có nhà trồng bàng xen với lúa để có nguyên liệu đan đệm. Nhà mô không trồng thì phải đi mua bàng từ các nơi khác nên lời lãi chẳng là bao. Chừ đi mua 1 nối bàng (1 bó bàng to) cũng đã 300 ngàn, đan 1 tháng thành sản phẩm bán ra chỉ được 700 ngàn”.

Trong khi cuộc sống ngày một hiện đại, những công nghệ mới đã cho ra đời nhiều loại máy móc có ích thay thế cho sức vóc, bàn tay của con người nên cho ra nhiều sản phẩm bền, đẹp hơn thay thế các loại chiếu đệm Phò Trạch. Thế nhưng, đệm ở đây vẫn được đan theo lối thủ công, mẫu mã không cải tiến so với trước. Đẹp và chất lượng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của người đan. Giá rẻ mà đầu ra lại bấp bênh, khó cạnh tranh với các loại chiếu ở các nơi khác khiến người dân không mặn mà với nghề đan đệm, chỉ xem đây là công việc lúc rảnh rỗi. Chị Hiền chia sẻ: “Có hai mặt hàng mà bà con ở đây thường xuyên đan là đệm để trải nằm và chẹ để lót nôi cho trẻ con. Loại đệm dài cỡ 1,8m thì bán được 50 ngàn còn chẹ lót nôi mỗi cái chỉ được 5 ngàn. Người dân đan xong đem ra chợ bán hoặc ngày mô may mắn thì gặp người mua để đem lên Huế bán. Trung bình một tháng đan đệm chỉ kiếm được từ 300 đến 500 ngàn. Hồi trước đàn ông còn đan đệm chứ thời buổi ni chỉ có đàn bà với người già đan thôi...”.

Bài, ảnh: Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những kỳ vọng từ ngành công nghiệp

Từ năm 2024, công nghiệp Thừa Thiên Huế kỳ vọng tạo được nhiều điểm nhấn, nhất là tỉnh khi ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao.

Những kỳ vọng từ ngành công nghiệp
Đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định dịp tết

Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng điện khá lớn nên Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) chỉ đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc thực hiện đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn phục vụ các hoạt động chính trị, xã hội, sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của nhân dân trên địa bàn.

Đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định dịp tết
Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp An Hòa

Là cụm công nghiệp (CCN) duy nhất đóng trên địa bàn TP. Huế, CCN An Hòa không ngừng đầu tư hoàn thiện hạ tầng nhằm thu hút các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, đồng thời tạo mặt bằng để di dời các cơ sở sản xuất trong nội thị vào xây dựng nhà xưởng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp An Hòa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top