ClockThứ Bảy, 17/02/2018 05:26

Đêm xuân nở sáng

TTH - Xóm Cầu bắt đầu một đêm ngủ vùi. Sa hướng đến ngôi nhà nhỏ xíu của cố Đơn, trùi trũi giữa khu vườn hoang lởm chởm gốc cây mục. Sa thương cố Đơn. Cố cũng như ngoại. Hai dòng đời như chung một số phận. Ngoại đã từng ngồi trước cửa nhìn ra khoảng không vô định. Ngoại cứ ngồi như thế đợi chồng ngoài chiến trận. Ngoại cũng ngồi như thế đợi người con khoác ba lô ra đi biền biệt.

Con đường xóm khiến Sa nhớ ngôi nhà cũ của ông chủ tịch. Sa chẳng thích ông nhưng chỉ chuyện ông xây ngôi nhà nhỏ tíu cho cố Đơn cũng đáng trọng rồi. Không có căn nhà, mùa mưa tới chẳng biết cố ở đâu. Sa bước vào, cố biết nhưng vẫn ngồi trân không hỏi. Sa vào sửa soạn củi lửa, lên tiếng: “Cháu nấu ăn!”

Cố Đơn không quay lại.

- Để đấy. Cháu lại đây bà bảo.

Thấy hơi lạ, Sa tới gần ngồi xuống bên.

Cố Đơn vẫn không nói, những nếp nhăn xô lại răn reo khô khốc trên mặt.

Sa lo lo.

- Bà bảo gì cháu ạ?

Cố Đơn bất động. Và Sa chợt hiểu những nếp nhăn trên mặt cố định nói điều gì…

Sa bỗng nhớ An. Ngày trước ông chủ tịch dắt An tới gửi cho cha Sa kèm học. An học chậm, với lại cũng chưa có dịp thi thố. Rồi An qua trời Tây. Rồi chuỗi tháng năm im lặng. Thằng Nhỏ, đứa em của An được xem như con út trong gia đình Sa. Hôm Sa trở về, nó chạy ra ôm chặt nằng nặc anh An về chưa chị??, cứ như Sa mang anh của nó giấu đi vậy. Sa lặng, ngước nhìn trời xuân lồng lộng.

*

Sa bước khỏi ngõ rồi, ông Sanh ngồi yên chỗ cũ, hé nắp ca tẻ ra ít nước. Ông chưa uống mà nhét thuốc vào nõ trước. Nước ngon, gợn ở cổ. Ông châm đóm giật một hơi. Hôm qua ông mua hai lượng thuốc ngoài chợ Cầu, sợi vàng xuộm, hút không nặng, nén được nhiều khói. Ông từng nghe đến loại thuốc Tiên Lãng nên giờ thấy liền mua, quả ngon.

Có tiếng chó con ăng ẳng từ ngoài cổng. Ông Sanh nhổm người, thấy thằng Nhỏ bồng chó bước vào.

- Con chào bác Sanh.

- Gì thế? Nhỏ, mày ôm chó đi đâu?

- Dạ...

Thằng Nhỏ chợt quay mặt ra sân.

- Ai thế? - ông Sanh hỏi.

Thằng Nhỏ nhận ra tiếng lách cách lạch cạch phát từ cái chân giả của lão Tít. Mặt nó lằm lằm.

- Lão Tít à, sao tối nay lão biết nhà tôi có nước ngon mà ghé thế. Lão vào đi. Chấp con nít là dại. Nó đang bồng chó kìa, đừng trêu mà chó liếm mặt lão à.

- Ba đời. Dượng sai toét mỏ heo. Con nít đứa nào chả ưa gần lão. Còn giống chó ấy à, thấy lão là cụp đuôi chạy ráo.

Lão Tít gác nạng gỗ ở bậu cửa, chỉ dùng một cái chống thân vào nhà, rồi cũng gác một bên lúc ngồi xuống ghế.

- Lão biết nhà dượng thường có nước ngon. Con Sa ở phố về lớn khiếp. Đẹp quá đi mất. Giá cái thằng An… À, hôm nay lão ghé là có chút việc…

“Ăng... ă… n g”.

- Đồ chó! Đúng là... - Lão Tít chọc tròng mắt xuống con chó mò ăn cả trên mặt. - Lão ghét nhất giống chó mà dám ngắt lời mình nói. Nhỏ, mi đưa nó tới đây làm gì hả!

Thằng Nhỏ, chắc nó còn tính có nên trả lời lão Tít hay không. Ở xóm Cầu con nít đều chạy theo lão Tít mỗi lần lão ở chợ về, xem như bạn vong niên, chúng gọi “cu Tít”. Ông Sanh nhìn kỹ con chó, giờ mới phần nào hiểu được việc thằng Nhỏ bồng nó tới.

- Cha con bảo tới xin bác Sanh tí nước điếu đổ lên người nó cho hết mò đi.

Ông Sanh biết đây là thằng Nhỏ nghe lỏm ai bày cho chứ không cha mẹ nào sai nó xin nước điếu cả. Ông dốc ngược cái điếu cho nước chảy dọc xương sống chó. Nó rát, kêu ăng ẳng chực thoát khỏi tay thằng Nhỏ. Xong, ông Sanh đứng dậy chêm vào điếu một ít nước chè trao cho lão Tít.

Đời lão Tít gác trên đôi chân giả, bước chấm bước phẩy chông chênh lưu lạc. Quân lang bạt tứ xứ đều tỏ ra sợ lão, dù lão cụt chân. Mà lúc nào cũng thấy lão vui, tếu táo đôi ba chuyện, lão chơi với già trẻ tấm mén gì cũng xong. Buổi sáng trước lúc tới chợ, thường lão tự nấu nước chè, còn buổi trưa và tối cứ ăn xong, lão lòng vòng quanh xóm. Thấy cố Đơn ngồi trước cửa, lão sẽ ghé. Đó là những năm trước. Nay cố Đơn mù lòa, lâu lâu mới nấu được nồi nước, lão Tít thưa vào hơn; vào cũng chẳng biết nói chuyện gì, chỉ dăm ba câu lại chống nạng đi.

*

Qua ngõ nhà lão Tít một đoạn là tới nhà ông chủ tịch. Sa nhớ An thắt ruột. Tâm trí rồi bời. Sa lại nghĩ tới cố Đơn, chẳng biết cố tính sao với bữa ăn?

Đêm xuân nồng nã. Sa lọ mọ trong đêm tối. Chẳng biết ai xui khiến, lúc dừng chân Sa đã đứng trước ngôi nhà xưa của ông chủ tịch. Căn nhà rộng rinh rang hoang hóa từ lâu. Ngày An còn ở nhà, ông đã xây một ngôi khác nhỏ hơn, đổ mái bằng gần cửa hàng hợp tác. Sa nhớ gần giếng có một cây đào năm nào cũng nở hoa đúng hẹn.

Bóng đêm phủ lên cây đào to lớn. An thường trèo lên hái đào phân phát cho lũ trẻ còn rõ mồn một. An đang chà trái đào to vào vạt áo cho hết lông đưa Sa ăn. Sa cắn một miếng, vị ngọt ngào lẫn chan chát tràn lên môi... Ngày cuối năm, An chọn một nhành đào mang tới biếu ông giáo dạy mình. Rồi người quanh xóm tới xin. Cây còn gốc trơ trọi. Nó lại đâm chồi, những chồi non tươi mởn, xanh biêng biếc.

…Sa kéo cánh cửa gỗ, nghe ọt ẹt, bước vào. Đứng lặng một chốc. Loáng thoáng trong đầu Sa là căn nhà bằng gạch của cố Đơn và An đang ở đó… Cố chưa ngủ. Cố Đơn ngồi dúm dó giữa nhà nhìn khoảng tối như một bức tượng, trên đầu là cái bóng điện sáu mươi oát xóm bắt cho miễn phí. Mùa lạnh cố có thể thắp suốt đêm cho ấm. Chú thợ điện tự mua dây và công tắc bằng dây kéo bắt áp vào bờ tường ở đầu giường nằm. Nằm nhìn lên, cố chỉ thấy một chấm đỏ mờ. Nhiều lần cố cứ tắt mở, tắt mở thử kiểm định sự mù lòa của mình.

Sa thấy rõ nét, An lấy một cái đòn lật bụng ở góc bếp đẩy vào tay cố Đơn đang sờ soạng trên nền nhà, bảo cố ngồi thay chiếc dép.

Sa không tin vào mắt mình: có thêm người con gái ngồi ở góc bếp. Ai? Người con gái bên An, là ai??

Sa giấu mình trong bóng tối. Tiếng người con gái vọng ra:

- Bà ơi, bà phải đến dự đám cưới bọn cháu đấy nhé.

- Điên! Bà mù lòa đến đó làm gì, để cho mất vui đi à. Bà ngồi ở đây nghe loa hát trên đồng lúa vàng được rồi. Thằng An mà lấy con nào ở xóm khác bà không biết mặt mới buồn, chứ mày lấy con Sa…

Sa như choàng tỉnh giữa đêm xuân. Lớp ảo ảnh tan trong sương. Cái nạng gỗ kêu lách cách của lão Tít khiến lũ chó rộ lên. Lão đang hướng về ngôi nhà nhỏ tíu của cố Đơn. Ngày cuối năm, cũng sắp cạn rồi.

Nhụy Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa xuân nhẹ nhàng

2 giờ sáng mồng 8 Tết Giáp Thìn, tuy Huế ban ngày có hửng nắng nhưng đêm và sáng sớm trời vẫn rét căm căm. Ấy cũng là lúc vừa kết thúc một ngày làm việc của tôi như thông lệ kể cả trong những ngày Tết. Ngỡ chỉ có mình tôi trở về giữa đêm xuân trên cung đường vắng lặng, nhưng không, có một bãi rác ngay góc ngã tư Lê Quý Đôn – Bà Triệu còn có một đôi vợ chồng đang cần mẫn với công việc nhặt rác.

Mùa xuân nhẹ nhàng
Hào hứng hội vật làng Thủ Lễ

Sáng 15/2 (mùng 6 tháng Giêng), hội vật làng Thủ Lễ ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền tưng bừng khai hội vật đầu Xuân Giáp Thìn 2024, thu hút đông đảo người dân, du khách về dự, cổ vũ.

Hào hứng hội vật làng Thủ Lễ
Xuân của niềm tin và khát vọng

Mùa Xuân với những tấm áo phủ đầy lộc biếc mang đến những hy vọng vào tương lai tươi sáng và nguồn sức sống căng tràn. Mùa Xuân đã đến với mọi người, mọi nhà! Sắc Xuân lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc.

Xuân của niềm tin và khát vọng
Xuân trong vườn Huế

Người ta hay nói Huế như một khu vườn xanh lá trữ tình. Khi mùa xuân đến, cả không gian vườn Huế thơm dịu dàng hương hoa thoảng bay. Bấy giờ, hoa không chỉ là hoa, hoa còn là ánh bình minh xán lạn đầu ngày, hoa ẩn trong cánh én tin xuân, hoa cưỡi trên cánh bướm khoe hương, khoe sắc, hoa cất lời hòa tiếng chim trong trẻo trên cành… Những cung bậc hoa xuân ấy, nếu tinh tế lắng nghe, sẽ nhận ra có những vang động khác nhau từ các kiểu thức vườn…

Xuân trong vườn Huế
Return to top