ClockThứ Sáu, 24/02/2017 13:46

Đèn dầu

TTH - Câu chuyện, hay đúng hơn là ký ức của một người Huế xa quê về chiếc đèn dầu một thời quá vãng.

Ở Huế, chiếc đèn dầu là một đồ dùng phổ biến của nhiều gia đình xưa và nay. Cũng như một số vật dụng khác, chiếc đèn dầu đã chứng kiến và song hành trong nhiều sinh hoạt của người Huế.

Đèn dầu hiện diện trong những mâm cúng của người Huế, là ngọn đèn dẫn lối người đã mất đi về cõi vĩnh hằng… Ở đó, nó không đơn thuần chỉ là một đồ vật mà đã trở thành một ngọn đèn soi sáng giúp cho những vong linh “nhìn thấy mà thụ hưởng”, giúp những người thân đã khuất tìm thấy được ánh sáng mà trở về cũng như sang thế giới bên kia. Bởi thế, dù mâm cúng có đơn sơ đi nữa nhưng không được thiếu đi ngọn đèn dầu.

Chính từ quan niệm đó, mà hầu như với mọi công trình kiến trúc ở Huế ở phần cổng chính bao giờ cũng có 2 trụ biểu cao mà người xưa gọi đó là Thạch đăng (nghĩa là đèn đá) đã trở thành biểu tượng dùng để soi sáng và dẫn lối đưa con người chạm đến niềm thanh cao, tốt đẹp.

Hình ảnh chiếc đèn dầu vẫn dễ dàng bắt gặp nơi góc phố. Ảnh: Hồ Ngọc Sơn

Quay ngược về quá khứ, có lẽ đèn sáp (hay còn được gọi là đèn cầy, nến) ra đời sớm hơn, nhưng rồi nó lại không thể đáp ứng một cách tốt nhất trong những điều kiện khó khăn như mưa gió, hơn nữa lại dễ gây hỏa hoạn. Cũng vì thế mà đèn dầu xuất hiện.

Người Huế cũng thích dùng đèn sáp (đèn cầy) nhưng đoan chắc, số lượng người thích nó không nhiều. Với người Huế, việc đèn dầu tuy có phần vất vả khi sử dụng nhưng nó vẫn được ưu ái hơn. Và họ chọn nó, bởi lẽ chiếc đèn dầu vừa có ngọn (ngọn lửa), vừa có tim (tim đèn), vừa có bụng để chứa (phần bình để chứa dầu), dầu (chất đốt được sử dụng) và bóng đèn - tựa như vòng tay che chở ánh sáng. Tất cả như hình ảnh của một con người được hình tượng hóa qua chiếc đèn dầu.

Thạch đăng trên trụ biểu ở chùa Thiên Mụ. Ảnh: Hồ Ngọc Sơn

Huế bây giờ đã khác xưa rất nhiều, nhà cửa cũng đã khang trang hiện đại hơn nhiều nhưng hình ảnh ngọn đèn dầu vẫn dễ dàng bắt gặp ở mẹt trứng lộn mỗi đêm nơi góc phố. Chiếc đèn dầu ngoài việc được xem là dấu hiệu thì nó còn là phương tiện giúp người bán lựa chọn những quả trứng phù hợp cho nhu cầu của thực khách. Và nếu có dịp nào ghé Huế để thưởng thức món trứng lộn (hột vịt lộn) nóng bỏng tay bên cạnh ngọn đèn dầu vào những đêm trở gió, khi đó thực khách sẽ thấy được sự ấm áp mà chỉ có ngọn đèn dầu mới có thể đem lại cho mọi người.

Ngọn đèn dầu còn le lói bên những quán ăn đêm khuya ngày xưa của Huế. Quay trở lại với quá khứ khoảng mươi năm trước, ở Huế, nhiều quán ăn vẫn còn chuộng đèn dầu. Bởi lẽ, lúc đó nhu cầu sử dụng điện chưa nhiều, đèn sạc cũng chưa phổ biến, cho nên ngọn đèn dầu vẫn thường trực trên mỗi bàn ăn ở những quán bánh canh trên đường Hàn Thuyên, quán cơm hến ở bên Cồn, quán ốc ở gần đàn Nam Giao, quán chè ở góc đường Chi Lăng, ở chợ Đông Ba và còn rất nhiều, rất nhiều quán khác nữa...

Ngọn đèn dầu cũng xuất hiện trong những buổi cơm tối của nhiều gia đình nghèo ở Huế, nó khiến mâm cơm trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết. Và ngọn đèn dầu còn đi vào trang văn hóa Huế, góp phần làm nên sự nổi tiếng cho quán cơm Âm Phủ một thời:

“Cơm chi mà tối mò mò

Ma kêu quỷ khóc mịt mờ âm ty

Nghe đồn cũng thử mà đi

Té ra cũng chẳng khác chi

dương trần”.

Bên cạnh các loại đèn nháy, đèm chùm, đèn trang trí… chiếc đèn dầu vẫn còn hiện diện trong cuộc sống người Huế như mạch nguồn trong ký ức sâu lắng mà khó ai không phải ở Huế có thể hiểu hết được.

HỒ PHƯỚC NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Huế thương hoài

Có những người, tưởng như đã rất quen, đã thuộc nhau tới từng ánh mắt, nụ cười, bỗng chốc lại thấy có nét gì đó là lạ. Chính cái trạng thái lạ mà quen ấy khiến mối quan hệ càng thêm hấp dẫn, bền lâu. Với một vùng đất cũng vậy, như là Huế chẳng hạn.

Huế thương hoài

TIN MỚI

Return to top