ClockThứ Tư, 10/08/2016 14:13

Đèn đỏ-đèn vàng

TTH - Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/8/2016. Theo khung xử lý của nghị định, có hàng chục điều, khoản tăng mức xử phạt bằng tiền và bổ sung các hành vi mới. Trong các điều khoản thì có hành vi vượt đèn vàng, đèn đỏ được viện dẫn trong các điều 5,6,7,8: “Không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của biển báo...” sẽ bị xử lý với cùng một hành vi. Đây là điều đang còn tranh cãi khi thực hiện.

Theo các nghị định trước đây thì chỉ xử phạt hành vi vượt đèn đỏ. Đèn vàng là để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết chuẩn bị dừng lại, nếu chạy qua vạch chưa kịp dừng thì cũng không xem là vi phạm. Vậy thì phải hiểu như thế nào để người vi phạm và người có thẩm quyền xử lý không xảy ra tranh cãi khi thực hiện điều khoản này.

Theo Từ điển tiếng Việt, từ “Vượt” có nghĩa là: Vượt qua, đi vượt lên, ra khỏi giới hạn nào đó. Theo đó, với đèn tín hiệu giao thông có 3 phân khúc thời gian khác nhau thì sẽ có 3 giai đoạn “vượt qua”. Như vậy, vượt đèn vàng và vượt đèn đỏ là 2 phân khúc thời gian khác nhau, cho nên xử lý vi phạm trong cùng 1 hành vi là chưa ổn nếu xét về nghĩa. Trên thực tế, khi đèn xanh chuyển sang vàng chỉ cách nhau mấy giây nếu người đi đường không quan sát và dự báo kỹ lưỡng thì xe chạy vượt qua vạch là khó tránh khỏi. Nếu đã xử lý vượt đèn vàng thì mức độ phải nhẹ hơn, có thể chỉ cần nhắc nhở. Bởi vì khoảng thời gian giữa đèn vàng và đèn đỏ rất ngắn so với tốc độ đang di chuyển của phương tiện.

Cũng cần nhắc lại ngữ nghĩa thì “vượt” là phải qua khỏi vạch dừng, thế nhưng với phương tiện dù là ô tô hay xe máy cũng có chiều dài nhất định. Vậy thì phải xác định là vượt qua cả xe hay mới vượt qua lốp trước. Với tốc độ di chuyển của phương tiện, người điều khiển phải chủ động hạn chế tốc độ khi gần ngã ba, ngã tư, nhưng đối với nơi không có đèn đếm giây, người điều khiển phương tiện không chủ động được, khi đèn vàng bật lên thì khó tránh khỏi “vượt”. Thực tế rất dễ xảy ra tranh cãi giữa CSGT và người điều khiển phương tiện, người nào cũng bảo vệ quan điểm cho mình là đúng. Trong khi hầu hết các ngã ba ngã tư… chưa có camera làm “trọng tài”, dễ dẫn đến lạm quyền của người có thẩm quyền xử lý và sự chây ỳ cố tình lách luật của người vi phạm.

Theo NĐ 46 thì chỉ nêu hành vi vi phạm được thể hiện trong các điều 5,6,7,8 đó là: “Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu...”. Mọi người chỉ thấy nội dung ghi như trên mà không thấy nội dung xử lý vượt đèn vàng, đèn đỏ. Trong khi đó nội dung này được thể hiện trong điều 9 Quy chuẩn 41/2012 về báo hiệu đường bộ. Theo đó, tín hiệu vàng bật sáng thì người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn. Trường hợp đã vượt quá vạch sơn nếu dừng lại quá gấp gây nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau. Trong trường hợp này vượt qua đèn vàng là vi phạm theo Nghị định 46. Người điều khiển không phải ai cũng biết đầy đủ các quy chuẩn và nếu quy chuẩn này chưa được sửa đổi thì xử lý là chưa ổn . Trong khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ quy định tín hiệu đèn giao thông có 3 màu, màu vàng để cảnh báo cho lái xe dừng lại vì chuẩn bị có đèn đỏ, nếu đã đi qua vạch dừng thì có quyền đi tiếp. Như vậy, quy định của Luật Giao thông đường bộ và chế tài xử lý của NĐ 46 về vấn đề này chưa phù hợp cần phải điều chỉnh.

 Pháp luật quy định các chế tài xử lý vi phạm là cần thiết và mang tính răn đe đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Tuy nhiên, cũng cần phải căn cứ thực tế để xử lý nghiêm trên tinh thần người bị phạt “tâm phục khẩu phục”.

NGUYỄN TÙNG AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hai vợ chồng cho vay lãi suất “cắt cổ” lãnh án

Sáng 15/3, Tòa án Nhân dân tỉnh đưa ra xét xử sở thẩm vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đối với 2 vợ chông Lê Văn Cầm và Nguyễn Thị Diệu Hiền (cùng SN 1987, cùng trú 3/113 Đào Duy Anh, phường Thuận Lộc, TP. Huế).

Hai vợ chồng cho vay lãi suất “cắt cổ” lãnh án
Xử phạt nồng độ cồn có vi phạm nhân quyền?

Dịp Tết Giáp thìn 2024, người ta bàn nhiều về kiểm tra nồng độ cồn (NĐC) và những câu chuyện về liên hoan, gặp mặt, tất niên cuối năm… với những hạn chế khi uống bia, rượu. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như không có kiểm tra gắt gao của cảnh sát giao thông (CSGT) và phản ứng cho đó là vi phạm nhân quyền.

Xử phạt nồng độ cồn có vi phạm nhân quyền
Nhà máy chưa được nghiệm thu đã phát điện

Công ty CP Thủy điện Sông Bồ đã chấp hành nộp phạt số tiền 210 triệu đồng theo quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, số tiền thu lợi bất hợp pháp đối với hạng mục vi phạm có được từ hoạt động phát điện vẫn chưa được xác định.

Nhà máy chưa được nghiệm thu đã phát điện

TIN MỚI

Return to top