ClockThứ Bảy, 23/06/2018 09:40

Đến Huế nhớ ghé thăm lăng vua Gia Long

TTH - Không gian lăng vua Gia Long được coi là “một bức tranh trác tuyệt về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc”. Đây là điểm tham quan mới nhất trong quần thể di tích Cố đô Huế được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành thu phí tham quan trong mùa hè này, chính thức từ 1/7.

Thu phí tham quan di tích lăng vua Gia Long từ 1/7Thầy học của vua Gia Long

Tên gọi lăng vua Gia Long chỉ là cách gọi ngắn gọn của cả một quần thể lăng tẩm của nhiều người trong hàng quyến thuộc của nhà vua; trong đó, trọng tâm là khu lăng mộ của vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi núi lớn nhỏ có tên gọi riêng, trong đó Đại Thiên Thọ là ngọn lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và được dùng để gọi tên chung cho cả quần sơn này: Thiên Thọ Sơn.

Quang cảnh lăng vua Gia Long

Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực. Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm, nơi được dùng để thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn bia “Thánh đức thần công” của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha. Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, thầy địa lý Lê Duy Thanh (con trai nhà bác học Lê Quý Đôn) là người tìm được thế đất để xây dựng khu lăng mộ này. Nơi đây, ông nhìn thấy “đã tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh” và “ảnh hưởng tốt lành sẽ còn mãi mãi trong suốt 10 ngàn năm”.

Nhiều năm qua, phần vì điều kiện giao thông đi lại khó khăn, phần vì nhiều công trình chưa được tu bổ nên việc tiếp đón du khách tham quan vẫn chưa được thu phí. Đến nay, sau khi nhiều hạng mục Thiên Thọ cung - khu vực lăng và tẩm chính của quần thể lăng được tu bổ hoàn tất, lăng vua Gia long chính thức được triển khai thu phí tham quan theo quy định của UBND tỉnh. Thông tin trên sau khi được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Thực tế, không chỉ du khách phương xa mà ngay cả người dân của Thừa Thiên Huế, vẫn còn rất nhiều người ngạc nhiên về lăng vua Gia Long, lạ lẫm với những ngả đường dẫn đến di tích này, cũng như vẻ đẹp nguyên sơ của không gian nơi đây.

Sen xanh ngát bao quanh mặt nước lăng vua Gia Long

Đường đến lăng vua Gia Long, chưa thuận lợi như đường đến các lăng vua Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định nhưng có cả đường sông và đường bộ. Đường bộ đủ rộng cho cỡ xe hạng trung nhưng lý tưởng nhất cho du khách khi di chuyển bằng xe máy. Với phương tiện này, du khách tùy chọn đến lăng từ xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) để tiện kết nối với lăng vua Minh Mạng, hoặc đến từ xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy), kết nối với lăng vua Khải Định. Xe máy cũng cho du khách thêm cơ hội len lỏi qua các ngõ đường làng để tham thú một số lăng chúa gần đó, như: lăng Cơ Thánh, Trường Thái, Vĩnh Thái, Vĩnh Phong…

Xu hướng tham quan lăng vua Gia Long bằng tour du lịch sinh thái cũng vừa được một nhóm chuyên gia Nhật Bản (đối tác của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) nghiên cứu thử nghiệm và được người dân địa phương tích cực hưởng ứng. Hướng đến việc phát triển du lịch với mục đích bảo tồn và cải thiện môi trường, tour du lịch này đưa du khách hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình vùng nông thôn thượng nguồn sông Hương. Suốt hành trình từ trung tâm thành phố Huế đến lăng vua Gia Long, du khách có ít nhất 8 điểm dừng chân. Thú vị là, tại mỗi điểm dừng, du khách không đơn thuần chỉ nghỉ ngơi tiếp sức cho chặng đường tiếp theo mà còn được nghe kể chuyện về những cảnh vật, làng mạc xuyên suốt hành trình. Đó là giá trị của tuyến đường dẫn đến lăng vua Gia Long với ruộng lúa và cư dân bản địa, là cảnh sắc của những ngọn núi, là cách người xưa dẫn nước và làm sạch nước từ cánh đồng vào hồ Nguyệt. Tùy theo mùa, du khách sẽ được mời thưởng thức những loại trái cây đặc sản thu hái ngay tại địa phương, như bưởi, thanh trà, hạt sen... Và người "dẫn dắt" du khách qua mỗi câu chuyện không ai khác chính là những người dân địa phương, có uy tín và am hiểu về văn hóa truyền thống bản địa.

Theo gợi ý của nhà Việt Nam học Leopold' Cadierè, chủ bút tập san Những người bạn của Cố đô Huế (BAVH) từ hơn 60 năm trước, du khách nên đến thăm lăng vua Gia Long vào buổi chiều. Đó là thời khắc có thể ngắm cảnh hoàng hôn đang đến từ phía bên kia các hồ nước. Lấp lánh trong nắng vàng là những bóng thông xào xạc, vi vu đang soi bóng xuống mặt hồ gợn sóng. Chính lúc ấy, du khách mới cảm nhận hết vẻ đẹp hùng tráng và kỳ vĩ của khu lăng này. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu không đi thành đoàn khách đông người thì tham quan lăng vua Gia Long vào buổi sáng đầy nắng là thời điểm lý tưởng. Đó cũng là cách để du khách có đủ thời gian thăm viếng nhiều khu vực khác nhau của lăng, thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên an yên và hùng vĩ.

Bài: ĐỒNG VĂN - Ảnh: DI TÍCH HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Return to top