ClockChủ Nhật, 14/01/2018 14:31

Đến Pai chỉ để yêu...

TTH - Ai đó đã nói với tôi như vậy về vùng đất thơ mộng nằm giữa thung lũng vùng núi phía bắc Thái Lan. Vượt qua hành trình dài trên những cung đường uốn lượn đồi dốc vào chiều cuối đông, Pai hiện ra như một bức tranh với gam màu rất đỗi bình yên...

Việt Nam nhập siêu 3,5 tỷ USD từ Thái LanNga quan tâm đến hợp tác đa dạng với Thái LanNgoại trưởng Mỹ thăm Thái Lan, cải thiện quan hệ song phươngVẫn “kinh ngạc Thái Lan”!Thái Lan xem xét thu phí đường bộ phương tiện đi qua biên giới

Có một Bangkok trên sông

Giữa lòng thủ đô Bangkok dày đặc những tòa nhà chọc trời, trung tâm mua sắm, phương tiện giao thông hiện đại... vẫn len lỏi những con sông lớn và gắn liền với đó là những chuyến đò ngược xuôi mà khách du lịch gọi là “buýt sông”.

Đi “buýt sông” ở Bangkok du khách sẽ cảm giác được sự nhẹ nhõm, thoải mái thay vì cảnh ồn ào, kẹt xe ở mặt đất

Mất khoảng chừng 20 phút tìm hiểu ở các trang web cũng như tư vấn của chủ homestay nơi tá túc, chúng tôi quyết định đi tàu điện trên không để đến một bến cảng ở sông Chao Phraya. “Đi thuyền trên con sông này, các bạn sẽ thấy một Bangkok hoàn toàn khác khi thoát ra khỏi những choáng ngợp của các tấm pano quảng cáo khổng lồ, sự ồn ào của xe cộ. Và tất nhiên là không bị kẹt xe”, anh Marahan, chủ homestay dí dỏm khi giới thiệu về phương tiện thú vị này.

Sông Chao Phraya là con sông lớn, chảy giữa lòng thủ đô Bangkok theo hướng bắc - nam, trong đó đoạn cắt ngang trung tâm thành phố với chiều dài 21km được Thái Lan khai thác vận tải hành khách công cộng và du lịch rất hiệu quả, góp phần giải quyết nạn kẹt xe. Từ trung tâm, mất khoảng 10 phút ngồi tàu điện trên không, chúng tôi đến bến cảng để mua vé trải nghiệm hành trình “buýt sông” có giá 50 bạt Thái (khoảng 35.000 đồng)/vé/người. Từ bến cảng đầu tiên, thuyền rẽ sóng xuôi theo sông Chao Phraya qua hơn 10 điểm dừng, gắn liền mỗi điểm dừng là các khu du lịch nổi tiếng của thủ đô Bangkok.

Du khách có thể chọn cho mình điểm dừng ưng ý hoặc nằm trong lịch trình đã lên kế hoạch từ trước. Chúng tôi chọn bến cảng Maharaj làm điểm dừng, từ đây có thể đi bộ để khám phá các điểm đến nổi tiếng như hoàng cung Thái Lan, đền Phật ngọc, bảo tàng quốc gia, công viên hoàng gia, chợ hoa, những ngôi chùa... Thuyền dùng chở khách là loại lớn, chở hơn 100 khách được trang bị đầy đủ các phương tiện đảm bảo an toàn. Ngoài những hàng ghế ngay ngắn bên trong thuyền, du khách có thể lên trên nóc thuyền để ngắm cảnh, chụp hình.

Cũng trong hành trình trải nghiệm, chúng tôi gặp rất nhiều người bản địa chọn “buýt sông” là phương tiện đi lại hàng ngày. Laman (28 tuổi, nhân viên văn phòng làm việc tại thủ đô Bangkok) tỏ ra hào hứng khi trò chuyện với những vị khách đến từ nhiều nơi khác nhau. Cô kể, sở dĩ chọn đi “buýt sông” vì nhanh, không sợ kẹt xe, và giá rất rẻ, lại dừng ở những địa điểm trung tâm. “Tôi yêu thành phố này ở góc nhìn từ những chiếc thuyền. Đâu đó đô thị đang phát triển, nhưng vẫn có nhịp thở cho người lãng mạn”, Laman cười khi tự nhận mình là người hoài cổ, thích đi thuyền, yêu sông nước.

Cây cầu tưởng niệm Thế chiến 2 ở Pai giờ đây trở thành một điểm đến thu hút rất đông du khách từ nhiều nơi trên thế giới

Riêng với chúng tôi, chọn đi thuyền để có thể thấy những góc nhìn khác của đô thị sôi động này, thú vị hơn rất nhiều so với đi taxi, tuk tuk, tàu điện ngầm, hay tàu điện trên không. Ở nóc thuyền, có thể quan sát những tòa nhà chọc trời một cách thông thoáng, không thấy sự san sát, ngộp thở như ở trên mặt đất. Cũng ở đó, những ngôi chùa nằm dọc bên sông, những căn nhà cổ kính với đầy ắp hoa hiện ra rất nên thơ trong tiếng sóng rạt rào.

Theo những người bản địa, bắt nguồn từ sông Mekong, dòng Chao Phraya chảy qua phía tây thành phố, chia thành nhiều nhánh len lỏi khắp Bangkok. Bên cạnh đó, hệ thống kênh, hào, cầu được xây dựng chằng chịt như những dải lụa băng qua sông còn tạo cho thành phố một phong cảnh rất nên thơ, trong lành. Vì thế mà Chao Phraya được ví như “Venice phương Đông”. “Bạn hãy đi vào ban đêm, ánh sáng phản chiếu khiến sông Chao Phraya lãng mạn và huyền bí”, một du khách cùng hành trình giới thiệu.

Đến Pai chỉ để yêu...

Nhắc đến Pai không thể không nhắc đến bộ phim nổi tiếng thế giới “Pai in Love” đã đem đến cái nhìn tươi đẹp cho du khách về vùng đất, con người, cuộc sống cực kỳ đơn giản như rất đáng yêu.

Pai còn có những đồi cỏ, thảo nguyên bao la

Thị trấn Pai nằm giữa thung lũng, bao quanh là núi rừng thuộc tỉnh Mae Hong Son, giáp biên giới Myanmar. Mất hơn 12 tiếng xuyên đêm ngồi xe buýt từ Bangkok về Chiang Mai, cũng như những phượt thủ khác, chúng tôi lại cồng kềnh ba lô, tìm xe, gộp chuyến với nhóm bạn trẻ đến từ nhiều nước khác bắt đầu hành trình chinh phục Pai với chặng đường hơn 130km đèo dốc cùng những đồi thông vi vu gió rít, hùng vĩ chẳng khắc gì cung đường Bạch Mã ở Huế hay Đà Lạt ở cao nguyên trung phần.

Thi thoảng ở những cung đường vắng, chúng tôi lại được ngắm những triền núi bên dưới với những đám mây lưng chừng, mênh mông ngợp trời. “Chẳng khác gì Bạch Mã, Đà Lạt” – Gill, du khách trong đoàn đã thốt lên như thế khiến chúng tôi bất ngờ. Gill đã đến Bạch Mã và Đà Lạt, cô bảo thích núi rừng nơi có thông xanh, khí trời mát mẻ. Khi biết chúng tôi đến từ Huế, nơi có vùng đất mà cô từng đi qua, Gill tỏ ra hớn hở, hỏi chuyện rất nhiều. Vòng xe cứ quanh co, rung lắc, mặc cho câu chuyện của chúng tôi cứ dài ra với những biệt thự cổ, những cung đường nên thơ, cả ẩm thực lẫn văn hóa vùng miền...

Tiếng nói cười trên xe bỗng tắt khi bác tài tuổi ngoài 50 ra ký hiệu phía trước có chốt quân đội kiểm tra, tất cả chuẩn bị hộ chiếu. Ngoài chốt này, để đến được Pai chúng tôi phải vượt qua thêm một chốt khác khiến lòng có chút lo nghĩ về vùng đất tiếp giáp biên giới. Không giống như người dân, lính gác ở đây mặt lạnh lùng. Sau một vài phút kiểm tra ở mỗi chốt, xe chúng tôi tiếp tục hành trình. Hết lên dốc đến lượt đổ đèo, xe rẽ màn sương chiều để Pai hiện ra trước mắt. Nhìn Pai lại nhớ về Bạch Mã, nhớ về Đà Lạt, nhớ cái lạnh dễ chịu mà ai cũng thèm.

Đến tới Pai cũng là lúc màn đêm buông xuống, cả thị trấn bừng sáng dưới ánh đèn vàng, sôi động bởi dòng người qua lại, bởi tiếng nhạc xập xình âm vang khiến “xóm” nhỏ như chưa bao giờ được ngủ sớm. Chừng ấy hiện ra trước mắt đã thôi thúc bước chân chúng tôi phải thật nhanh để khám phá Pai về đêm. Có đi mới thấy Pai không chỉ có những ngôi nhà gỗ xếp mái với lối kiến trúc mộc mạc mà ở khoảng không gian ấy có một “thành phố thu nhỏ”. Pai có chợ đêm, Pai có ẩm thực, có bar và âm nhạc và có những nụ cười luôn thường trực trên môi của cư dân bản địa. Dọc theo khu phố cấm xe, chúng tôi len lỏi vào từng quầy hàng ăn để thử đủ món ngon, ấn tượng nhất với cả nhóm là món thịt nướng khói bởi hương vị mặn mà, thấm tháp trên từng xiên thịt đẹp mắt. Mà ăn gì ở Pai cũng thế, cũng có thêm chanh.

Càng về khuya Pai càng sôi động. Theo gợi ý của hai người bạn trong đoàn đến từ Indonesia, cả nhóm quyết định vào các gian hàng thổ cẩm của người bản địa. Áo quần, vớ, mũ, túi xách, ví da... được bày bán la liệt, người mua thỏa thích chọn lựa với mức giá cũng rất “ok”. Cái hay ở khu chợ này là không có trả giá. “Trả làm gì các bạn ơi. Chúng tôi không chỉ bán sản phẩm để kiếm sống mà còn đưa giá trị văn hóa truyền thống đi xa, các bạn mua như để ủng hộ chúng tôi” - lời một chủ hàng ví được thành viên trong đoàn chuyển ngữ.

Đến đây tôi lại nhớ ai đó từng thầm thì: “Đến Pai chỉ để yêu”. Khung cảnh lãng mạn, những đôi trai gái tay trong tay dạo phố, thi thoảng họ lại dành cho nhau những nụ hôn ngay giữa phố. Thật tình tứ. Thật nhẹ nhàng. Thật sâu. Pai cho những lữ khách trẻ cảm giác hạnh phúc. Đúng vậy, giữa không gian ấy, “nàng” Pai dung dị xinh xắn, yên bình giản đơn, không màu mè mà "gây nghiện", không ồn ào mà dễ hút hồn người. Pai là để đến, và để yêu!

Đêm ở Pai ngủ muộn nên ngày mới đến khá trễ. Nhưng nhóm chúng tôi ai cũng dậy thật sớm, rảo bước khám phá Pai trong sương mai dày đặc ôm phủ cả thị trấn. Mờ ảo và hấp dẫn đến ma mị. Cũng như nhiều “phượt thủ” từ khắp nơi đổ về đây, xe máy là phương tiện được chọn để chinh phục những cung đường đẹp và các điểm đến thú vị nằm trong bán kính 20km đổ lại với mức giá khoảng 100 bạt Thái (70.000 đồng)/ngày.

Những vườn dâu xanh tươi, những ngôi biệt thự cổ Pháp còn sót lại vẫn giữ nguyên được kiến trúc lẫn nghệ thuật, hay cây cầu tưởng niệm Thế chiến 2 bắc qua sông Pai lần lượt được chúng tôi đặt chân đến. Thoáng nhìn những ngôi biệt thự ấy chẳng khác gì những biệt thự Pháp cổ ở Huế, nép mình lặng thinh trên bước đường đô thị hóa. Cũng như cây cầu, mang dáng vóc cầu Trường Tiền với kết cấu bằng cốt thép luôn hấp dẫn khách đến tham quan, chụp hình lưu niệm.

Nhưng làm sao có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của Pai nếu không khám phá tận cùng những con đường, ngõ ngách hẹp quanh co rợp đầy tán phượng, bò cạp vàng, sứ và những hàng chuối xanh rì hay những đồi cỏ, thảo nguyên bao la...

Pai trong tôi là vậy đó. Dễ thương, hiền hoà, mến khách. Pai không cầu kỳ hoa lệ. Pai mộc mạc, dễ thương theo kiểu riêng của Pai mà chẳng nơi nào có được...

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đô thị Huế hiện đại & hành trình phát triển - Kỳ 1: Thành phố bên bờ sông Hương

Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/12/2019 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bài viết dưới đây giới thiệu về sự ra đời và hành trình phát triển của Huế với tư cách một đô thị hiện đại.

Đô thị Huế hiện đại  hành trình phát triển - Kỳ 1 Thành phố bên bờ sông Hương
Return to top