ClockThứ Sáu, 04/05/2012 05:25

Đến với đảo xa...

TTH - Chuông điện thoại reo vang khi trời còn chưa tỏ mặt người. Tiếng chị Châu Thị Ngọc Hải, Bí thư Đoàn cơ sở Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế giục: "Đơn vị anh xong chưa, xuất phát thôi!". Thế là từ "hai cánh", Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh Báo Thừa Thiên Huế và Đoàn cơ sở Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế cùng tiến về Đồn Biên phòng Lăng Cô để bắt đầu chuyến hành trình vượt biển đến với đảo Sơn Chà...

Những câu hát: Nơi anh đến là biển xa/Nơi anh tới ngoài đảo xa... vang ra từ máy điện thoại của anh bạn đồng nghiệp đang đi trên xe khiến cho các thành viên trong đoàn thêm háo hức. Xe vừa vượt qua đèo Phước Tượng cũng vừa lúc thời tiết bắt đầu thay đổi, trời âm u, mây đen ùn ùn kéo đến. Sự lo lắng thể hiện rõ trên khuôn mặt các thành viên. Mọi người cứ tiếc nuối vì sợ rằng chuyến đi sẽ không thành. Thế nhưng, khi hai đơn vị về đến Đồn biên phòng Lăng Cô trời bắt đầu quang mây trở lại.

 
Hành trình vượt biển
 
Sau vài nghi thức ngoại giao, thăm hỏi, Trung tá Nguyễn Văn Nga, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lăng Cô hội ý nhanh với đoàn về kế hoạch ra thăm đảo Sơn Chà, với ý chí quyết tâm cao của các thành viên. Mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, sau khi sắp xếp các loại thực phẩm, quà tặng lên thuyền xong, Đồn trưởng Nguyễn Văn Nga hạ lệnh xuất phát. Khoảng 15 phút sau, thị trấn Lăng Cô khuất sau làn sương mờ ảo. Giữa biển khơi, gió bắt đầu thổi mạnh, những con sóng chồm lên, mặt biển xám xịt. Sóng cứ nhấc bổng con thuyền lên rồi thụp xuống, song thuyền vẫn rẽ sóng lướt tới. Thuyền trưởng Bùi Lai, khéo léo tay lái đưa con thuyền “chém” ngang từng đợt sóng, bảo: “Phải ga lớn để vượt qua đợt gió này thôi!”.  Tôi nhoài mình ra nhìn xuống mặt biển, những con sóng bạc đầu cứ thay nhau chồm lên. Thay cho sự háo hức ban đầu, mọi người bắt đầu chếnh choáng, chừng 30 phút sau nhiều người nôn thốc, nôn tháo... Chỉ có những người lính biển vẫn kiên cường chống chọi với sóng gió.
 

Vượt biển đến với đảo xa

 
Khoảng một giờ đồng hồ sau, mặt biển bình yên trở lại. Tôi tiến đến phía mũi thuyền nơi Đồn trưởng Nga đang ngồi phóng tầm mắt ra biển cả. Chỉ tay về phía đảo, anh bảo: Đảo Sơn Chà nơi đồng đội mình đóng quân là một vùng đảo nhỏ diện tích khoảng 1km2. Đây là khu vực rừng nguyên sinh còn hoang sơ nên rất giàu tiềm năng về du lịch sinh thái. Bám trụ giữa biển khơi, ngày ngày cán bộ chiến sĩ trên đảo phải vượt suối, trèo núi tuần tra. Để đi hết một vòng quanh đảo, các anh phải khởi hành từ lúc tờ mờ sáng đến tận chiều tối mới về doanh trại. Giữa trưa, mọi người lấy củi khô, nước suối nấu mì tôm mang theo để lót dạ. Có lúc trời mưa không nhóm được lửa, thế là các anh đành ăn mì sống cho qua bữa... Bao câu chuyện, lời tâm sự và nỗi niềm của người lính đảo đã giúp tôi vượt qua sóng biển, chống lại những cơn say chếnh choáng để cùng đoàn mang tấm lòng hậu phương đến với cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo Sơn Chà.
 
Thắm tình hậu phương
 
Đón chúng tôi với nghi lễ “nhà binh”, Thiếu tá Phạm Quang Thắng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng đảo Sơn Chà rạng rỡ như được đón những người thân.
 
Theo sự hướng dẫn của “đảo trưởng” Phạm Quang Thắng, tôi và mọi người đi thăm một vòng quanh đơn vị. Anh kể: “Còn nhớ những ngày đón lính mới ra đảo, trên tàu cập đảo lúc đó đa số là chiến sĩ trẻ, giây phút tàu rời đảo, nhiều đồng chí mắt đỏ hoe. Cũng đúng thôi, họ là những thanh niên trẻ, có người chưa được một tuổi quân, lần đầu xa nhà, lại làm nhiệm vụ trên đảo mịt mù sóng gió, ai mà không bịn rịn, bâng khuâng. Mình phải lo phân công gần gũi với anh em, bởi vậy ở đây tụi mình như anh em một nhà...”.
 
Nói rồi, “đảo trưởng” Thắng dẫn tôi đến thăm khu vực tăng gia sản xuất của các anh. Trên đảo các chiến sĩ nuôi thêm gà, vịt, cá các loại và tận dụng các hóc núi trồng rau xanh để phục vụ nhu cầu thường nhật. Thượng úy Nguyễn Minh Hương, quân y đang làm nhiệm vụ tại đảo tâm sự: “Nghe tin đoàn các anh ra thăm đảo, bọn em phấn khởi lắm! Em hiểu nỗi vất vả của những chuyến đi biển như thế này, bởi hôm nay biển động, sóng to... Thế nhưng, những ngày này là rộn ràng nhất đảo. Đặc biệt hơn khi anh em được nhận quà từ đất liền chuyển ra. Đây là động lực tinh thần to lớn để lính đảo tụi em vượt qua khó khăn, thử thách, chắc tay súng và trọn niềm tin gắn bó với đảo thân yêu”. Trong giây phút ấy, tôi thấy thật xúc động, và có lẽ mọi người đều có chung một niềm cảm xúc dâng trào, đó là cảm giác ấm áp của tình người.
 
Mải tâm sự với “đảo trưởng” và quân y Hương, mọi người đã hoàn tất khâu chuẩn bị chương trình khi nào không hay. Giữa trưa trên đảo vắng, tiếng cười nói, tiếng hát của các thành viên trong đoàn và các chiến sĩ át cả tiếng sóng vỗ. Mọi người yêu cầu hát. Tôi xin phép hát nhạc phẩm “Nơi đảo xa” của tác giả Thanh Bình. Bài hát kết thúc, anh em vỗ tay rầm rầm. Hôm ấy thật lắng đọng, chúng tôi quây quần hỏi chuyện gia đình, chuyện sinh hoạt trên đảo, chuyện tình yêu của các chiến sĩ trẻ… Ngồi bên cạnh tôi là Nguyễn Doãn Kiên, một chiến sĩ tuổi vừa tròn đôi mười, lần đầu tiên ra nhận nhiệm vụ tại đảo. “Bám trụ giữa đảo xa thế này chắc là nhớ người yêu lắm nhỉ?” – Tôi gợi chuyện. Nở nụ cười hiền lành, chàng chiến sĩ trẻ nói: “Nhớ lắm chứ anh, nhưng được sống trong không khí vui vẻ, đầm ấm của đơn vị thế này em cũng thấy đỡ đi phần nào”. Chúng tôi biết, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người lính đảo đều biết vượt lên khó khăn gian khổ, mất mát, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu giao phó.
 
Sau những giờ phút quây quần bên nhau thắm tình hậu phương, thời khắc chia tay với người lính đảo cũng đến. Tàu chuẩn bị rời đảo, cả đội đều ra tiễn khách, ai cũng vẫy tay và nở nụ cười trên môi, nhưng đôi mắt người nào cũng đỏ hoe. Nhìn cả đội đứng vẫy tay chào và dõi theo con tàu mãi đến khi hình bóng các anh khuất dần trong làn sương của biển, tôi không sao ngăn được nước mắt. Tạm biệt những người lính đảo, chúng tôi cảm nhận được từ trong làn gió man mác, mang theo mùi mặn của biển, chất chứa sự hi sinh thầm lặng của các anh. Và, ở nơi đảo xa ấy, những người lính đảo đang ngày đêm âm thầm chịu đựng gió sương để chắc tay súng bảo vệ bình yên vùng trời, vùng biển đảo của quê hương.

Đình Đình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Return to top