ClockThứ Bảy, 02/01/2021 08:27

Đẹp & gọn

TTH - Không chỉ đẹp mà phải tinh xảo, gọn và dễ vận chuyển là tiêu chí đặt ra cho dòng sản phẩm lưu niệm, quà tặng khi nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe.

Chấm sản phẩm hội thi thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ năm 2020Chuyển giao 10 mẫu thiết kế sản phẩm lưu niệm và quà tặngNâng cao năng lực thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ

Túi sen, sản phẩm lưu niệm quà tặng đang được thị trường đón nhận

Độc, lạ 

Công ty TNHH Sen Thảo là thương hiệu nón lá sen do Nguyễn Thanh Thảo nghiên cứu, chế tác thành công.

Sau 3 năm góp mặt vào thị trường hàng thủ công mỹ nghệ Huế, thương hiệu dần khẳng định với mức tiêu thụ khoảng 2.000 chiếc mỗi tháng.

Từ chiếc nón giữ nguyên màu sen, cơ sở đã tạo ra hàng chục mẫu nón sen đủ màu với cách tạo màu, phối lá để nón vừa có độ bền, chịu được nắng mưa nhưng màu không hoen ố. Song, với kích cỡ cồng kềnh và không thể gấp xếp, nón sen gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, đặc biệt là làm quà tặng lưu niệm phục vụ khách du lịch.

Nón sen, sản phẩm lưu niệm quà tặng được yêu thích

Duy trì các sản phẩm truyền thống, phát triển thêm sản phẩm túi xách làm quà tặng lưu niệm là hướng đi mới được Sen Thảo triển khai từ đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát và nhu cầu tiêu dùng trực tuyến tăng cao, trong khi tranh, nón sen gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Sau 2 tháng nghiên cứu và tạo mẫu, đến nay, 70 mẫu túi xách thiết kế từ chất liệu lá sen ra mắt thị trường và được du khách ưa chuộng. Ưu điểm của túi sen là nhỏ, gọn, có thể gấp, xếp, co dãn và chịu nước.

Nguyễn Thanh Thảo cho rằng, cải tiến mẫu mã, chuyển hướng sản xuất là cách mà Sen Thảo theo đuổi. Với 2 dòng sản phẩm chủ đạo là nghệ thuật và thị trường, trong đó dòng sản phẩm nghệ thuật gồm tranh, nón sen; dòng sản phẩm thị trường thiên về độ bền và sản xuất hàng loạt là túi xách và phụ kiện. Các mẫu túi thiết kế theo phân khúc độ tuổi, cung ứng ra thị trường các tỉnh, thành phố trong nước và chào hàng ở một số nước như Đức, Pháp, Mỹ.

Ngoài túi sen, túi lá chuối sẽ là sản phẩm nghiên cứu tiếp theo của Sen Thảo nhằm hoàn thiện bộ sưu tập hàng lưu niệm quà tặng phục vụ thị trường du lịch. “Sau khi hoàn thành ý nguyện tạo ra bộ sưu tập quà tặng từ chất liệu lá sen, Sen Thảo sẽ nghiên cứu, đầu tư cho dự án “ẩm thực sen Huế” nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh không chỉ từ lá sen, mà còn từ củ sen, cùi sen và hoa sen”, Thanh Thảo chia sẻ.

Chọn áo dài làm quà Huế

Nhà thiết kế Viết Bảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Viết Bảo QB, Phó Chủ tịch Hội may thêu thời trang tỉnh trăn trở, Huế là thành phố du lịch và hướng đến xây dựng Kinh đô áo dài, song lâu nay Huế chỉ là thị trường tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh, thành phố khác, trong đó có áo dài. Các cửa hàng đang nhập vải áo dài về và gia công, rồi gắn thương hiệu áo dài Huế.

Áo dài của NTK Viết Bảo

Từ trăn trở, những năm gần đây, Viết Bảo chú trọng đến chất liệu vải áo dài và hướng đến chọn áo dài là quà Huế. Cùng với thiết kế vải, mẫu và may đo áo dài, cơ sở thường xuyên tổ chức các chương trình nghệ thuật lồng ghép trình diễn áo dài để quảng bá.

Theo Nhà thiết kế Viết Bảo, qua khảo sát thị trường, thăm dò thị hiếu khách hàng, đặc biệt là khách du lịch, cơ sở đã nhập vải thô, phôi trắng, sau đó sử dụng công nghệ in nhuộm kỹ thuật số trên nền tơ tằm các tác phẩm hội họa Huế tiêu biểu được chuyển thể sinh động lên tà áo. Sự kết hợp áo dài và hội họa tăng giá trị thẩm mỹ, văn hóa cho sản phẩm từ họa tiết pháp lam, di sản kiến trúc cung đình. Trên chất liệu lụa sa tanh, thổ cẩm hay voan, các họa tiết được thiết kế tỉ mỉ, tạo đặc trưng riêng cho áo dài Huế.

Khám phá tranh vẽ ngược

Cùng với các sản phẩm tranh thêu, sơn mài, gỗ hay sen, thị trường hàng lưu niệm quà tặng có thêm dòng tranh mới do họa sĩ Dương Văn Kính, Cơ sở mỹ thuật Hải Dương, TP. Huế tạo ra, đó là tranh gương.

Kế thừa kiến thức từ Khoa Hội họa, Trường đại học Nghệ thuật Huế cùng với thời gian nghiên cứu nghề truyền thống Huế khi công tác tại Phòng Văn hóa- Thông tin, UBND TP. Huế, phát hiện tranh gương là dòng tranh trước đây được các vua quan Triều Nguyễn thường treo ở các lăng tẩm, đền chùa, nay đã bị mai một và thất truyền, Dương Văn Kính cùng với các cộng sự đi thực tế tại các đền đá, lăng tẩm và ý tưởng vẽ tranh gương bắt đầu.

Khác với loại hình tranh truyền thống, tranh gương là dòng tranh vẽ ngược (vẽ mặt sau) nên đòi hỏi phải có kỹ thuật, khéo léo và có trí tưởng tượng phong phú. Người vẽ phải tưởng tượng phía bên kia (mặt trái) để nhìn xuyên từ kính qua (mặt phải), đặc biệt là vừa vẽ vừa hình dung bức họa và có thể thay đổi hình hài trong lúc vẽ.

Theo họa sĩ Dương Văn Kính, vẽ tranh gương phải tính toán kỹ từng thông số kỹ thuật, tích hợp chiều sâu ánh sáng và cách phối màu khác với tranh truyền thống. Người họa sĩ kết hợp phối màu theo hình thức sử dụng màu có độ trong, đón hiệu ứng ánh sáng của màu sắc và vẽ từng lớp, từng lớp một. Ưu điểm của tranh gương nhờ cách phối màu tạo hiệu ứng ánh sáng nên tranh luôn lung linh cho không gian nội thất, không ẩm nên phù hợp với thời tiết ở Huế. Ngoài dòng tranh sử dụng trang trí nội thất, treo ở các lăng tẩm, di tích, cơ sở thiết kế các khung tranh kích cỡ nhỏ, nhẹ để làm sản phẩm lưu niệm, quà tặng nên được du khách đón nhận.

Tại hội thi thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ năm 2020 do Sở Công thương tổ chức, một trong những tiêu chí quan trọng để đạt giải đó là kích thước và trọng lượng khi hoàn thiện sản phẩm phù hợp với tính chất hàng lưu niệm quà tặng, thuận tiện cho bao bì đóng gói và dễ vận chuyển. Đây cũng chính là tiêu chí hướng đến của các cơ sở, nghệ nhân khi sản xuất hàng lưu niệm quà tặng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bài: Hương Thanh

Ảnh: Hoàng Hải - Khánh Thư

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần gũi thiên nhiên với biophilic design

Xu hướng thiết kế biophilic design chú trọng việc kết nối con người với các yếu tố từ thiên nhiên, tạo ra không gian chữa lành ngay tại nhà.

Gần gũi thiên nhiên với biophilic design
Cặp linh vật rồng khổng lồ chào đón Tết Giáp Thìn

Một cặp rồng với kích thước lớn - linh vật biểu tượng của năm Thìn đang được tạo hình trước sự tò mò của người dân lẫn du khách. Cặp rồng này được đặt tại không gian khoảng sân lớn đối diện cổng Trường Quốc Học trên đường Lê Lợi, TP. Huế.

Cặp linh vật rồng khổng lồ chào đón Tết Giáp Thìn
Nhà mới với vật liệu cũ

Theo đuổi xu hướng hoài cổ, nhiều người trưng dụng vật liệu cũ để xây dựng, làm lại căn nhà mới. Nếu biết cách sử dụng, thì cũ mà vẫn đẹp, không hề lạc hậu, cũ mà vẫn bền và cũ mà... mới.

Nhà mới với vật liệu cũ
Cá nhân hóa không gian sống

Cá nhân hóa kiến trúc nhà ở là một phương pháp thiết kế và thi công xây dựng nhà ở nhằm tạo ra một không gian phục vụ đúng nhu cầu có tính cá nhân hóa. Ở đó, gia chủ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc vì các không gian đúng gu thẩm mỹ và đáp ứng thói quen sinh hoạt của mình và gia đình.

Cá nhân hóa không gian sống

TIN MỚI

Return to top