Thể thao

“Derby đèo Hải Vân” chỉ còn là nỗi nhớ

ClockThứ Bảy, 02/05/2020 06:46
TTH - Một ngày đầu năm 2020, tôi ngồi trên khán đài sân Tự Do để xem trận đấu giao hữu giữa CLB Bóng đá Huế với CLB SHB Đà Nẵng. Khán đài chỉ khoảng 20 người. Tuy chỉ là một trận giao hữu thôi, nhưng khoảng cách chuyên môn của 2 đội bóng có thể thấy rõ khi Đà Nẵng là một đội bóng mạnh của V. League còn Huế là một đội bóng trẻ của hạng Nhất. Chứng kiến trận đấu làm tôi không khỏi chạnh lòng...

Phía trước là thử tháchCần một chân sút

 Tiền đạo Trần Quang Sang (phải)

Từ rất lâu rồi, những cuộc đối đấu giữa bóng đá Huế với bóng đá Đà Nẵng bao giờ cũng nóng và quyết liệt. Chỉ cách nhau một ngọn đèo Hải Vân, thế mà đã biết bao sự kiện lẫn sự cố xảy ra mỗi khi Huế gặp Đà Nẵng và ngược lại.

Trận đấu đầu tiên giữa Huế và Đà Nẵng ở hạng đội mạnh là vào mùa giải vô địch quốc gia năm 1995. Khi đó, Đà Nẵng là một đội bóng mạnh, có vai vế, còn Huế là tân binh ngỡ ngàng ở giải vô địch quốc gia. Thể thức thời bấy giờ với quy định không hòa và sau 90 phút bất phân thắng bại phải đá luân lưu khiến hai đội đã căng càng căng hơn. Sức nóng hầm hập trên sân và cả trên khán đài. Đúng là một trận chiến một mất, một còn.

Năm ấy, lượt đi trên sân Chi Lăng, Huế thua Đà Nẵng sau loạt luân lưu. Sau trận đấu ấy, nhiều khán giả Huế vừa khóc trước cái thua của đội nhà lại vừa không có đường về bởi sự quá khích của khán giả Đà Nẵng.

Trận lượt về trên sân Tự Do, Huế nung nấu một cuộc rửa hận. Một nhóm cổ động viên quá khích của Huế còn lùng sục những chiếc xe mang biển 43 vượt đèo Hải Vân ủng hộ đội đối phương để “rửa hận”. Cao trào trước trận đấu lên cao khiến công an phải can thiệp những manh động ở trong và ngoài sân giữa hai nhóm cổ động viên.

Đội hình của Đà Nẵng lúc đó có đủ các danh thủ như Phan Thanh Hùng, Lê Văn Sinh, Phan Công Thìn, Nguyễn Phan Hoài Linh, Nguyễn Phương Trung... Còn Huế là một dàn cầu thủ trẻ như Lê Đức Anh Tuấn, Trần Quang Sang, Phan Văn Hòa, Dương Công Quốc, Lê Minh Sỹ Hùng, Hoàng Đình Nghĩa... Đà Nẵng vào thế ông lớn trong khi đội bóng Cố đô lại lạnh lùng với một ông thầy giàu chinh chiến là cố HLV Ninh Văn Bảo.

Trận đấu đã căng như dây đàn ngay từ tiếng còi khai cuộc. Trên sân cầu thủ tranh chấp quyết liệt. Trên khán đài khán giả cũng cổ vũ cuồng say. Lợi thế sân nhà và có thể lực tốt hơn đã giúp các cầu thủ chủ nhà chơi có phần lấn lướt. Pha tranh chấp ấn tượng nhất và làm nóng cầu trường sân lòng chảo Tự Do chính là cú huých vai của trung vệ to cao Lê Minh Sỹ Hùng của chủ nhà Huế làm cho tiền đạo kỳ cựu Lê Văn Sinh bay ra khỏi đường biên. Trận đấu kết thúc với bàn thắng của Trần Quang Sang đã mang lại niềm vui ngất ngây cho khán giả Cố đô.

Mùa bóng năm 1999- 2000, Huế đã có trận đấu khai mạc giải trên sân nhà và đối thủ là Đà Nẵng. Một lần nữa các cầu thủ Cố đô đã biết cách vượt qua kỳ phùng địch thủ bằng một lối chơi quả cảm. Hai bàn thắng của Phan Văn Hòa và Nguyễn Đức Dũng đủ để đội bóng Cố đô tự tin khi trở lại sân chơi cao nhất của bóng đá quốc gia.

Nhưng không khí thực sự của trận derby miền Trung lại diễn ra ở trận lượt về trên sân Chi Lăng sau khi khán giả Huế vượt đèo vào Đà Nẵng. Một trận cầu quá nóng không chỉ vì thời tiết của mùa hè mà vì quyết tâm của đội bóng Sông Hàn đòi lại món nợ lượt đi. Những tấm băng - rôn trên khán đài của cổ động viên hai bên cũng đầy khiêu khích.

Một trận giao hữu giữa Huế (phải) với Đà Nẵng

Trận đấu hôm ấy đã vỡ vụn vì tiếng còi và vì cầu thủ hai đội lo “đấu” nhau. Đà Nẵng đã được công nhận một bàn thắng từ tay của Lê Nguyên Hưng. Sau bàn thắng ấy, Lê Đức Anh Tuấn đã bị đuổi khỏi sân vì phản đối trọng tài. Trần Quang Sang chỉ mặt trọng tài phản ứng gay gắt trong khi Lê Trọng Thành Trung liên tục có những pha sút bóng lên khán đài để phản ứng ban tổ chức...

Buổi chiều đó, công an Đà Nẵng đã phải áp tải Thừa Thiên Huế ra tận đèo Hải Vân. Sau trận đấu, HLV Nguyễn Đình Thọ đã viết đơn kiện trọng tài lên ban tổ chức, còn HLV Trần Văn Phúc của Đà Nẵng thì bức xúc phát biểu: “Giữa chọn việc phải thắng Huế bằng mọi giá và việc trụ hạng thì các anh (chỉ các lãnh đạo bóng đá Đà Nẵng ) chọn cái nào?”.

Mùa bóng 2007, Huế trở lại V. League với dàn cầu thủ trẻ cây nhà lá vườn. Ngay ở lượt đấu thứ hai vào chiều 10/3/2007, Huế đã phải tiếp “kỳ phùng địch thủ”. Ở thời điểm đó, về lực lượng Huế khó sánh với đối thủ dù tinh thần quyết tâm thì vẫn khá cao. Nhưng không khí của một trận derby có tiếng của bóng đá Việt đã không còn.

Trên khán đài không có những băng - rôn khiêu khích. Trước trận đấu, đại diện hội cổ động viên Huế đã trao hoa và bắt tay thân mật đại diện hội cổ động viên Đà Nẵng. Trận đấu diễn ra mà không có một pha bóng nào gọi là kịch tính. Có lẽ ấn tượng nhất cho người xem trận đấu chiều hôm đó là những pha múa bóng như Ronaldo của cầu thủ nhỏ con nhưng khéo léo của Đà Nẵng Phan Thanh Phúc.

Trận đấu kết thúc với tỷ số 0-0. Hai HLV Đoàn Phùng và Lê Huỳnh Đức bắt tay nhau vui vẻ. Trận đấu được bất đầu bằng hoa và kết thúc với tỷ số hòa hài lòng cho cả hai đội bóng. Nhưng có lẽ khán giả của Huế và Đà Nẵng trên sân buổi chiều hôm đó thì không hài lòng. Họ nhớ không khí của một trận “derby đèo Hải Vân” trước đây. Trận lượt về mùa giải năm đó trên sân Chi Lăng Huế đã chính thức rớt hạng nên đã thua Đà Nẵng với tỷ số đậm.

Sau mùa bóng này trận “derby đèo Hải Vân” chỉ còn là nỗi nhớ của những người yêu bóng đá của cả hai vùng đất...

Bài: PHI TÂN - Ảnh: TL

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đưa vào khai thác tuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng

Ngày 14/3, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp, làm việc với Đoàn công tác Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về công tác chuẩn bị đưa vào khai thác tuyến tàu Huế - Đà Nẵng. Tham dự buổi làm việc về phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh.

Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đưa vào khai thác tuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng
Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”

Nửa mùa hạng Nhất đã đi qua và với vị trí top 3, bóng đá Huế đang có một mùa giải trên cả mong đợi. Cụ thể với 17 điểm, các học trò của ông Nguyễn Đức Dũng chỉ xếp sau 2 đội bóng được chỉ đích danh thăng hạng ngay từ đầu mùa giải và không có chi bất ngờ nếu được góp mặt ở sân chơi V. League vào năm sau. Sự thật thì chỉ có SHB Đà Nẵng là vượt trội, còn PVF-CAND cũng chỉ hơn CLB Huế vẻn vẹn 1 điểm và vượt lên ở lượt đá cuối cùng vào cuối tuần qua.

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”
Sân chơi của học sinh trường huyện

Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy học, Trường THPT An Lương Đông (huyện Phú Lộc) còn đặc biệt quan tâm tới việc phát triển kỹ năng và thể chất cho học sinh thông qua việc xây dựng các CLB (câu lạc bộ) trong nhà trường.

Sân chơi của học sinh trường huyện
Return to top