ClockThứ Năm, 03/11/2011 05:11

Đi chợ đường xa

TTH - Thường chủ nhật sẽ dành buổi sáng thong thả ra chợ. Chợ gần nên đi bộ. Cảm giác được thả những bước đi ngắn, không cần gấp gáp như ngày thường phải sãi thật dài để kịp với công việc đã đem lại cho tâm hồn khoảnh khắc ngắn vô ưu.

Đi chợ chủ nhật như một thói quen. Sáng chủ nhật , bạn bè gọi gặp nhau bên ly cà phê sáng. Mình ngần ngừ. Không ngại vì phải chạy ngược lên phố xa mà cứ lấn cấn bởi sợ bỏ lỡ thứ chi đó ngoài chợ, sợ về trưa không còn được gặp.

 
Thứ đó đi riết rồi gặp, rồi quen. Đơn giản chỉ là mớ rau vườn để trên cái trẹt con con của mệ già ngồi dưới gốc cây mưng. Ngó cách mệ nắn nắn cái dây cột sao cho “được con mắt” thấy đã muốn mua. Mình đoan chắc với cách “cư xử” của mệ, mớ rau được mệ mang ra chợ bán là “rau sạch” chứ không đáng ngờ như những bó xanh non nõn một cách đáng ngờ trong hàng kia.
Thứ đó cũng đơn giản như chục cây bông cúc hôm nọ mình mua. Hỏi dì hàng bông bao nhiêu một chục rồi bày đặt trả giá cho ra vẻ đàn bà con gái rành chợ búa, mình đã bật cười khi dì hàng bông đồng ý bán rẻ còn phân nửa bởi lý lẽ cực kỳ dễ thương: dì bán mấy chục bông còn sót trong vườn kiếm chút tiền ăn hàng chơ buôn bán lời lãi chi mô con. Đưa tờ bạc cho dì, đón chục bông được gói kỹ càng cẩn thận kẻo sợ gãy, may mình còn kịp nói: thôi dì khỏi thối. Vài ba ngàn bạc mà làm vui lòng nhau đến vậy, đâu phải lúc nào cũng có được trong cái cuộc sống ngày nay đâu.
Nhà ở bên rìa thành phố. Những buổi sáng trong tuần vừa mở mắt đã hối hả leo lên xe, đùm đùm nách nách túi mẹ cặp con lo chạy thật nhanh sợ kẹt ngả ba ngã tư đèn xanh đèn đỏ, sợ đến trường cổng khép, sợ đi đường gió bụi… nên khi đi trên con đường nhỏ nhắn có hàng cây mưng buông chùm hoa đỏ, thi thoảng thả nhẹ xuống tóc vài ba bông nhẹ tênh, trong lòng bất chợt dâng lên cảm giác thơ dại ngày con trẻ.
Buổi ấy, để đến với những buổi chợ quê, gánh hàng trên vai mẹ phải kĩu kịt từ trong tiếng gà. Chợ quê họp phiên hiện lên trong trí nhớ đứa bé lên năm hình như tháng chỉ đôi ba lần. Để đến được với phiên chợ ấy, mẹ đã tỉ mẩn chăm bẵm từ luống cà mớ rau, củ khoai tấm lá… đủ đặt thành một gánh hàng trên vai, tinh mơ gà gáy rủ nhau cùng mấy chị em trong làng gồng gánh trong sương để đến kịp phiên chợ buổi mai cách nhà hàng bao nhiêu cây số.
Ký ức đợi mẹ về chợ của đứa trẻ bé tí ngày xưa bao giờ cũng là khoảng thời gian đằng đằng của buổi sáng hôm đó mà không hiểu tại sao mẹ lại về muộn đến vậy. Có khi bóng nắng ngoài sân đổ đến chiều mới thấy mặt mẹ đỏ gay vì nắng lửa từ ngoài sân đi vô, trên vai là cái đòn gánh tâng tâng đang móc hờ đôi quang lồng vào nhau lắt lẻo phía sau lưng. Mẹ vào hàng hiên ngồi dựa lưng cầm nón quạt, đứa trẻ lên năm dắt em sè sẹ ngồi xuống mở tấm lá đậy thúng ra. Quang quẻ nhẹ tênh, chỉ có mấy xâu cá trích phơi khô, thêm vài ba thứ lặt vặt như kim chỉ, cuối cùng là hai miếng bánh tráng góc tư được tìm thấy. Hạnh phúc giòn rụm một thoáng ngơ ngác rồi xong.
 
Đi chợ thời nay ít quang gánh. Người bán chở hàng bằng xe. Người mua đựng hàng bằng túi ni lông. Chợ họp khắp nơi, đi xe máy ghé xịch chỗ nào cũng dễ dàng mua được vài thức hàng cần kiếm. Đôi khi mua vội vã về mở ra không dùng, thảy vào tủ lạnh, đôi khi để lâu ngày quên lại phải bỏ giỏ rác. Con cái cần thứ gì mở tủ ra lấy, nên cảm giác nhìn vào giỏ đi chợ về của mẹ không có bao giờ.
Nên chủ nhật rảnh, mình thường từ chối những cữ cà phê trên phố, để dành buổi sáng xách giỏ đi chợ. Chợ nhà mình gần thiệt là gần. Mà bước chân hình như vừa đi vừa nghĩ, thành thử cứ mê mải như chợ đường xa.

Đông Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Return to top