ClockChủ Nhật, 08/01/2017 07:33

Đi chợ nông sản “sạch”

TTH - Nếu so với các loại nông sản trưng bày ở hệ thống siêu thị hay chợ truyền thống, thì những bịch dầu phụng, dầu mè không nhãn mác hay các loại dăm bông, bột ngũ cốc, giá đỗ, rau xanh do các bà nội trợ chế biến hay trồng ở các nông trại hữu cơ có vẻ bề ngoài chưa bắt mắt nhưng được phần đông người tiêu dùng yên tâm về chất lượng.

Các cửa hàng kinh doanh “nông sản sạch”, TPAT xuất hiện nhiều trên địa bàn TP. Huế. Ảnh: Khánh Thư

Đắt cũng mua

Lo sợ khi hằng ngày phải đối điện với thực phẩm bẩn, các loại rau không rõ nguồn gốc, tháng 6/2016 cô nhân viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế - Nguyễn Thị Như Ý cùng người em họ quyết định “hùn vốn” mở Cửa hàng TPAT Đồng Xanh tại 19 Trần Quang Khải, TP. Huế. Gần 50 mẫu sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ nhập về từ HTX Môi trường và Đô thị xã Phong Hiền (Phong Điền), các cơ sở sản xuất rau củ quả theo quy trình VietGAP ở TP. Đà Lạt và một số sản phẩm do người dân chế biến như dầu phụng, mật ong, nước mắm, dăm bông đang thu hút nhiều khách hàng lựa chọn. “Giá các sản phẩm rau an toàn, NSHC đắt hơn từ 5-10% so với sản phẩm cùng loại bán ở chợ, song mình yên tâm về chất lượng nên luôn tìm đến các cửa hàng này để mua”, chị Thu Trang trú ở phường An Cựu nói.

Trò chuyện với chủ Cửa hàng TPAT ở 19 Trần Quang Khải, khi chị vừa có chuyến lên Đà Lạt khảo sát các cơ sở sản xuất TPAT. “Thông qua người quen, cơ sở nhập các loại rau quả, trái cây, mứt, hoa tươi do các cơ sở ở Đà Lạt về tiêu thụ. Song, để yên tâm về chất lượng, tôi phải đến tận nơi kiểm tra quy trình trồng, bảo quản và nguồn gốc thực sự để sắp tới mở rộng quy mô, lấy thêm nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách. Mặc dù cửa hàng mới mở hơn nửa năm, nhưng đã có nguồn khách ổn định với doanh số bán hàng trên 100 triệu đồng/tháng”, chị Nguyễn Thị Như Ý chia sẻ.    

Sau thành công với mô hình nông trại hữu cơ ở xã Hương Vân (Hương Trà), tháng 4/2016 chị Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty hữu cơ Huế Việt đã mở show room Huế Việt tại 19 Trường Chinh, TP. Huế, cung cấp các loại NSHC như gạo, các loại rau củ quả, thịt lợn, gà... canh tác theo hình thức hữu cơ và một số đặc sản của Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Ngãi. Để kiểm soát chất lượng, có nhiều sản phẩm nông sản phong phú và ổn định, chị làm việc với HTX và các hộ dân tại Hương Vân và Điền Lộc (Phong Điền), thuê 3 ha đất lâu dài và trồng các loại rau màu. “Người Huế đang dần thích nghi với các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm sạch nên cửa hàng tiêu thụ khá. Ngoài việc cung ứng các loại NSHC, công ty đã sản xuất thành công sữa gạo lứt hữu cơ và một số loại mứt trái cây từ nguyên liệu sẵn có, sắp tới sẽ mở rộng thị trường phân phối ra các tỉnh, thành khu vực miền Trung”, chị Huệ tiết lộ.

Chủ Cửa hàng TPAT Đồng Xanh vào tận TP. Đà Lạt tham quan các vườn rau sạch để đặt hàng về cung ứng cho khách. Ảnh: Như Ý

Hướng đến chuỗi cung ứng nông sản “sạch”       

Tháng 6/2016, Công ty CP Lâm nghiệp 1-5 khởi công xây dựng trang trại tổng hợp Hoàng Bằng tại xã Phong An (Phong Điền). Với tổng vốn đầu tư 136 tỷ đồng, diện tích 61ha, sau khi hoàn chỉnh trang trại sẽ cung cấp thịt lợn siêu nạc, cá nước ngọt, hoa quả, sen, rau sạch... cho người dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. “Hiện trang trại đang gấp rút thi công, dự kiến đầu quý II/2017 sẽ đưa vào hoạt động, cung ứng các loại nông sản sạch đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông Nguyễn Hoàng, Phó Giám đốc Công ty CP Lâm nghiệp 1-5 nói.

Đầu tháng 1/2017, Công ty TNHH MTV Quế Lâm sẽ khai trương Siêu thị hữu cơ Quế Lâm tại 101 Phan Đình Phùng, TP. Huế. Đây là công trình được đầu tư khá quy mô trên diện tích 3.000m2, tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng. Ngoài các mặt hàng như gạo, trà, cà phê hữu cơ, trứng, thịt các loại và rau củ quả được sản xuất dựa trên quy trình hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm, siêu thị còn cung cấp đặc sản Huế và các vùng miền trong cả nước, tạo ra chuỗi cung ứng NSHC đáp ứng nhu cầu người dân.

Dầu phụng, dầu mè đen và dầu nành là những sản phẩm thông dụng luôn có mặt ở trên góc bếp các gia đình. Trước nhiều thông tin sản phẩm dầu không đảm bảo chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường, nhiều bà nội trợ đã tự chọn mua đậu lạc, mè đen và đậu nành mang đến các cơ sở ép dầu thủ công để ép. Vì vậy, ở các vùng nông thôn, hệ thống xay xát và ép dầu thủ công xuất hiện khá nhiều, đáp ứng nhu cầu chế biến dầu cho nhiều hộ dân. “Sau khi thu hoạch lạc, phơi khô và mang đến cơ sở ép dầu về dự trữ, sử dụng cả năm. Nếu lạc chắc hạt, 1 tạ lạc vỏ có thể ép ra 28-30 lít dầu và chỉ tốn 150.000đ tiền công nhưng vừa có dầu để ăn, có bã lạc chế biến thức ăn cho lợn, ngâm để tưới cây mà không lo về chất lượng”, chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Phong An (Phong Điền) nói.

Theo chị Nguyễn Thị Thủy, hộ kinh doanh các loại dầu lạc, dầu mè ở xã Phong An, mặc dù các loại dầu ép thủ công đạt chất lượng tốt, ngon và không có chất bảo quản, song vẫn chưa tiêu thụ mạnh do nhiều khách hàng chưa tin tưởng vì chưa có nhãn mác, thương hiệu. Để đăng ký thương hiệu, nhãn mác thì cơ sở phải có giấy phép đăng ký kinh doanh cũng như các tiêu chí cần về nhà xưởng, đội ngũ nhân viên… nên lâu nay cơ sở vẫn chưa tiến hành đăng ký.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông- lâm- thủy sản- Lê Văn Bình cho hay: “Có khá nhiều nông- đặc sản chế biến thủ công nhưng rất ngon và đảm bảo chất lượng, nhưng bà con gặp khó khăn khi tiêu thụ do không đăng ký và công bố chất lượng. Nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở và hộ dân trên địa bàn tỉnh đăng ký chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, sắp tới chi cục hỗ trợ tối đa bằng cách đơn giản hóa các quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận, đồng thời tổ chức các đoàn khảo sát đến tận cơ sở sản xuất để hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ công bố chất lượng”.

"Sắp tới, ngành Công thương sẽ phối hợp tổ chức kiểm định chất lượng và hình thành chuỗi siêu thị mini giúp bà con tiêu thụ hàng hóa, đồng thời tổ chức hội nghị xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm để kêu gọi các nhà phân phối lớn trong cả nước đến Huế để tiêu thụ hàng nông sản cho bà con"

Giám đốc Sở Công thương - Nguyễn Thanh

THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không chỉ giữ bình yên, mà còn phải xanh, sạch, đẹp

Dù tất bật với nhiệm vụ giữ vững sự bình yên cho cuộc sống Nhân dân, nhưng cán bộ, chiến sĩ công an trong toàn tỉnh đã sắp xếp thời gian, công việc để tham gia “Ngày Chủ nhật xanh” với mục tiêu đặt ra là: Vì một TP. Huế không chỉ bình yên, an toàn, thân thiện, mà còn phải xanh, sạch, đẹp.

Không chỉ giữ bình yên, mà còn phải xanh, sạch, đẹp
Vì một môi trường sống sạch đẹp

Năm nay, chiến dịch Giờ Trái đất được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Giảm dấu chân carbon - hướng tới Net zero” “Reducing carbon footprint towards net zero”.

Vì một môi trường sống sạch đẹp
Nhiều hộ dân ở Hương Xuân thiếu nước sạch

Dù đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nhưng hiện nay hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Hương Xuân (Nam Đông) vẫn thiếu nước sạch để sử dụng, gây khó khăn cho đời sống, sản xuất của các hộ dân.

Nhiều hộ dân ở Hương Xuân thiếu nước sạch
Nông dân với nông sản hữu cơ, OCOP

Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, OCOP đã xuất hiện nhiều hộ nông dân vừa làm giàu vừa giúp đỡ các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương về vốn, việc làm để vươn lên thoát nghèo.

Nông dân với nông sản hữu cơ, OCOP
Return to top