ClockThứ Năm, 31/03/2016 14:16

Đi để trở về

TTH - Những công trình bề thế và quy mô. Những khay lễ vật đánh số. Tiếng loa nhắc người. Những nghiêm cẩn thành kính khấn vái bên cạnh những ồn ào lũ lượt.

Những hàng quán với nhiều thứ rất đời thực, kể cả ăn uống bia rượu kề cận đền chùa. Tiếng mời gọi và chèo kéo mua lễ, bưng lễ đến khấn lễ hộ. Những chiếc gậy “tự sướng” và những đám người ồn ã. Những trang phục không hề nghiêm cẩn. Và rác, đủ loại dường như đã không hẹn mà dạt vào những khoảng đất trống, phía hậu... Những hình ảnh như thế nhiều lắm, ở những nơi mà tôi đã có dịp ghé qua nhân mùa lễ hội dọc miền đất nước.

Văn hóa và phong cách sống ở mỗi vùng miền đương nhiên là khác nhau và điều đó cần được tôn trọng. Hơn nữa, những điều này sẽ mang đến những cảm nhận khác nhau cho người tiếp cận, từ nhiều góc độ và qua đó, cho họ dư vị, vốn sống... trong hành trang văn hóa thông qua tìm hiểu, khám phá. Vì thế cho nên, điều mà chúng tôi muốn đề cập ở đây chỉ là một góc nhìn trong ứng xử đối với văn hóa tâm linh. Cũng không biết có phải là võ đoán hay không, nhưng dễ có cảm nhận về tính phiên bản trong tâm thế của người hành hương. Và tâm thế, dường như cũng quy định tình thế.

Nói điều ấy bởi vì, khi chọn một nơi chốn tâm linh làm điểm đến, điều mà người ta mong ước là có một khoảng thời gian nào đó, gác lại những lo toan ngày thường, được đắm mình trong bầu không khí yên tĩnh với một tâm thức thành kính, bình yên để nhớ về nguồn cội, về những người thân yêu và cầu mong những tháng ngày tốt đẹp... Đó cũng là một trong những cách biết thêm về lịch sử, văn hóa, con người, vùng đất trên những dặm dài đất nước. Vấn đề là, không phải ở đâu, khi nào những điều ấy cũng được thực hiện một cách trọn vẹn mà nhiều khi rất hao khuyết, hẫng hụt do nạn chèo kéo, giành giật, ồn ĩ, nhếch nhác... Tôi cứ nghĩ, khi không có một tâm thế bình an, lại do ngoại cảnh, môi trường xung quanh các điểm văn hóa tâm linh tác động, người ta thường có những ứng xử gấp gáp hơn, dè chừng hơn cũng như dễ bột phát những hành vi tiêu cực. Có thể là không phải hoàn toàn đúng, nhưng tôi đã nghĩ đến điều đó khi nhìn cách mà người ta bày ra ăn uống trong khu vực chùa chiền, cãi nhau, mặc cả, khấn vái ồn ào, xả và mặc kệ rác thải xung quanh mình.

Có lẽ vì dư chấn của những điều này mà một người bạn của tôi đã nói rằng, anh thật sự ngạc nhiên khi đến vãn cảnh chùa Huế. Những ngôi chùa không nghiêng về tính hoành tráng nhưng lại mang giá trị của chiều sâu văn hóa. Nơi mà con người thực sự được lắng mình lại trong những phút giây tĩnh tại với những bước chân khẽ khàng. Mùi nhang trầm khẽ khàng. Tiếng khấn cũng rất khẽ khàng. Không gian ấy, tự nó đã mặc định một ứng xử khác với những nơi chốn tâm linh khác.

Cũng trong câu chuyện ấy, tôi đã nói với bạn bè của mình rằng, thay vì những cách xin lộc và những chuyến đi truyền thống, nếu thực sự tìm kiếm và mong muốn hướng đến một tâm thức bình yên, bạn hãy đến Huế. Nơi chùa Huế có một mật độ khá dầy đặc và đều tĩnh tại. Nơi không gian và nhịp sống yên bình. Nơi mà người ta không cảm thấy mình có điều gì phải gấp gáp và dè chừng...

Tôi đã nói điều ấy một cách tự tin. Bản thân tôi nữa, với những thu nhận được trong những chuyến xê dịch của mình, cho dù là có thể cực đoan, nhưng điều mà tôi đã nghĩ là đi, để thấy quê hương mình đẹp và yêu quê hương mình vì những điều đó.

MINH HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lê Brothers và hành trình trở về

“The Return - trở về” là câu chuyện được kể bằng hình ảnh và video vừa được anh em nghệ sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải (Le Brothers) giới thiệu đến công chúng vào chiều 8/1 tại không gian nghệ thuật Manzi (số 2 ngõ Hàng Bún, Q. Ba Đình, Hà Nội).

Lê Brothers và hành trình trở về
“Quê nẫu” - Tiếng yêu thương trong hành trình trở về của Đặng Mậu Tựu

Đặng Mậu Tựu, một họa sĩ tràn đầy năng lượng sáng tạo không biết mệt mỏi. Trở về với quê hương bản quán Bình Định, với nơi chôn nhau cắt rốn, ông mang theo cả một gánh hành trang nặng trĩu trái tim mình trong những câu chuyện của sắc màu. Vẫn phong cách tươi tắn sôi nổi, nhiệt huyết yêu thương của một họa sĩ của xứ dừa Tam Quan nhưng lỡ say mê sông Hương núi Ngự, ngỡ rằng đang ẩn mình trong cõi chiêm bao, hóa ra lại trần thế như một hạt bụi nhân gian vô thường vậy.

“Quê nẫu” - Tiếng yêu thương trong hành trình trở về của Đặng Mậu Tựu
Rút ngắn khoảng cách công nghệ số

Tiếp cận với internet và sử dụng một số thao tác trên nền tảng này đối với 2/3 dân số cả nước có lẽ đã là điều bình thường.

Rút ngắn khoảng cách công nghệ số
Salmonella và gì nữa?

Hôm qua 22/11, Sở Y tế Khánh Hòa đã có kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm...

Salmonella và gì nữa
Return to top