ClockThứ Tư, 29/06/2016 14:12

Di dời cơ sở sản xuất kinh doanh nguy cơ ô nhiễm

TTH - Sau nhiều năm chờ đợi, phường Thủy Châu chính thức được UBND thị xã Hương Thủy ghi vốn phân bổ 1,5 tỷ đồng thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh tồn tại trong khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

        Hàng phế liệu tràn lề đường        

Nhu cầu khẩn cấp

Từ sau năm 1975 đến nay, phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy) trở thành “cái nôi” của nghề thu gom, bán buôn phế liệu. Tại thời điểm này, toàn phường có 15 điểm có tập kết phế liệu, trong đó có 8 điểm lớn. Ở góc độ ngành nghề, đây là một trong những hoạt động đem lại nguồn thu nhập cho người lao động nghèo và giải quyết được nhiều lao động nông nhàn tại địa phương. Do tính chất của hàng hóa nên nghề thu mua phế liệu ở phường Thủy Châu từ lâu trở thành nỗi lo thường trực của người dân ở gần các điểm tập kết, do nguy cơ cháy nổ, gây ô nhiễm môi trường lâu dài, ảnh hưởng đến an toàn trật tự trong khu dân cư và mỹ quan đô thị.

Ông Vũ Đức Duy, Chủ tịch UBND phường Thủy Châu, thẳng thắn: Các điểm bán buôn phế liệu chủ yếu ở mặt tiền các tuyến giao thống chính. Cứ cuối ngày là tập kết hàng, lấn chiếm lòng lề đường, gây nhếch nhác bộ mặt đô thị. Sau mỗi trận mưa, người dân đem phế liệu ra phơi. Nếu dẹp căng thì hàng hóa của dân hư hỏng, mà không căng thì chúng tôi lại chưa hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị. Những năm gần đây, ý thức tự giác của các hộ kinh doanh ngành nghề này đã cải thiện nhiều về phòng cháy nổ, ô nhiễm môi trường nhưng mức độ chưa cao, nên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân trên địa bàn. Chính vì vậy, khi được UBND thị xã quan tâm có chủ trương di dời những cơ sở sản xuất kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ và ghi vốn thực hiện, chúng tôi rất mừng và bà con nhân dân cũng rất phấn khởi. Chỉ có cách di dời các cơ sở này ra khỏi khu dân cư thì mới giải quyết dứt điểm được những vấn đề tồn tại lâu nay.

Thủy Cường là một trong những cơ sở thu mua, tập kết phế liệu lớn nhất ở thị xã Hương Thủy nói chung và phường Thủy Châu nói riêng. Mỗi ngày, cơ sở này giải quyết công ăn việc làm cho hơn 50 người dân tại địa phương. Trước chủ trương di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, ô nhiễm môi trường, chủ cơ sở Thủy Cường vui vẻ: Chúng tôi đã đăng ký với địa phương và được biết chính quyền sẽ tạo điều kiện để được di dời trước. Đi được thì tốt quá vì ổn định được sản xuất, đồng thời không để công việc của mình ảnh hưởng đến cộng đồng.

Mới giải quyết được 1/4 số hộ có nhu cầu

Thị xã Hương Thủy từng xây dựng một đề án di dời tất cả các điểm sản suất kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong khu dân cư, ảnh hưởng mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn vào một khu vực tập trung xa khu dân cư, rộng khoảng 10 ha. Tuy nhiên, vì khu vực được quy hoạch nằm cạnh khu vực huấn luyện quân sự, không đảm bảo an toàn nên trước mắt thị xã quy hoạch một khu vực rộng khoảng 3 ha để ưu tiên giải quyết cho nhu cầu cấp bách của Thủy Châu. Hiện tại, Thủy Châu đang tiến hành các phần việc thiết kế để trình các cấp, tiếp đến là thực hiện kiểm đếm, đền bù và giải phóng mặt bằng.

“Đã có 31 hộ, bao gồm cả cưa xẻ, gò hàn đăng ký được di dời sớm, nhưng với quy mô trên thì có khả năng chúng tôi chỉ quy hoạch được 24 lô (400m2/lô). Vậy nên, trước mắt chỉ ưu tiên các hộ có quy mô sản xuất kinh doanh lớn và nằm ở các trục đường chính. Riêng cơ sở Thủy Cường, để đảm bảo kinh doanh, họ cũng đã cần đến 5.000m2 rồi”, ông Vũ Đức Duy nói.

“Với quy hoạch hiện tại, chúng tôi mới chỉ giải quyết được 7 hộ có quy mô lớn ở địa phương, số còn lại phải đợi các giai đoạn tiếp theo. Hơn nữa, di dời và tập trung các điểm sản xuất kinh doanh này về một mối, chúng tôi cũng phải tính toán đến vấn đề xử lý nguồn nước thải. Nhu cầu về kinh phí rất lớn, chúng tôi rất mong được thị xã và tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện”, ông Duy nhấn mạnh.

ĐỒNG VĂN

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top