ClockThứ Ba, 18/08/2015 16:01

Đi họ

TTH - Sáng nay, tôi về làng đi họ. Nhớ hồi còn đi học khoảng lớp 8, lớp 9; một sớm đang ngủ say, ba lay tôi dậy nói: “Dậy đi để sáng ni ba đưa con xin vô họ!”. Tôi lơ mơ nói: “Thì lâu ni con đã có họ rồi mà!”. Ba cười… Thì ra con trai lớn lên phải có thủ tục xin vô họ. Ba cầm chai rượu, mấy miếng cau trầu rồi dẫn tôi lên nhà thờ họ ở đầu làng. Đến nơi, ba dắt tôi tới chỗ các ôn, các bác cao niên khăn đóng áo dài đang uống trà và thưa tên tuổi của tôi, xin được ghi vào gia phả của họ rồi mời mấy vị uống người một ly rượu chứng giám. Rứa là tôi đã vô họ không bị kêu là thằng cu con nữa mà đã có vai có vế là “ông chú trong họ”.

Làng tôi có đến mấy chục họ, riêng họ Lê thì cũng có đến mấy họ Lê (Phi, Quang, Văn, Ngọc…). Rồi trong họ lại chia thành nhiều nhánh, mỗi nhánh được gọi là “họ con cháu”. Họ con cháu của tôi hàng năm chạp vào tiết lập Thu. Đó là khi quê tôi bước vào mùa nông nhàn, lúa đã khô khén cất lên tra; cánh đồng làng ngập nước để lũ cò vạc bay về trắng trời làm bạn với những chú trâu cũng đang kỳ nhởn nhơ gặm cỏ sau một vụ mùa cày kéo. Chiều mồng 5 con cháu nội ngoại cùng nhau lên rú cát lo việc chạp phần mộ tổ tiên ông bà. Vùng rú cát vốn hàng ngày hoang vắng ít người lui tới bỗng trở nên nhộn nhịp khi hàng trăm người của các dòng họ trong làng tay dao rựa, tay cào cuốc cùng nhau đi chạp mộ. Với lòng thành kính và ước vọng thiêng liêng “âm siêu dương thái”, những “ngôi nhà của người cõi âm” được con cháu sửa sang, tu bổ thật khang trang; khói hương nghi ngút như một sợi dây vô hình nối tấm lòng của người đang sống với những người đã khuất…

Khuya mồng 6, những thanh niên trai tráng trong họ được phân công nhiệm vụ mổ heo, hong xôi. Sáng ra, một số người tiếp tục đi chạp những phần mộ còn lại; số người còn lại lo chuẩn bị các món để lên mâm cúng. Mâm cúng được bày biện đơn giản nhưng hào soạn nhìn vào thiệt thích mắt; đó là một cái trẹt tre hình tròn được lót mấy tàu lá chuối xanh và phải “ thịt côi xôi dưới”; chung quanh là mấy tô xáo xương, mấy chén nước mắm, mấy chén nước lèo… Việc cúng kiếng được tiến hành trong buổi sáng để đến trưa là con cháu nội ngoại bắt đầu ngồi vô mâm. Con cháu ngoại( là những người có họ mẹ, họ mệ nội, họ vợ) được ưu tiên ngồi trước; con cháu nội thân ngồi sau. Ai có vai vế, cao tuổi được ngồi mâm trên; những người còn trẻ ngồi mâm dưới…
Cũng như ngày tết, ngày chạp họ là dịp để con cháu đang sinh sống làm ăn xa quê trở về. Tôi đưa mắt nhìn lui nhìn tới té ra có nhiều người là bà con, dây mơ rễ má với mình mà lâu ni chưa biết. Có người cỡ chừng hơn hai mươi tuổi tới nói với tôi: “Em tuy nhỏ hơn anh nhiều nhưng xét về vai vế trong họ anh phải gọi em bằng bác!”. Lại có người tóc đã pha sương, nói giọng miền Nam rặt tới bàn cụng ly và tự giới thiệu: “Tui lạc quê từ năm mười mấy tuổi, chừ mới tìm lại được họ hàng mừng rớt nước mắt”. Bia vào lời ra, có người uống nhiều sương sương nói: “Họ con cháu mình đông quá hay chia họ ra đi cho nó gọn”, liền bị mấy ôn, mấy bác bậc trên mắng xối xả, mặt đang đỏ như gà chọi chuyển sang tái mét... Cái lớp lang, tôn ti, cái lý cái tình của dòng họ quê tôi là vậy! Xong việc ăn uống là ai nấy “tiền đậu cấu góp”, con cháu ngoại mỗi người đóng 50 ngàn đồng, còn lại con cháu trong họ nội lo hết…
Khi còn sống, ba tôi luôn chu đáo chuyện họ hàng nên được người trong họ nể trọng. Ngày ba mất, mấy ôn, mấy bác trong họ con cháu kêu tôi lại dặn lui dặn tới một điều là: việc chi thì việc tranh thủ hàng năm phải về đi họ. Buổi sáng, ngang qua con đường làng ngày xưa tôi đã lẽo đẽo đi theo ba xin vô họ chợt gặp mấy cành lau trắng. Hình như mấy cây lau ni đã nở trắng mấy chục năm rồi, từ cái hồi tôi mới vô họ…
Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top