ClockThứ Hai, 17/08/2020 14:47

Đi lên từ cây cảnh

TTH - Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Hồ Văn Phương, trú tại thôn Phò Ninh, xã Phong An (Phong Điền) mạnh dạn đầu tư trồng cây quất và các cây cảnh khác, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Ngoài cây quất, anh Phương còn trồng nhiều cây cảnh khác

Từ trồng quất

Tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2003, đến năm 2005, anh Phương xuất ngũ trở về địa phương (Phong An, Phong Điền).

Trở về, anh Phương nung nấu ý định lập nghiệp. Nhận thấy, tết đến người dân chơi cây quất nhiều, nhưng trên địa bàn tỉnh không có nơi nào trồng quất mà chỉ nhập cây từ các tỉnh thành về bán, anh Phương quyết tâm phải trồng bằng được cây quất.

Sau một thời gian bôn ba các nơi học hỏi nghề trồng quất, đầu năm 2006, anh quyết định vay mượn bạn bè, người thân số vốn ban đầu 50 triệu đồng để trồng thử nghiệm 200 cây quất ở vùng đất khô của gia đình. Anh mời nghệ nhân trồng quất từ Tuy Hòa ra cùng anh làm quất trong vòng 15 ngày để học hỏi nghề trồng quất. Sau khi học hỏi tất cả các khâu từ: Chọn giống, liều lượng phân bón, cách trị bệnh, cách cho quất ra hoa, kết trái…, anh tự tin sẽ trồng quất thành công trên đất Phong An.

Không như anh Phương nghĩ, dù quất năm đầu cho nhiều trái, nhưng cứ mưa là trái rụng, bất kể trái vàng hay trái xanh. Ba năm liên tiếp (từ 2006-2009), anh thất bại mà không biết nguyên nhân. Không nản lòng, anh tiếp tục học hỏi từ những nơi trồng quất nổi tiếng như: Quảng Nam, Hà Nội…

Sau khi học được “bí quyết”, anh tiếp tục trồng và thành công với cây quất cảnh. Năm 2010, lần đầu tiên với 200 cây quất đã cho anh thu hoạch hơn 100 triệu đồng, lãi ròng 50 triệu đồng.

Từ 200 cây ban đầu, nay anh đã phát triển lên 600 cây/năm, cung cấp một phần cho thị trường cây cảnh tết ở Huế.

Đến Phương “cây cảnh”

Đến Phong An, không ai là không biết anh Phương “cây cảnh”. Ngoài “độc quyền” quất cảnh, anh Phương còn biết đến với người bán nhiều loại cây cảnh phong thủy, bon sai và các loại hoa.

Anh Phương cho hay: Cây quất chỉ bán và thu hoạch vào dịp tết, nhưng phải chăm ngay từ gần giữa năm. Thời gian còn lại trong năm, anh lái xe thuê, kiếm thêm thu nhập. Quá trình đó, anh nhận thấy thị trường ưa chuộng nhiều cây cảnh khác nhau nên quyết định tìm hiểu, mở rộng diện tích và trồng thêm nhiều loại cây cảnh khác nhau để bán quanh năm.

Đến nay, trên 1.000m2 đất hiện có của gia đình, anh Phương trồng 600 cây quất và 50 loại cây cảnh, hoa khác nhau như: Kim ngân, kim tiền, hạnh phúc, trầu bà, mai vạn phúc, lan… Hiện, anh đã có 5 đại lý bán cây cảnh lớn và 10 điểm bán nhỏ lẻ. Anh còn nhận hợp đồng trồng cây cảnh ở các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, trường học… trên địa bàn tỉnh.

Chị Hoàng Thị Thanh Thúy (vợ anh Phương) cho biết, chị là giáo viên hợp đồng của một trường trên địa bàn. Thời gian rảnh rỗi, chị cũng giúp anh chăm sóc cây cảnh, giới thiệu và bán cây cảnh online trên mạng.

Với gia đình anh chị, cây cảnh không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn là niềm vui, niềm hạnh phúc khi đã làm đẹp cho đời, cho người. Hàng năm, với vườn cây cảnh hiện có cho gia đình anh Phương thu nhập từ 600-700 triệu đồng/năm, trừ các khoản chi phí, tiền công, anh lãi ròng 200-250 triệu đồng/năm.

Ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An đánh giá: Mô hình trồng quất, cây cảnh của gia đình anh Hồ Văn Phương mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, ngô và một số loại rau màu khác, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền tới bà con nông dân trên địa bàn xã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người thanh niên đưa “Chậu Huế đắp tay” vươn tầm cả nước

Với suy nghĩ “Cây quý phải đứng trong chậu đẹp”, Hoàng Công Toàn (SN 1992, trú thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) - một thanh niên sau khi tốt nghiệp ngành mỹ thuật và nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực cây cảnh nghệ thuật đã quyết tâm lập nghiệp bằng dự án “Chậu Huế đắp tay thủ công”.

Người thanh niên đưa “Chậu Huế đắp tay” vươn tầm cả nước
Đồng hành, giúp người dân đi lên

Thực hiện Dự án phát triển kinh - tế xã hội (KT-XH), mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Khu Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) A So, huyện A Lưới, đầu năm 2023, Đoàn KT-QP 92 đã cấp hỗ trợ vật nuôi và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con xã A Roàng, Lâm Đớt và Đông Sơn.

Đồng hành, giúp người dân đi lên

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top