ClockChủ Nhật, 21/06/2015 16:04

Đi mãi rồi sẽ thành đường…

TTH - Một số chương trình truyền hình mang hơi hướng thực tế trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT) đã bắt đầu có khán giả, nhất là giới trẻ. Để có những cảnh quay, trên chuỗi hành trình khám phá của người chơi đến nhiều nơi trong tỉnh, là cả một công trình cố gắng không mệt mỏi, pha lẫn cả mồ hôi và nước mắt của ê kíp phóng viên, biên tập…

Ê kíp chương trình Huế và những điểm đến trong một lần tác nghiệp

Vượt khó

“Truyền hình thực tế, một thể loại chương trình truyền hình còn khá mới lạ so với các đài địa phương. Những năm gần đây, Đài TRT sản xuất một số chương trình nói là mang hơi hướng thực tế thôi. Nhưng đó cũng là sự cố gắng vượt bậc với đội ngũ ê kíp phóng viên, biên tập, đạo diễn khi đối diện với khó khăn về nhân sự, kinh phí cũng như điều kiện vật chất kỹ thuật”, bà Trần Thị Hải Lý, Trưởng phòng Biên tập chương trình (BT-CT) Đài TRT bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Lần đầu tiên trong đời làm báo, nhân vật chính trong bài viết của chúng tôi là những… đồng nghiệp. Khi hẹn gặp với cái bắt tay gần gũi, cách nói chuyện khá “hoạt ngôn” của một MC chuyên nghiệp đã xua đi cái ý nghĩ ban đầu trong tôi. Người đầu tiên chúng tôi gặp là phóng viên Đặng Dinh. Cũng chẳng biết gọi anh với cụm từ gì về “chức danh” cho chính xác bởi như lời anh Dinh nói, có một giai đoạn thực hiện chương trình truyền hình thực tế Huế và những điểm đến, anh vừa làm MC dẫn, vừa viết kịch bản và đạo diễn.

Đoàn trải nghiệm làm các món ăn ở làng nghề

Ngồi hồi tưởng chặng đường đã đi qua, anh kể: “Mình gắn bó với Huế và những điểm đến đã hơn 2 năm. Tiền thân của nó là chương trình “Khéo tay hay làm”. Để phát triển nó thành một chương trình có hơi hướng truyền hình thực tế như hiện nay là sự đóng góp của các anh chị nhiều thế hệ đi trước. Từ năm 2011 đến nay, chương trình đã thay đổi các format để ngày càng đáp ứng nhu cầu khán giả, đặc biệt là những người trẻ”.

Xuất thân từ “dân” công nghệ thông tin nhưng đam mê thể thao, những bài viết chập chững đầu tiên của nghề làm báo với anh là mảng thể thao. Năm 2013, trong một lần tham gia lớp học sản xuất chương trình truyền hình theo phong cách hiện đại tổ chức ở Quảng Trị, anh Dinh được thầy kể cho câu chuyện trong lớp học một chương trình truyền hình ở phương tây, khi được hỏi học viên thích nhất là tiết mục gì? Họ trả lời là… hậu trường. Ý tưởng manh nha truyền hình thực tế trong anh cũng có từ đó. Dù nhiệt huyết nhiều, nhưng hiện đội ngũ thực hiện các chương trình truyền hình thực tế của Đài TRT đang đối diện với khó khăn, bằng chứng là nhiều phóng viên đã “rời bỏ” chương trình. Để tiếp tục công việc với Dinh không gì hơn phải có một lòng yêu nghề mãnh liệt!

Một cảnh quay vùng sông nước trên cao của ê kíp chương trình

Theo anh Dinh, thực hiện một chương trình thực tế như hiện nay, mức đầu tư rất lớn và cả kinh phí cũng như công sức của đội ngũ ê kíp phóng viên, biên tập. Các anh phải kiêm nhiệm các công việc khác nhau để tinh gọn bộ máy nhân sự. Đội ngũ có từ 4-6 người gồm 2 quay phim, 1 đạo diễn và 1 biên tập. Có những chương trình dài hơn thì các anh phải “điều động” thêm máy quay bên ngoài và phải có thêm sự hỗ trợ của flycam (công nghệ điều khiển thiết bị bay mô hình có gắn máy quay phim).

Buồn vui hậu trường

Bao năm thực hiện chương trình Huế và những điểm đến đã cho đội ngũ ê kíp có những kỷ niệm không bao giờ quên trong nghiệp làm báo. Anh Đặng Dinh kể, năm 2013 anh em được phân công thực hiện cảnh quay đánh cá ban đêm trên biển Lăng Cô. Sau khi liên hệ với chính quyền, ý tưởng chương trình cũng đã lên xong xuôi, cả ê kíp về cơ sở không may gặp lúc biển động. Ngư dân khuyên đoàn không nên ra khơi vì rất nguy hiểm. Tưởng chừng như đã bỏ cuộc nhưng lịch phát trong tuần phải có chương trình đáp ứng. Khi quay lại, nhờ cán bộ cơ sở giới thiệu về các trại hàu trên đầm Lập An, đoàn quyết định thực hiện cảnh quay khi trong tay không có kịch bản hay dàn dựng gì trước. Đó là một đêm trải nghiệm với nghề nuôi hàu, sáng ra đoàn thực hiện cảnh quay đánh cá trên đầm phá rất sinh động. Khi làm xong thấy rất thành công, thể hiện đúng bản chất của truyền hình thực tế. “Mình dẫn chương trình thường sửa sang quần áo, đầu tóc. Nhưng hôm đó trải nghiệm một đêm thú vị với sóng nước, với nghề nuôi hàu và cả đàn muỗi “tha” được người đi nữa, sáng ra mình dẫn chương để “nguyên trạng” bộ dạng đó luôn. Đây là chương trình “chữa cháy” ấy thế mà rất thành công”, anh Dinh chia sẻ.

Được ra đời từ năm 1948 và thực sự bùng nổ từ những năm 2000. Truyền hình thực tế là thể loại chương trình truyền hình chú trọng vào việc phô bày các tình huống xảy ra không theo kịch bản sản xuất với nội dung mang chất liệu thực tế mà không hư cấu, các nhân vật trung tâm là những người bình thường thay vì diễn viên chuyên nghiệp nhằm thu hút xúc cảm trải nghiệm hoặc tiếng cười.
Có những truyền hình thực tế người trải nghiệm không thành công nhưng cũng mang lại thú vị cho chương trình. Vào năm 2013, ê kíp thực hiện chương trình khám phá đồi Thịt Băm. Khi chinh phục gần 1.000 bậc cấp lên đồi thì MC Quỳnh Hoa kiệt sức không thể tiếp tục đi nữa. Lúc leo đồi cũng là lúc gặp trời mưa nên vắt rất nhiều. Đoàn quyết định dừng cuộc chinh phục và đưa ra lời dẫn như là sự “xin lỗi” với người xem. “Đây là lần đầu tiên cả ê kíp thất bại với một chương trình. Nhưng xét ở góc độ truyền hình thực tế thì chấp nhận được. Cuộc chinh phục dừng ngang thời điểm đó cũng cho khán giả sự tò mò, khám phá về một địa danh lịch sử nổi tiếng”, Quỳnh Hoa tâm sự.

Rồi cũng có trường hợp cười… ra nước mắt khi người quay phim vội vàng chạy theo các nhân vật trải nghiệm quên cả… mũ bảo hiểm. Có lần, đoàn quay tại thị trấn Lăng Cô, trên người các tay máy mặc cả phông áo mang dòng chữ TRT nhưng do vội chạy theo nhân vật trải nghiệm nên không mang mũ bảo hiểm. Nhiều người dân quanh khu vực thấy “chướng mắt” liền lấy điện thoại ra ghi hình lại và “dọa” sẽ mang hình ảnh đó gửi cho lãnh đạo đài. Đoàn phải xin lỗi người dân và quay lại nơi tập kết lấy mũ để tiếp tục thực hiện chương trình. Anh Dinh tâm sự: “Mình sai thì phải xin lỗi. Đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình trong những ngày đầu tham gia chương trình “Huế và những điểm đến”. Nó cho mình những kinh nghiệm cho những lần làm việc sau.”

Bài, ảnh: Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Return to top