ClockChủ Nhật, 28/06/2020 13:45

Đi muôn nơi với Cosplay

TTH - Cosplay (tạm dịch là hóa thân và nhập vai) đang là xu hướng của các bạn trẻ, khi ở Huế mà muốn khoe ảnh check-in nhiều nước trên thế giới.

Sân chơi cho giới trẻ“Biker” - kết nối cộng đồngLàm đẹp livestream

Áo tấc đậm đà bản sắc Việt

Cosplay thế hệ mới

Cosplay là thú chơi biến hóa thành những nhân vật game và truyện tranh của các nước. Tuy nhiên gần đây, với sự cải tiến, cosplay đã có những biến thể. Đinh Thị Mai Anh, cô gái Huế mê cosplay, cho biết: “Cosplay nguyên bản rất phức tạp bởi cosplayer (người chơi cosplay) phải đầy đủ trang phục, phụ kiện đến thần thái. Tuy nhiên, nếu khư khư giữ tiêu chuẩn ấy thì rất khó để theo đuổi vì muốn cosplay, ngoài am hiểu cần phải có thời gian và rất tốn kém”. Vì thế, cosplay cổ trang đang trở thành lựa chọn mới của giới trẻ Huế.

Chung sở thích cosplay, Quỳnh Hoa, cô gái 9X, chia sẻ: “Tạm rời xa quần jeans, áo váy hàng ngày, mình có dịp được là một phiên bản khác, mới mẻ và lạ hơn. Tuy mới phát triển gần đây nhưng nhiều bạn bè của mình cũng mê mẩn với cosplay, biến hóa thành những chàng trai, cô gái khác hẳn dáng vẻ hiện đại ngày nay”.

Đầy đủ các loại trang phục kèm phụ kiện

Thay vì bỏ ra hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để trở thành nhân vật hoạt hình yêu thích, những bạn trẻ Huế lựa chọn cách thuê trang phục để hóa thân. Đáp ứng nhu cầu ấy, dịch vụ cho thuê trang phục cổ trang ra đời. Chị Mai Thị Hồng Hạnh, 3 năm kinh nghiệm trong nghề cho thuê phục trang cosplay, cho biết: “Ban đầu chúng mình chỉ có trang phục Trung Quốc. Sau này, do nhu cầu thay đổi, sản phẩm cũng đa dạng hơn với hàng loạt trang phục của các quốc gia, như kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, chakkri ở Thái Lan, các nước châu Âu, và tất nhiên, không thể thiếu cổ phục của Việt Nam”.

Chị Hạnh cho biết: “Giá thuê trang phục dao động từ 100 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng. Sở dĩ có sự chênh lệch là do chất vải, mức độ cầu kỳ, họa tiết cũng như những đường may tinh tế của trang phục. Đi kèm với nó còn là kiểu trang điểm, cách làm tóc và phục sức bằng những phụ kiện”.

Trang phục Thái Lan

Đang học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường đại học Ngoại ngữ, Mai Anh lựa chọn trang phục Trung Quốc để thỏa đam mê. “Mình muốn hóa thân thành cô gái Trung Quốc xinh đẹp. Là đam mê, đây còn là dấu ấn, khoảnh khắc thanh xuân mà mình tin rất nhiều bạn trẻ cũng muốn lưu giữ”.

Học lịch sử qua cổ phục

Không chỉ dừng lại ở một sở thích, cosplay còn mang thế hệ trẻ vượt thời gian để tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử, văn hóa của quê hương và các quốc gia trên thế giới. Nâng niu từng đường kim mũi chỉ chiếc áo trên tay, chị Hồng Hạnh cho biết: “Hoa văn ở cổ chiếc áo này khi ghép lại sẽ tạo thành một hình chữ nhật ngay trước ngực người mặc, vì vậy, tên của áo là nhật bình. Đây là thường phục của hoàng hậu, công chúa và các phi tần vào thời Nguyễn. Hiện nay, các bạn trẻ đang theo trend (xu thế) cổ phục ở triều đại này”.

Qua MV ca nhạc của ca sĩ Hòa Minzy hay bộ phim cung đấu Phượng Khấu, những nút thắt của lịch sử, triều đại hiện lên rõ nét, hấp dẫn. Ngoài được khoác lên mình những bộ trang phục cung đình, những câu chuyện xoay quanh người mặc, địa vị của trang phục còn giúp người trẻ hiểu hơn về lịch sử nước nhà và tinh hoa trí tuệ của cha ông. Anh Nguyễn Hải Lực, chủ tiệm cosplay cổ trang hoàng cung, cho biết: “Áo tấc, áo nhật bình, ngũ thân hay bất kỳ trang phục nào cũng đều có hoàn cảnh ra đời và những câu chuyện lịch sử xung quanh nó. Mình phải tìm hiểu cặn kẽ để tư vấn cho các bạn mê cosplay, làm sao để có thể hóa thân mà không mất đi cái hồn cốt của bộ trang phục”.

Dù chỉ là phụ kiện, anh Lực phải săn tìm khắp nơi để bộ trang phục đúng chuẩn. Nắm một chiếc mũ của triều đại Joseon (Hàn Quốc) trên tay, anh nói: “Tuy đơn giản nhưng mình phải mua hơn 1 triệu đồng cho chiếc mũ này. Thiếu gat (tên mũ), trang phục như thiếu sức sống. Vì thế, dù là cosplay theo hướng đơn giản, song sự chỉnh chu, chuẩn là không thể thiếu khi các bạn trẻ tiếp cận cổ phục”. Ngoài áo, quần, mấn, khăn, các loại phụ kiện, những đôi hài, hia đều được gia công chỉnh chu và bài bản.

Với nhiều đền đài, lăng tẩm và phong cảnh đẹp, xứ Huế trở thành nơi hội tụ của những bạn trẻ mê cosplay, ở Đại Nội hay các lăng tẩm phù hợp với cổ phục Việt; những hàng cây, bờ hồ lại lao xao với nét yểu điệu của trang phục Trung Hoa. Chùa Thiền Lâm lại là lựa chọn số một cho những cô gái mặc chakkri Thái Lan... Chỉ cần một ít tiền, lòng đam mê và đôi chân không ngại cái nắng hè chói chang của Huế, ai cũng có thể ở Huế để đi muôn phương với vô vàn nét văn hóa khác biệt.

Bài, ảnh: MAI HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương sắc Cố đô

Từ ngày bén duyên với công nghệ ướp hoa tươi thành hoa tươi bất tử, tình yêu hoa của chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) càng được chắp cánh. Ngày đêm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, cô gái trẻ đã sáng tạo ra những sản phẩm hoa tươi bất tử xinh xắn, độc bản từ những cánh đồng hoa.

Hương sắc Cố đô
Đẹp tinh khôi với vòng tay epoxy resin

Đam mê với epoxy resin, không chỉ làm nên những sản phẩm thủ công đẹp mắt, Hoàng Linh, cô gái 9X còn cho ra đời những chiếc vòng tay xinh xắn làm từ hoa lá khô.

Đẹp tinh khôi với vòng tay epoxy resin
Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư pháp phương Tây) dành tâm trí hoàn toàn vào từng nét chữ. Dưới cử động thuần thục của những ngón tay, từng chữ cái với những nét mực uốn lượn thanh tao lần lượt xuất hiện trên trang giấy.

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy
Mai, Đào và cách quản lý khán giả chưa đủ tuổi đến rạp

Những ngày qua, hai bộ phim điện ảnh “Mai” do Trấn Thành làm đạo diễn và “Đào, phở và Piano” là chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất trên các diễn đàn mạng xã hội. Một bên là phim do tư nhân sản xuất, bên khác là do Nhà nước đặt hàng. Điểm chung là hai phim này đều nhận được sự quan tâm của công chúng, khán giả cả nước.

Mai, Đào và cách quản lý khán giả chưa đủ tuổi đến rạp
“Bắt trend” bán hàng

Nhịp sống thời hiện đại hình thành những trào lưu mới mà người bán hàng buộc phải theo trend (trào lưu).

“Bắt trend” bán hàng
Return to top