ClockThứ Bảy, 28/11/2020 06:30

Di sản Huế qua ký họa tranh, nón lá, áo dài

TTH - Với triển lãm “Ký họa di sản Cố đô Huế 2020” đang trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị từ ngày 19 đến 30/11, người xem được thưởng lãm vẻ đẹp của đô thị di sản qua những nét chấm phá của nghệ thuật ký họa trên tranh vẽ, nón lá và áo dài.

Trình diễn Nhã nhạc và múa cung đình trong Ngày Di sản Văn hóa Việt NamThành lập Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế

Nghệ sĩ ký họa phong cảnh Huế

Mong ước quảng bá và tôn vinh giá trị di sản Cố đô Huế, 60 thành viên của nhóm ký họa đô thị Hà Nội khởi hành đến Huế ngay những ngày đầu xuân Canh Tý 2020 để tham gia “Hành trình ký họa Cố đô Huế 2020” cùng nhiều họa sĩ, nghệ sĩ ở Huế, Đà Nẵng. Hình ảnh gần 100 nghệ sĩ, già có, trẻ có ngồi bệt trên những hành lang, sân điện hay trong vườn hoa… say sưa ký họa, như tô điểm thêm vẻ nên thơ của Huế vào những ngày đầu xuân. Suốt 3 ngày, 200 tác phẩm ký họa về các công trình kiến trúc, văn hóa, cảnh quan, con người, ẩm thực Huế… ra đời.

Cảm xúc trước khung cảnh nên thơ, những cảnh đẹp của Huế, như: Đại Nội, Ngọ Môn, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, chợ Đông Ba, đàn Nam Giao, cầu Trường Tiền, mưa Huế… được các kiến trúc sư, họa sĩ, nghệ sĩ chấm phá, thể hiện sống động, tinh tế. 150 tác phẩm ký họa sau hành trình này đang được trưng bày trong triển lãm “Ký họa di sản Cố đô Huế 2020” tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị là điểm nhấn tôn vinh và lưu giữ vẻ đẹp của đô thị, di sản Huế.

Bằng cảm nhận và phong cách sáng tác riêng, nhiều tác phẩm ký họa đã vượt qua việc ghi chép công trình di sản đơn thuần mà trở nên sống động, tinh tế qua nét chấm phá, chắt lọc của nghệ thuật ký họa, khiến người xem ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những công trình, di sản quen thuộc.

KTS. Trần Thị Thanh Thủy, giảng viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Trưởng nhóm ký họa đô thị Hà Nội bộc bạch: “Huế luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ. Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, công trình kiến trúc cổ kính và con người hòa nhã, thân thiện như hòa quyện tạo nên những bức tranh yên bình, sâu lắng và lãng mạn. Nhóm ký họa đô thị Hà Nội gồm những họa sĩ chuyên và không chuyên đủ các lứa tuổi, ngành nghề… muốn thể hiện tình yêu của mình với Huế bằng ngôn ngữ ký họa”. 

Ký họa lăng Khải Định của Trần Thị Thanh Thủy

Vẻ trầm mặc, hoài niệm, cổ kính, lắng sâu của Huế ăn sâu trong tim các nghệ sĩ, cứ thế trào dâng theo dòng cảm xúc, qua nét vẽ, sắc màu. Từng góc phố nhỏ của Huế, của Kinh thành, chùa chiền, lăng tẩm… hiện lên sống động qua những góc nhìn, cảm xúc khác nhau về Huế. Có nét ngây thơ trong sáng của con trẻ, có nét hoài niệm của chị nhà văn, cô giáo, cả nét mạnh mẽ của kiến trúc sư, nhà báo… Nhiều tác phẩm được thể hiện khá chính xác, bố cục đẹp, kỹ thuật, chất liệu và bút pháp phong phú, ghi lại cảm xúc trung thực của tác giả, giúp người xem hiểu hơn về di sản và những giá trị văn hóa, lịch sử.

Chỉ một trang giấy hay quyển sổ nhỏ và cây bút, màu nước, những người yêu thích ký họa có thể đứng ở bất kỳ góc phố nào, thời gian nào để ghi chép  những gì diễn ra xung quanh cuộc sống. Trước sự biến đổi của đô thị, việc ghi chép bằng ký họa giúp lưu giữ lại những hình ảnh kiến trúc, đời sống văn hóa. “Chúng tôi lưu lại cảm xúc thông qua các tác phẩm ký họa để những công trình, danh lam thắng cảnh trở thành ký ức đẹp, hình ảnh đẹp ở những nơi chúng tôi đi qua. Tác phẩm ký họa dễ hiểu, ai cũng có thể tiếp cận nên sức truyền cảm dễ lan tỏa”, KTS. Trần Thị Thanh Thủy chia sẻ.

Trong triển lãm này, vẻ đẹp của Huế không chỉ thể hiện qua những bức tranh vẽ mà còn trên postcard, những tà áo dài thướt tha, chiếc nón lá duyên dáng… qua hoạt động ký họa trên nón lá, áo dài. Một số tác phẩm ký họa được nhà thiết kế Viết Bảo đưa vào trang trí họa tiết áo dài trong bộ sưu tập “Áo dài với hội họa Huế”.

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cho hay: “Ký họa di sản Cố đô Huế 2020” là hành trình nghệ thuật nhằm góp phần bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế thông qua hoạt động ký họa, trình diễn áo dài, trao tặng và bán đấu giá tranh, áo dài để ủng hộ cho đồng bào bị thiệt hại do thiên tai… tạo ra một không gian gặp gỡ giữa những người yêu nghệ thuật, trân trọng và ứng xử tốt với di sản. Mỗi tác phẩm ký họa là một ký ức đẹp về di sản của mảnh đất Kinh kỳ, từ đó góp phần lan tỏa thông điệp cùng nhau giữ gìn, bảo vệ và tôn vinh giá trị di sản văn hóa vùng đất Cố đô.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng
Trồng 500 cây xanh bản địa, cây đặc thù ở lăng Vua Gia Long

Sáng 22/2, tại lăng hoàng đế Gia Long, xã Hương Thọ, thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024. Tham dự, có lãnh đạo Tp. Huế và các sở ngành, chính quyền địa phương cùng đông đảo cán bộ, nhân viên của đơn vị.

Trồng 500 cây xanh bản địa, cây đặc thù ở lăng Vua Gia Long
Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ

Phòng tranh con giáp do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và họa sĩ Đặng Mậu Tựu thực hiện đã đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật những góc nhìn thú vị về rồng - loài linh vật trong truyền thuyết.

Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ

TIN MỚI

Return to top