ClockThứ Ba, 04/04/2017 05:41

Di sản văn hóa vùng Đất Tổ: Trường tồn với thời gian

TTH - Phú Thọ miền đất cội nguồn - nơi có “Khí thiêng sông núi, vạn vật quy hồi”, đồng thời cũng là cội nguồn của văn hoá, văn minh.

Ngay từ buổi bình minh của lịch sử, với vị trí địa lý và các điều kiện tự nhiên thuận lợi của vùng đất “tụ thủy”- điểm  hợp lưu của 3 dòng sông lớn (sông Hồng, sông Đà, sông Lô ) tạo thành vùng ngã ba sông màu mỡ - đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng phì nhiêu, xung quanh có núi đồi bao bọc tạo nên thế đất “Sơn chầu, thủy tụ“ thu hút các tộc ngư­ời Việt cổ về tụ cư­ sinh sống cùng nhau tồn tại, khai phá thiên nhiên, dần dần hình thành và lập nên Nhà nước Văn Lang – hình thức nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc - Nước Văn Lang và thời đại Hùng Vương. Truyền thuyết và thư tịch cổ còn lưu lại khá nhiều về sự tích  “Vua Hùng chọn đất đóng Đô” trên miền đất cổ này.

Lễ hội dân gian có ý nghĩa rất quan trọng với cư dân Phú Thọ

Từ nhiều đời nay, các thế hệ người dân Việt Nam luôn hướng đến một điểm tựa tâm linh. Điểm tựa đó trở thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chung của dân tộc: thờ tự Vua Hùng. Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc Việt Nam, Phú Thọ luôn được coi là cái nôi của nền văn hóa cổ truyền với hệ thống di sản vô cùng phong phú và đa dạng. Trải qua bao thăng trầm, ngày nay, các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc xã Hy Cương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là nơi tiến hành tín ngưỡng truyền thống độc đáo đó. Núi Hùng cao nhất trong các ngọn núi ở nơi đây, tạo nên vùng đất thiêng “tam sơn cấm địa”. Lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 10/3 âm lịch. Sự ra đời và tồn tại lâu đời của truyền thuyết Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng cùng tín ngưỡng giỗ tổ là sự khẳng định niềm tin cùng truyền thống dựng nước và giữ nước muôn đời của dân tộc Việt Nam. Đây là lễ hội mang tính chất tâm linh lớn nhất. Con cháu trên khắp mọi miền Tổ quốc trở về với lòng thành kính dâng lên tổ tiên lòng biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng. Tín ngưỡng này xuất phát từ đạo lý và truyền thống của dân tộc: lòng yêu nước, kiên cường bất khuất hướng về cội nguồn. Lễ hội Đền Hùng đã tái hiện một phần nào đó trong truyền thuyết về thời đại Hùng Vương, trở thành động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam. Đền Hùng luôn được coi là trung tâm văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa cho đến nay.

GS Tô Ngọc Thanh- Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng: “Không gian của di sản phải được xây dựng và giữ gìn bởi chính người dân. Nhưng cuộc sống hiện đại khiến những điều đó không còn được ý thức trong cộng đồng. Phải làm sao để người dân thấy văn hoá, di sản văn hoá của cha ông là thiết thực, cần bảo vệ, giữ gìn và phát triển”.

Hiện nay, số lượng di tích ở Phú Thọ được xếp hạng là cơ sở để bảo tồn không gian văn hóa, gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể. Trong đó, hệ thống các di tích khảo cổ cũng là một trong những điểm nhấn trong hệ thống di sản của miền đất Tổ với khoảng 200 di tích khảo cổ học thuộc các giai đoạn văn hóa từ thời kỳ đồ đã cũ (văn hóa Sơn Vi cách ngày nay 30.000 đến 10.000 năm) tới thời kỳ đồng thau sắt sớm, tương ứng với sự ra đời của Nhà nước Văn Lang: văn hóa Phùng Nguyên (cách ngày nay 4.000 đến 3.500 năm), văn hóa Đồng Đậu (cách ngày nay 3.000 đến 3.500 năm), văn hóa Gò Mun (cách ngày nay 3.000 đến 2.300 năm), văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay 2.000 đến 2.700 năm). Các di tích khảo cổ trên phản ánh quá trình phát triển của người Việt cổ từ thời kỳ dựng nước, đồng thời hệ thống các di tích khảo cổ trên là minh chứng cho sự tồn tại của Nhà nước Văn Lang - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của người Việt cổ.

Hệ thống di sản văn hoá vật thể như các di tích, đình, chùa, đền, miếu và các di tích khảo cổ học chính là những không gian văn hóa quan trọng cho sự trường tồn của các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, hèm tục, dân ca, truyện kể, thơ ca dân gian, mỹ thuật, nghề thủ công truyền thống, y học dân gian, ẩm thực...mang đậm sắc thái văn hóa cổ truyền. Trong đó, hệ thống các lễ hội dân gian là giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đậm nét, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân miền Đất Tổ từ nhiều đời nay. Theo thống kê của Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch, hiện nay Phú Thọ có gần 370 lễ hội, trong đó có hơn 230 lễ hội dân gian, một lễ hội quy mô cấp quốc gia. Đặc biệt có nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, độc đáo như: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, Hội Trò Trám Tứ Xã, Hội Phết Hiền Quan, Hội Bơi chải Bạch Hạc, Hội Xoan Kim Đức - Phượng Lâu, Hội Rước voi Đào Xá, Hội giã bánh giầy Mộ Chu Hạ…Bên cạnh đó, Phú Thọ còn có các loại hình di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng như: Dân ca Xoan, Ghẹo, Trống quân, Ví ống, Trình nghề, Chàm thau, Đâm đuống, Múa Tùng dí, múa Mỡi, múa Chuông, múa chim Gâu xúc tép... của đồng bào các dân tộc, truyện kể dân gian như truyền thuyết Hùng Vương, truyện cười Văn Lang.

Nh­ư vậy có thể thấy: Hệ thống các di tích khảo cổ, di tích lịch sử văn hoá, di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Phú Thọ đều được phân bố xung quanh khu di tích lịch sử Đền Hùng và vùng phụ cận đã tạo nên một không gian văn hóa đặc trưng mang đậm tính cội nguồn “Không gian văn hoá Hùng Vương” và “Không gian văn hóa Hùng Vương” ấy chứa đựng trong lòng nó cả một kho tàng di sản văn hoá vô giá của dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Phú Thọ là địa phương đã và đang sở hữu hệ thống di sản phong phú và đa dạng. Hệ thống di sản trên địa bàn tỉnh không chỉ là tài sản vô giá, là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung, khẳng định sự trường tồn của không gian văn hóa di sản.

Gia Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ tịch nước dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương

Sáng 10/4 (tức mùng 10 tháng 3 âm lịch), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Phú Thọ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Chủ tịch nước dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương
Giỗ Tổ Hùng Vương, gắn kết trái tim người Việt

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mãi mãi là biểu tượng của tinh thần dân tộc, cội nguồn sức mạnh, là cầu nối hữu hình cho niềm tin, niềm tự hào của người Việt về quá khứ hào hùng và hướng đến tương lai.

Giỗ Tổ Hùng Vương, gắn kết trái tim người Việt
GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG 2021
Lời Bác vang vọng núi sông

Về thăm Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), đến Bảo tàng Hùng Vương, dừng chân nơi bậc thềm Đền Giếng hay ngồi dưới bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với bộ đội, những hình ảnh và lời dạy của Người tại Đền Hùng vẫn còn vang vọng núi sông.

Lời Bác vang vọng núi sông
Return to top