ClockChủ Nhật, 17/01/2021 06:45

Di sản vào học đường: Nuôi dưỡng niềm tự hào

TTH - Theo chương trình hợp tác đưa di sản vào học đường giữa Sở Giáo dục & Đào tạo và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các em học sinh được tham quan, trải nghiệm, tiếp cận với các giá trị di sản văn hóa. Hiểu rõ hơn văn hóa, lịch sử quê hương là cách để các em nuôi dưỡng niềm tự hào về truyền thống, có ý thức bảo vệ, giữ gìn văn hóa di sản.

Đưa ca Huế vào học đường: Sự chuẩn bị cho tương laiTọa đàm về Di sản văn hóa làng Nguyệt Biều và Hương Cần

Tham quan, tìm hiểu di sản Cố đô Huế

Trải nghiệm di sản

Về Huế học tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 năm ngoái, A Vô Chun, học sinh lớp 10 được cùng bạn bè đi tham quan Đại Nội. Chiêm ngưỡng những công trình cung điện, đền đài, A Vô Chun luôn trầm trồ trước vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc cung điện đặc sắc. Vẻ uy nghiêm của Điện Thái Hòa, biểu trưng quyền lực của Hoàng triều nhà Nguyễn hay vẻ xưa cũ của cung Diên Thọ, cung Trường Sanh… cuốn hút bước chân em khám phá hoàng cung.

Chuyến trải nghiệm của cậu học sinh miền núi càng thêm hấp dẫn khi em được nghe cô thuyết minh viên kể những câu chuyện lịch sử về các vị vua, về nội cung triều Nguyễn. A Vô Chun chia sẻ: “Đây là lần thứ hai em được đến Đại Nội, nhưng lần trước chỉ đơn thuần là tham quan, lần này em được nghe giới thiệu chi tiết về lịch sử xây dựng Hoàng thành, lịch sử các vị vua triều Nguyễn, những chi tiết về Hiển Lâm Các, Cửu đỉnh… rất thú vị và hấp dẫn. Trải nghiệm này giúp em hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, kiến trúc cung đình triều Nguyễn để lại”.

Hôm ấy, Đại Nội thâm nghiêm im ắng sau thời gian dài vắng khách bởi dịch bệnh, thiên tai rộn ràng hẳn lên khi đón hơn 500 học sinh đến từ các trường: THCS Huỳnh Thúc Kháng, THCS Nguyễn Chí Diểu, THPT Đặng Trần Côn, THPT Dân tộc Nội trú… Với nhiều em học sinh, đây là lần đầu tiên được tìm hiểu di sản quê hương sâu đến vậy nên ai cũng tỏ ra hào hứng. Trong không gian thiên nhiên đẹp hài hòa của những hồ nước, vườn hoa, cây cối xanh tươi tỏa bóng mát, các em háo hức tham gia các trò chơi cung đình: Bài vụ, thả thơ, đổ xăm hường, đầu hồ… Không gian cung cấm rộn vang tiếng cười trẻ thơ.

Trải nghiệm các trò chơi cung đình

Tại Nhà hát Duyệt Thị Đường sang trọng và cổ kính, các em được thưởng thức Nhã nhạc, múa hát cung đình, tương tác, trò chuyện với các nghệ nhân, nghệ sĩ về cách thể hiện các bài bản Nhã Nhạc và làm quen một số nhạc cụ. Những tiết mục: hòa tấu đại nhạc “Song tấu trống kèn”, bản tiểu nhạc “Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ”, điệu múa “Lục cúng hoa đăng”… đưa các em trải qua những cung bậc cảm xúc trong tiếng trống, kèn rộn ràng, dồn dập, trong âm thanh dìu dặt của đàn tỳ bà, đàn nhị và nhịp phách tiền.

Theo cô giáo Phạm Thị Thu Thảo, giáo viên Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, những tiết học ngoại khóa theo hình thức trải nghiệm này mở rộng tầm hiểu biết cho các em học sinh. Từ đó, giúp các em hiểu biết, tự hào với vùng đất mình sinh ra và lớn lên bằng những kiến thức về văn hóa, lịch sử, để thêm yêu di sản văn hóa, tự hào về truyền thống của dân tộc và có ý thức hơn trong bảo vệ, giữ gìn di sản mà các thế hệ cha ông đã để lại. Từ các thế hệ này sẽ hình thành nên những lớp người đóng góp cho di sản trong tương lai.

Trải nghiệm các trò chơi cung đình

Hình thành thế hệ bảo tồn di sản trong tương lai

Chương trình hợp tác giáo dục di sản văn hóa Huế tại các trường học trên địa bàn tỉnh giữa Sở Giáo dục & Đào tạo và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được ký kết cuối năm 2019. Hai đơn vị đã xây dựng chương trình tìm hiểu, khám phá, tương tác các loại hình di sản phù hợp với học sinh các cấp: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; phối hợp biên soạn tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa Huế dùng cho học sinh, xây dựng các chuyên đề học tập lịch sử tại khu di sản, tổ chức các cuộc thi học sinh tìm hiểu di sản văn hóa Huế.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, việc phối hợp đưa chương trình giáo dục di sản vào trường học giúp học sinh được tiếp cận và hiểu được những giá trị di sản vật thể, phi vật thể cha ông để lại, giáo dục học sinh hiểu rõ lịch sử địa phương mình. Từ ý thức về giá trị di sản sẽ hình thành nên tình yêu với di sản, sự hiểu biết và ý thức quý trọng khi tiếp cận với những giá trị truyền thống.

Nhiều năm qua, ngành giáo dục cũng rất nỗ lực trong việc đưa di sản vào học đường thông qua việc tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm ở các trường học. Sử dụng di sản văn hóa để dạy học mang lại những kết quả tích cực; vừa giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, để các em chủ động khám phá, tìm hiểu về di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm, góp phần hoàn thiện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, tìm hiểu; vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với di sản văn hóa.

Theo ông Hải Trung, chương trình hợp tác giữa Sở Giáo dục & Đào tạo và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được ký kết trong 5 năm nhưng đây là hoạt động cần được duy trì thường xuyên và liên tục.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo

Từ ngày 5/3 đến 15/3 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, Phú Vang kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các trường học có bán trú thuộc 25 xã nghèo.

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Đu tiên Phú Gia trở lại

Một ngày cuối tháng Hai vừa qua, người dân làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã đổ về sân Nhà văn hóa cùng tham gia lễ phục dựng trò chơi Đu Tiên và các trò chơi dân gian. Nhìn những ánh mắt rạng ngời dõi theo những vòng đu quay, mới nhận ra trong lòng họ đang ngập tràn hạnh phúc, bởi sau 25 năm, giờ trò đu tiên mới được phục dựng trên mảnh đất quê hương.

Đu tiên Phú Gia trở lại
Return to top