ClockThứ Tư, 01/06/2016 05:51

Di tích lăng mộ Thái Phiên-Trần Cao Vân bị xâm phạm nghiêm trọng

TTH - Lăng mộ Thái Phiên – Trần Cao Vân, di tích lịch sử xếp hạng cấp quốc gia nằm trong khu nghĩa địa thuộc phường Thủy Xuân, TP. Huế đang bị nhiều lăng mộ bề thế mới xây dựng quanh đó lấn chiếm.

Nhiều lăng mộ, trong đó có các lăng mộ xây trái phép chưa chôn cất vây quanh, xâm phạm nghiêm trọng di tích lịch sử quốc gia Khu lăng mộ Thái Phiên – Trần Cao Vân (nằm giữa, có tòa tháp).

Nghiêm cấm vẫn xây

Từ đường Lê Ngô Cát, qua khỏi UBND phường Thủy Xuân, rẽ hướng vào chùa Châu Lâm khoảng 300m thì đến nơi chôn cất hai vị thủ lĩnh khởi nghĩa Duy Tân 1916 là Thái Phiên – Trần Cao Vân. Di tích lịch sử được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia vào năm 1990 này đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Mặc dù là di tích quốc gia, nhưng chưa được cắm mốc, không có hệ thống tường rào bảo vệ. Đặc biệt, gần đây nhiều lăng mộ tư gia được xây dựng dày đặc, vây quanh di tích.

Hai thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Duy Tân
Thái Phiên (1882 - 1916) quê làng Nghi An, xã Hòa Phát, Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Trần Cao Vân (1866 - 1916) sinh tại làng Tư Phú, tổng Ða Hoà, phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Tư Phú, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn). Hai ông có công lớn trong việc khởi xướng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân chống lại thực dân Pháp năm 1916.
Cuộc khởi nghĩa không thành, cả hai ông bị bắt, xử chém tại cống Chém (An Hòa, TP. Huế) ngày 17/5/1916 và được chôn cùng một hố. Năm 1925, bà Trương Thị Dương (người làng Hà Đồ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền) là đồng chí của hai ông trong Việt Nam Quang Phục Hội, đã bí mật đưa hài cốt hai ông từ An Hòa về chôn chung một mộ tại đồi thông gần chùa Từ Hiếu (trên đường lên lăng Tự Ðức) thuộc xã Thủy Xuân, TP. Huế bây giờ.

Ghi nhận tại hiện trường vào chiều 24/5, chúng tôi thấy hai ngôi mộ bề thế vừa mới xây trên phần đất của di tích, một trong hai ngôi mộ này đã án ngữ ngay phía trước di tích lăng mộ hai nhà yêu nước. Cả hai ngôi mộ này chỉ là mộ gió xây sẵn, chờ an táng. Quanh đó, nhiều ngôi mộ tương tự nhưng nhỏ hơn cũng vừa được xây xong, dù phía đầu đường dẫn vào nghĩa địa có một tấm bảng thông báo khu vực đất quy hoạch, nghiêm cấm việc chôn cất xây dựng mồ mả do UBND phường Thủy Xuân dựng lên. Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát và phát hiện ra các công trình lăng mộ xây trái phép này.

Sẽ buộc tháo dỡ

Ngày 15/5, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày diễn ra cuộc khởi nghĩa Duy Tân (1916-2016), nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đã đến dâng hoa, viếng hương lăng mộ Thái Phiên – Trần Cao Vân và khá bất ngờ, bức xúc với cảnh tượng xâm phạm di tích này. PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh cho rằng, các lăng mộ vừa mới xây xong đã xâm phạm khu vực 1 của di tích. “Chúng tôi đã đề nghị với các cơ quan chức năng phải tháo dỡ để trả lại cảnh quan cho di tích cấp quốc gia có ý nghĩa lịch sử quan trọng này.  Bên cạnh đó, tiến hành xác lập phần di tích, không để tình trạng xâm phạm tái diễn”, PGS.TS Đỗ Bang nói.

Theo ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử - Cách mạng tỉnh, di tích này được bàn giao cho UBND TP. Huế quản lý từ năm 2006. Việc đo đạc, cắm mốc hiện trường cũng như xây dựng tường rào bảo vệ thuộc trách nhiệm của UBND TP. Huế.

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh việc này đã chỉ đạo UBND phường Thủy Xuân lập biên bản, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, mời những hộ dân là chủ các ngôi mộ xây dựng trái phép quanh di tích lịch sử quốc gia lăng mộ Thái Phiên – Trần Cao Vân lên để làm việc, tìm hướng xử lý. Ông Thạnh cho hay, do các ngôi mộ chỉ mới xây, chưa chôn cất nên đề nghị các hộ dân tự tháo dỡ. “Trường hợp những hộ này không tự tháo dỡ chúng tôi sẽ tổ chức cưỡng chế để trả mặt bằng nguyên trạng di tích”, ông Thạnh nhấn mạnh.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

TIN MỚI

Return to top