ClockThứ Năm, 09/09/2010 09:37

Di tích “sống”

TTH - Mới đây, một tổ chức của Hàn Quốc đã giúp Huế phục dựng các trận đấu voi - hổ từng diễn ra tại đấu trường - di tích Hổ Quyền bằng phim công nghệ 3D. Bộ phim đã được công chiếu lần đầu tại Đại Nội dịp Festival Huế 2010. Xem xong phim, một du khách buột miệng: Tại sao các ông không cho phục hồi lại di tích Hổ Quyền đang hư hại, tái diễn luôn tại đây các trận đấu voi-hổ thật. Lúc ấy, du khách sẽ ùn ùn kéo về Huế…
Thưởng trà cung đình trong Đêm hoàng cung - ảnh HP

Dĩ nhiên, ý tưởng ấy là điều không tưởng. Bởi dù đánh trúng tâm lý hiếu kỳ của nhiều người, nhưng dù sao, đó là thú tiêu khiển thiếu nhân văn. Chưa kể, voi và hổ lại là động vật quí thuộc đối tượng bảo tồn. Nhưng ý nghĩ này lại nảy ra những suy nghĩ khác. Đó là tại sao chúng ta cứ phải duy trì di tích trong tình trạng tĩnh? Thỉnh thoảng, bên lề cuộc sống, chúng tôi thường nghe những ý kiến, đại loại như tại sao Huế không tái hiện cảnh học hành, thi cử ngày xưa trong không gian, kiến trúc Quốc Tử Giám triều Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn ở Đại Nội?

Ngoài cung điện, lăng tẩm, Hoàng cung triều Nguyễn từng tồn tại nhiều ngành nghề thủ công như sản xuất ngói lưu ly, chế tác pháp lam….Và những công nghệ xa xưa này cũng đã được tái phục ở Huế nhưng là để phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di tích. Ngoài mục đích này, tại sao chúng ta không đầu tư, tổ chức lại các xưởng sản xuất chốn hoàng cung để thu hút, phục vụ khách tham quan, bán hàng lưu niệm? Hay những nghề khác như nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh cho hay, ở Huế, vẫn còn dấu tích của nghề may hài dưới triều Nguyễn.


Các nghệ nhân ca Huế biểu diễn tại Cung Diên Thọ trong chương trình Âm sắc Việt - ảnh HP

Những người làm du lịch cho rằng, nếu không có cái mới, sau hàng chục năm khai thác, sức hấp dẫn của quần thể di tích Cố đô Huế, sẽ bảo hòa nhu cầu tham quan. Do đó, việc nghiên cứu, tái hiện sinh hoạt như thế nào để thổi hồn vào quần thể di tích Cố đô Huế, vừa bảo đảm yêu cầu bảo tồn, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển đang là vấn đề đặt ra, dù biết đây là lĩnh vực vô cùng nhạy cảm. Nhạy cảm đến mức, mới đây, bộ phim lịch sử Thái sư Lý Công Uẩn được chọn quay vài cảnh tại di tích lăng Minh Mạng, lập tức công luận có ý kiến. Trước đó, việc tỉnh quyết định mượn Điện Thái Hòa làm nơi yết kiến các nhà đầu tư, ban đầu cũng có nhiều người cho rằng như thế là làm mất tính trang nghiêm của di tích.
 
Có lẽ, để ngành kinh tế du lịch thực sự “nhọn”, thực sự là nguồn sống hàng đầu của Thừa Thiên Huế, đây là một vấn đề cần giải mã, giữa việc di tích nào là bất khả xâm phạm, di tích nào cần làm sống lại, trong mối tương hỗ: vừa bảo tồn được giá trị di sản, vừa tạo được nguồn thu một cách bền vững.
 
                                                                                          Tiểu Muội
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top