Thể thao

Đi tìm “đại gia” xứ Huế

ClockThứ Bảy, 28/12/2013 20:35
TTH - Đội bóng Huế trở lại hạng Nhất. Niềm vui vừa mới ló dạng mà bao nỗi lo đã ập tới. Khác với thời bao cấp xưa, bây giờ bóng đá chỉ có tài là chưa đủ mà phải có tiền, có nhà tài trợ, có mạnh thường quân, có ông chủ là một “đại gia” mới có thể trụ vững và vươn xa được. Bóng đá Huế đang đi tìm và cả vùng đất Thừa Thiên Huế cũng đang rất cần.

Câu chuyện về bóng đá hóa ra lại liên quan mật thiết đến doanh nghiệp, doanh nhân và khiến tôi nhớ tới một thống kê mới đây. Mười tháng đầu năm 2013, Thừa Thiên Huế có 576 doanh nghiệp với tổng vốn 1.493 tỷ đồng đăng ký gia nhập thị trường. Một con số không nhỏ. Đáng nói là tầm vóc của các doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế còn quá khiêm tốn. Cũng trong 10 tháng đầu năm 2013, 5 doanh nghiệp Thừa Thiên Huế đầu bảng đóng góp cho ngân sách Nhà nước 1.147 tỷ đồng, gồm Công ty Bia Huế, Công ty Xi măng Luks, Công ty CP Dệt may Huế, Công ty Sợi Phú Nam, Nhà máy thủy điện A Lưới, Công ty CP Thủy điện miền Trung. Thế nhưng chỉ riêng Công ty Bia Huế đã đóng góp tới 1.046 tỷ đồng. Phần còn lại do thế chỉ là con số lẻ.

Hồ Hùng Anh, một trong Top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Internet

Công ty Bia Huế được xem là doanh nghiệp duy nhất ở Huế có khả năng đầu tư hàng chục tỷ đồng cho bóng đá. Một thời, người ta đã cố se duyên cho đội bóng Huế với Công ty Bia Huế để tạo nên cái thương hiệu nghe thật gần gũi: Huda Huế. Không nghi ngờ, Công ty Bia Huế với mức nộp hàng ngàn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước là doanh nghiệp hàng đầu của miền Trung và của cả nước. Vậy nhưng, đó là một liên doanh với ông chủ là người Đan Mạch. Ban đầu còn cả nể, nhưng rồi sau khi đã thâu tóm cả 100% vốn thì Công ty Bia Huế thôi ngay, chỉ còn hỗ trợ cho bóng đá theo kiểu gọi là “cho có”. Cũng đơn giản, là tập đoàn quốc tế, họ có tiêu chí và truyền thống tiếp cận riêng biệt, trong đó không có chỗ cho trái bóng tròn.

Đi tìm những đại gia xứ Huế, tôi phát hiện trong top 200 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán 2013 xuất hiện hai doanh nhân quê ở Thừa Thiên Huế. Một là ông Hồ Hùng Anh xếp hạng thứ 9. Ông Anh là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ Thương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ Thương, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Ma San, Thành viên HĐQT CTCP HTD Masan - Masan Consumer. Hiện, gia đình ông Hồ Hùng Anh sở hữu 10% cổ phần Masan Corp, 2,3% cổ phần Masan Group và 5,5% cổ phần Techcombank. Một người khác nữa là bà Ngô Thị Thông, xếp ở vị trí thứ 87, chuyên kinh doanh công nghệ phần cứng, hiện Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc CTCP Ngô Han.

Cách nay không lâu, Nhà Xuất bản Thuận Hóa đã cho ấn hành cuốn tự truyện “Gian truân chỉ là thử thách” của một doanh nhân đang rất thành đạt tại Úc là ông Hồ Văn Trung, một người sinh ra và lớn lên tại làng La Khê, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà. Chịu cảnh mồ côi cha ngay từ lúc lọt lòng mẹ, trải qua những tháng ngày trong sự nghiệp đèn sách, để rồi cuối cùng nơi xứ người xa xôi, ông Trung đã tự kiến tạo cho mình một gia đình hạnh phúc cùng một sự nghiệp vững vàng và bề thế. Hiện tại, ông Hồ Ngọc Trung đã là chủ của tập đoàn đa quốc gia TrangsGroup có trụ sở và chi nhánh khắp nơi trên thế giới như: Úc, Mỹ, Anh, Việt Nam…

Tôi đã lục tìm để rồi tìm ra sự đấu nối giữa cái tên của những đại gia như Hồ Hùng Anh hay Ngô Thị Thông với quê hương Thừa Thiên Huế. Họ là những người con quê hương đã đi xa, như Hồ Hùng Anh chẳng hạn là một doanh nhân sinh ở Hà Nội và quê hương Thừa Thiên Huế chỉ là lời khai trong hồ sơ lý lịch. Gần gũi hơn, đại gia Hồ Ngọc Trung vẫn còn lưu lại rất nhiều những ký ức về Huế yêu thương, nhưng nó gắn bó nhiều hơn với hoài niệm về những tháng ngày nghèo khổ và khó khăn. Vẫn chưa tìm thấy ở đây một sự gắn kết kinh doanh làm ăn hiện tại giữa những đại gia gốc Thừa Thiên Huế trong các dự án làm ăn ở quê hương.

Từ Bình Định, Đoàn Nguyên Đức đã lặn lội lên Tây Nguyên, chọn Gia Lai làm nơi lập nghiệp. Mấy chục năm về trước, cùng chung số phận với Đoàn Nguyên Đức, Gia Lai cũng là một vùng đất nghèo. Dưới con mắt tinh đời, Đoàn Nguyên Đức đã nhìn thấy ở vùng đất cao nguyên với những tiềm năng chưa được khai thác là những cơ hội làm ăn và hơn thế, để làm giàu. Đằng sau ông chủ Đoàn Nguyên Đức, người giàu đứng thứ hai ở Việt Nam, với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đội bóng đá Gia Lai và cả Học viện bóng đá mang tên HAGL Asenal, có bóng dáng của vùng đất Gia Lai, nơi được xem là quê hương thứ hai của gã giàu này.

Bao giờ mới có cho Thừa Thiên Huế một kẻ lạ như Đoàn Nguyên Đức, cũng như lúc nào những đại gia như Hồ Hùng Anh hay Hồ Văn Trung mới chạnh nghĩ để hướng về tìm cách làm ăn ở nơi quê cha đất tổ, câu trả lời vẫn ở phía trước. Nó không chỉ là vấn đề làm ăn kinh tế mà còn bao hàm cả nhiều lĩnh vực quan trọng khác nữa, như bóng đá chẳng hạn là một ví dụ. Và với ý nghĩa đó, tôi nghĩ, Thừa Thiên Huế đang tìm cho riêng mình những “đại gia” để hội nhập và phát triển.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

233 VĐV tranh tài Giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m

Giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m năm 2024 do Tổng cục Thể dục - Thể thao, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tổ chức, chính thức được khởi tranh ngày 28/3, tại bể bơi Trung tâm Thể thao tỉnh.

233 VĐV tranh tài Giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m
Nội dung vật tự do nữ của Thừa Thiên Huế đứng thứ nhất toàn đoàn

Sau một tuần tranh tài sôi nổi, Giải vô địch các Câu lạc bộ Vật tự do, Vật cổ điển quốc gia năm 2024 được tổ chức tại Khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã khép lại. Kết thúc nội dung vật tự do nữ, đoàn Thừa Thiên Huế đã xuất sắc vượt lên xếp thứ nhất toàn đoàn.

Nội dung vật tự do nữ của Thừa Thiên Huế đứng thứ nhất toàn đoàn
Return to top