ClockThứ Hai, 22/02/2021 08:19

Địa chỉ tốt của giáo dục mầm non Phong Điền

TTH - Thuộc “vùng sâu” của Phong Điền, nhưng Trường mầm non Phong Xuân là một địa chỉ tốt với nhiều hoạt động được ngành giáo dục mầm non Phong Điền nhân rộng.

Chính sách phát triển giáo dục mầm non từ 1/11/2020Vui cùng giáo dục mầm non A LướiNgày hội giáo dục về bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non

Các cháu vui chơi tại sân chơi ngoài trời của Trường mầm non Phong Xuân

Trường hiện có 6 lớp tại trụ sở chính ở thôn Tân Lập, 4 lớp ở cơ sở lẻ Hiền An, tất cả đều tổ chức bán trú. Ở cả hai cơ sở, trẻ được phân theo cùng độ tuổi nên rất thuận lợi trong việc thực hiện chương trình mầm non.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phong Điền cho biết, Trường mầm non Phong Xuân là một trong những địa chỉ giáo dục tốt nhất của huyện. Các cô ở đây có tinh thần làm việc cao, lại thích sáng tạo… nên trường luôn hưởng ứng hiệu quả các cuộc vận động, các chương trình, phong trào mới, từ đó có nhiều giáo viên dạy giỏi.

Những cô giáo ở Trường mầm non Phong Xuân đa phần còn trẻ, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn họ còn là những “nhà tham mưu” tốt cho chính quyền trong việc đầu tư nâng cấp CSVC, tăng cường trang thiết bị. Nhiệt tình trong các phong trào văn hoá văn nghệ của địa phương, đặc biệt, trong công tác xã hội hoá giáo dục, họ tận dụng các mối quan tâm của xã hội để xây dựng môi trường học tập của các cháu tốt nhất. Hiện, trường đã đạt chuẩn mức độ I, đang phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn mức độ II. 

Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường được Phòng GD&ĐT Phong Điền chọn làm đơn vị điểm mô hình xây dựng chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. Chương trình này cho phép trường tổ chức các hoạt động “lấy trẻ làm trung tâm” mà thực chất là tạo cho trẻ sự tự tin, mạnh dạn có kỹ năng, nề nếp, trẻ được trải nghiệm trong các hoạt động học tập và vui chơi, nhưng cũng đòi hỏi phải có CSVC tốt.

Theo cô Hạnh, người dân ở đây còn nghèo, công tác xã hội hoá giáo dục gặp nhiều khó khăn, nhưng các cô đã tìm cách khắc phục và biến thành lợi thế trong việc huy động. Trường phối hợp với cha mẹ các cháu cải tạo, quy hoạch, bố trí tận dụng tất cả không gian trong và ngoài lớp theo hướng xanh, sạch thông thoáng và gần gũi thiên nhiên. Phòng học được bố trí góc học, góc chơi hợp lý, cô và phụ huynh đã làm thêm nhiều đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học.

Do địa bàn rộng nên trường có cơ sở lẻ, tuy nhiên khi được đặt câu hỏi về chất các điểm trường, cô Hạnh tự hào: "Do xã rộng nên phải tổ chức hai cơ sở, phụ huynh cơ sở 2 nhìn mặt bằng chung có thể khó hơn một chút. Nhưng vì thế chúng tôi rất quan tâm đến các cháu ở đây, có đơn vị tài trợ nào cũng ưu tiên… Còn việc nuôi, dạy như nhau, cơ sở này có hoạt động gì thì cơ sở kia cũng có, quyền lợi của các cháu đều được đảm bảo. Cách nhau khoảng 1km nên việc đi lại của giáo viên cũng như cán bộ quản lý thuận tiện. Tuy nhiên, nếu có điều kiện chúng tôi sẽ tăng cường thiết bị đồ chơi cho các cháu cơ sở 2, đây cũng là kế hoạch sắp tới của trường…”-Cô Hạnh nói.

Để các cháu phát triển mạnh khỏe và an toàn thì công tác vệ sinh an toàn cũng được nhà trường chú trọng. Cả hai cơ sở luôn đảm bảo nguồn gốc thực phẩm, hợp đồng thực phẩm có địa chỉ rõ ràng, luôn lưu mẫu thực phẩm và có nhân viên y tế thường xuyên kiểm tra việc đó. Trường cũng thường xuyên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cô và trẻ. Đồ dùng đồ chơi được vệ sinh định kỳ để đảm bảo phòng bệnh trong nhà trường và các bệnh xảy ra theo mùa.

Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên dạy giỏi của trường cho rằng, trường luôn tạo điều kiện để giáo viên phát huy khả năng, năng khiếu. Ngoài việc được nhà trường động viên tham gia các hội thi như giáo viên dạy giỏi, liên hoan “Bé với an toàn giao thông”, liên hoan “Nhân viên nuôi dưỡng giỏi”, chúng tôi còn được động viên tham gia cuộc thi “Sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca địa phương” cũng như nhiều hoạt động phong trào của xã, huyện góp phần nâng cao dân trí địa phương.

Sau hành trình đạt trường chuẩn mức độ 1, tập thể cán bộ giáo viên phấn đấu đủ các điều kiện để được công nhận Trường chuẩn quốc gia mức độ II. Để làm, khó nhất là kinh phí nhưng các cô đã vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã chung tay, tiêu biểu là Nhà máy xi măng Đồng Lâm, riêng đơn vị này đã hỗ trợ 50 tấn xi măng, 200 tấn gạch xây dựng khu vui chơi, lối đi nội bộ, tường rào, làm sân vườn… đây là cơ sơ để nhà trường tổ chức tốt hoạt động vận động của trẻ.

Với chất lượng giảng dạy tốt, cơ sở học tập khang trang, sạch đẹp, Trường mầm non Phong Xuân đã xây dựng được thương hiệu và là một địa chỉ được Phòng GD&ĐT huyện giới thiệu cho các đơn vị đến tham quan và học tập.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo

Từ ngày 5/3 đến 15/3 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, Phú Vang kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các trường học có bán trú thuộc 25 xã nghèo.

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo
Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Chiều 12/3, HĐND huyện Phong Điền tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 9 khóa VII, nhiệm kỳ (2021 - 2026) để xem xét, cho ý kiến về chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top