ClockThứ Tư, 18/01/2012 05:03

Dịch vụ bên cầu

TTH - Nhiều cây cầu mang tính đột phá được hoàn thành đưa vào sử dụng thời gian qua làm thay đổi diện mạo cho nhiều vùng đất. Kèm theo đó là sự hình thành và phát triển của nhiều loại hình dịch vụ, với nhiều tiềm năng được đánh thức.

Cái tên Cồn Tè vốn heo hút, lạ lẫm giờ đây trở thành địa chỉ hấp dẫn với nhiều người. Cầu Ca Cút và hệ thống đường 2 đầu cầu hoàn thành đưa vào sử dụng một năm qua mang lại điều đó. Từ chân cầu Thảo Long nằm trong hệ thống đường và cầu Ca Cút, có tuyến đường bê tông về hướng Đông đến Cồn Tè. Tại đây, du khách được tận hưởng một loại hình dịch vụ dân dã, độc đáo “rất Cồn Tè”. Ngồi trên nhà chồ nổi lên trên mặt hồ, hướng ra cửa Thuận An, thưởng thức các món thủy hải sản còn tươi nguyên như cua, ghẹ, cá nâu, cá hồng, cá mú... bắt lên từ vùng đầm phá nước lợ. Ông Nguyễn Đức, người mở quán đầu tiên ở đây cho biết: “Ban đầu chỉ bán cà phê, nước ngọt phục vụ những người nuôi tôm, đi câu. Từ khi cầu Ca Cút và hệ thống đường 2 đầu cầu ngang qua đây, lượng khách đến Cồn Tè càng lớn, quán mới chuyển sang bán bia và thủy sản nước lợ...” 

Nếu như ông Nguyễn Đức có công phát hiện khai trương dịch vụ ăn uống nghỉ dưỡng Cồn Tè thì anh Nguyễn Lương có công phát minh mô hình quán nhà chồ, phù hợp với khung cảnh Cồn Tè. Tốt nghiệp đại học Thủy sản Nha Trang, chuyên ngành chế biến thủy sản, thay vì đi xin việc, Lương mạnh dạn về quê mở dịch vụ ăn uống. Với kiến thức được học ở trường, cùng với nghiên cứu tài liệu, sách báo, anh tạo được một không gian mộc mạc nhưng rất lý tưởng, thân thiện cho du khách khi đến Cồn Tè. Lương cho biết: “Mùa nắng, khách từ thành phố Huế, các huyện và khách từ Đà Nẵng về rất đông, nhiều khi không có chỗ để ngồi. Các sản phẩm cá, tôm, cua, ghẹ vừa tươi vừa rẻ được khách rất ưa chuộng. Có ngày bán đến nửa tạ cua. Doanh thu hơn chục triệu đồng/ngày. Điều hay là giúp tiêu thụ sản phẩm tại chỗ cho bà con. Các loại cá kình, dìa, ong, đối... bà con thường đánh bắt được trước đây phải mang đi chợ để bán, quá trình vận chuyển, chất lượng xuống nên bán với giá rẻ; nay được bán tại chỗ, chất lượng còn nguyên vẹn nên giá cao bình quân hơn 20 ngàn đồng/kg...”
 

Cầu Ca Cút vượt phá Tam Giang đã đánh thức nhiều tiềm năng trong vùng

Một địa danh nghỉ dưỡng khác có thể kể đến là bãi tắm Vinh Thanh. Được hình thành sau khi cầu Trường Hà đưa vào sử dụng, đến nay, bãi tắm Vinh Thanh không chỉ thu hút khách trên địa bàn tỉnh mà còn có khách ở các tỉnh thành lân cận, với hơn 100 ngàn lượt khách mỗi năm. Hiện tại, bãi tắm Vinh Thanh có 10 nhà hàng phục vụ ăn uống, với giá thuê đấu rất cao, mỗi lô từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng/năm. Cũng như Cồn Tè, các nhà hàng phục vụ ăn uống ở bãi tắm Vinh Thanh đều là người địa phương, giải quyết lao động tại địa phương, góp phần tiêu thụ sản phẩm đánh bắt cho bà con tại địa phương; đồng thời, nâng cao giá trị của một số loài thủy sản đặc trưng. Nếu như con cá kình nước lợ vốn là món ăn dân dã trở thành món ăn hấp dẫn ở Cồn Tè thì ở Vinh Thanh có con cá chuồn. Đây là loài cá sống nhiều ở biển Vinh Thanh, rất dễ đánh bắt, nhiều nên trước đây ngư dân thường phải làm mắm. Nay được để tươi nướng lên phục vụ khách, thịt rất thơm và ngon. Bà Trần Thị Be, chủ nhà hàng O Be cho hay: “Cao điểm vào mùa nắng, khách rất đông, các quán ở đây đều thuê thêm người làm, chủ yếu là học sinh. Tranh thủ ngày hè, các em ra phụ bán các quán, với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. 3 tháng hè như vậy, các em đủ tiền nhập học, đỡ bớt cho ba mẹ...”
 

Quán nhà chồ đặc trưng ở Cồn Tè

Mỗi cây cầu hoàn thành đều có tác động mạnh mẽ đến tiến trình đô thị hóa nông thôn. Đặc biệt là những cây cầu vượt phá Tam Giang. Cùng với sự hình thành các điểm dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng lý tưởng; bên các cây cầu cũng đã hình thành nhiều trung tâm kinh tế, thương mại sôi động từng ngày. Từ ngày có cầu vượt phá, việc đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ thủy hải sản của người dân ven biển, đầm phá phát triển hơn. Nếu như trước đây, những hải sản biển như ghẹ, cua, cá mú, cá hồng, cá vẩu... chỉ tiêu thụ ở Huế, Đà Nẵng thì nay đã bán ra đến tận Hà Nội. Xe ô tô đến tận nơi để thu mua. Ngoài ra, các ngành nghề chế biến thủy hải sản cũng phát triển.
Hơn 10 năm qua, hệ thống giao thông Thừa Thiên Huế đã có bước đột phá rất lớn, mà ấn tượng nhất là những cây cầu vượt phá Tam Giang; góp phần làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn vùng ven biển và đầm phá của tỉnh. Theo kế hoạch của ngành GTVT, một vài năm tới, dự án cầu Vĩnh Tu, cầu Hà Trung vượt phá Tam Giang cũng được triển khai xây dựng; mở thêm nhiều cơ hội mới để phát triển.          
 

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top