ClockThứ Tư, 08/09/2010 16:58

Dịch vụ và du lịch với mục tiêu đạt 50% tỷ trọng GDP

TTH - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIII xác định: “Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, phát huy lợi thế trung tâm du lịch; phấn đấu giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân trên 15%/năm”. Qua 5 năm thực hiện, tình hình hoạt động và phát triển của ngành du lịch Thừa Thiên Huế đạt được một số thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Thăm Huế - ảnh Phạm Văn Tý ( từ internet)

Một trong 5 điểm đến hấp dẫn của Việt Nam

Một trong những bước tiến của du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2005-2010 là sự phát triển nhanh về cơ sở lưu trú, từ 122 cơ sở với 3.747 phòng và 7.179 giường, sau 5 năm đã tăng lên 310 cơ sở với 7.221 phòng và 13.171 giường….Doanh thu du lịch đồng thời cũng có mức tăng trưởng,  từ 543 tỷ đồng năm 2005 lên 1.130 tỷ đồng năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20% - 25%/năm, đưa dịch vụ, du lịch chiếm 44% cơ cấu tổng sản phẩm kinh tế. Lượng khách du lịch đến Huế đạt 1,5 - 2 triệu lượt/năm, dẫn đầu là thị trường Pháp và Tây Âu, sau đó là thị trường Việt kiều, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, tiếp đến là các thị trường Mỹ, Bắc Mỹ, khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và một số thị trường mới.
 
Cùng với phát triển cơ sở vật chất, một số loại hình, sản phẩm du lịch mới được triển khai, đưa vào hoạt động, như các điểm du lịch sinh thái tâm linh phía tây nam thành phố, các loại hình du lịch cộng đồng tại A Lưới, Phước Tích, Tam Giang. Xu hướng xã hội hóa trong dịch vụ du lịch cũng góp phần làm phong phú hơn sản phẩm du lịch Huế. Công tác liên kết phát triển du lịch được hình thành và thúc đẩy, với các tuyến du lịch trên hành lang Đông - Tây và các điểm du lịch nằm trên con đường di sản miền Trung : Phong Nha - Cố đô Huế - Hội An - Mỹ Sơn.Nhiều năm liền, Thừa Thiên Huế được bình chọn là một trong năm điểm đến hấp dẫn nhất của Việt Nam.
 

Du khách tham quan làng cổ Phước Tích.        

Đặc biệt, đây là giai đoạn du lịch thu hút nhiều dự án đầu tư
với trên 48 dự án lớn, có tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó có 14 dự án đã khởi công với số vốn đăng ký khoảng 16.000 tỷ đồng, 27 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang tiến hành các thủ tục khởi công với số vốn đăng ký lên đến 25.000 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn đã khởi công và đi vào hoạt động như Dự án Laguna Vietnam với tổng số vốn đầu tư 875 triệu USD (bao gồm 7 khách sạn, sân golf, khu nghỉ mát sang trọng được khởi công tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô), Khu du lịch tiêu chuẩn 5 sao Làng Việt với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng; Dự án xây dựng Khách sạn Celadon Palace (5 sao), Khách sạn Mercure Huế Gerbera (4 sao). Cùng với các dự án lớn này, du lịch Huế đã xuất hiện các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp, mở ra triển vọng phát triển các loại hình du lịch chất lượng cao cho tỉnh. Đây cũng là giai đoạn công tác qui hoạch phát triển đã được tăng cường, với việc thông qua đề án Qui hoạch phát triển du lịch Thừa Thiên Huế hướng đến năm 2010 theo hướng phát triển tăng tốc và bền vững.
 
Tuy nhiên, ngoài những thành quả đạt được, hoạt động du lịch ở Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như hiệu quả kinh doanh của du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa mang tính cạnh tranh cao; tài nguyên du lịch chưa được đầu tư khai thác đáng kể, đặc biệt là các tài nguyên du lịch tự nhiên. Các sản phẩm dịch vụ chưa phong phú, các dịch vụ phục vụ nhu cầu giải trí ban đêm còn thiếu. Nguồn nhân lực của ngành còn yếu, kinh phí dành cho đào tạo nguồn nhân lực còn ít, kinh phí cho tuyên truyền quảng bá trong và ngoài nước hạn chế. Cơ chế chính sách để thu hút đầu tư trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch chưa được quan tâm đúng mức…
 
Khẳng định vị trí kinh tế mũi nhọn
 
Từ nay đến năm 2015, ngành du lịch phấn đấu đón từ 2,5 đến 3 triệu lượt khách (trong đó có 50% là khách nước ngoài), đưa dịch vụ, du lịch đạt 48-50% cơ cấu tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của tỉnh, khẳng định vị trí ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên Huế.
 
Để đạt được mục tiêu này, ngành sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách. Từng bước xây dựng các điểm du lịch gắn với giá trị cảnh quan độc đáo, phát huy có hiệu quả loại hình du lịch tâm linh; hình thành mới các loại hình dịch vụ, hình thành các điểm vui chơi giải trí; các điểm du lịch sinh thái... mở rộng phạm vi tham quan nhằm đưa khách đến với các hoạt động văn hóa, lễ hội, di chỉ khảo cổ, làng nghề truyền thống; tham quan hệ sinh thái biển, đầm phá; du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên biển, thể thao dưới nước, du lịch mạo hiểm...
 
 
Sen Huế - ảnh từ internet
Tham mưu cho tỉnh các chính sách thu hút đầu tư, nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ. Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực, vốn đầu tư từ các đơn vị, địa phương trong và ngoài nước. Tập trung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cấp một số điểm đến để đạt chuẩn quốc tế. Triển khai công tác quy hoạch các loại hình dịch vụ ở các điểm tham quan du lịch đảm bảo trật tự, mỹ quan, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, xanh - sạch - đẹp.
 
Đặc biệt, sẽ chú trọng phát triển du lịch gắn với thúc đẩy các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, phát triển mạng lưới dịch vụ thương mại tổng hợp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, giải quyết đồng bộ vấn đề ô nhiễm môi trường. Đồng thời tăng cường liên kết với các địa phương, liên kết khu vực, tạo sức mạnh của vùng trọng điểm du lịch miền Trung, từng bước xã hội hoá hoạt động du lịch, huy động các nguồn vốn trong dân và các thành phần kinh tế khác phục vụ cho sự nghiệp phát triển du lịch.Chú trọng công tác đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực du lịch; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch, đặc biệt là đội ngũ quản lý, tạo bước phát triển vững chắc cho giai đoạn tiếp theo.

                             Phan Tiến Dũng (Giám đốc Sở VHTT& DL) 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vé máy bay, tàu lửa “nóng dần” vào dịp lễ

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần nên nhu cầu đặt vé tàu lửa, máy bay để đi du lịch hay về quê hiện nay khá chộn rộn. Dịp lễ năm nay được nghỉ liên tục 5 ngày nên nhiều người có kế hoạch đặt mua vé sớm với hy vọng để “săn” vé giá rẻ.

Vé máy bay, tàu lửa “nóng dần” vào dịp lễ
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm

Ngày 19/4, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Điền tiếp nhận một cá thể trăn đất quý, hiếm của một người dân tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm
Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường
Return to top