ClockThứ Bảy, 14/03/2020 06:30

Dịch vụ vận tải ứng phó COVID-19

TTH - Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dịch vụ vận tải ở Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa.

COVID-19 gây khó cho dịch vụ vận tải

Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài phối hợp đo thân nhiệt hành khách ra vào

Lượng khách đến/đi ở Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Phú Bài giảm gần 30% so với trước, hiện mỗi ngày, đơn vị đón trên dưới 30 lượt xe đến/đi với trên 5.000 khách. Trước nguy cơ tiềm ẩn dịch COVID-19 lây lan, đơn vị này đã chủ động rà soát trên cơ sở phương án phòng chống dịch COVID-19 đã xây dựng từ dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Hiện, 100% nhân viên Cảng HKQT Phú Bài đều đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc, được cấp phát đủ trang thiết bị phục vụ phòng dịch. Toàn bộ từ khu vực ga đến, ga đi, khu cách ly (2 phòng tại khu vực cảng) đến khu kiểm dịch y tế tại cảng sân bay được trang bị nước rửa tay, sát trùng cho hành khách đi/đến để ngăn nguồn lây. Hành khách ra vào sân bay hiện nay nếu không chủ động sẽ được nhận khẩu trang phát miễn phí tại đây.

Cùng với việc trang bị máy đo thân nhiệt cầm tay cho nhân viên tại các phòng kỹ thuật, an ninh, nhân viên phục vụ bay, tại khu vực ga đến/đi, Cảng HKQT Phú Bài phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lắp đặt máy đo thân nhiệt tầm soát 100% hành khách ra vào. Qua thiết bị này, nếu có trường hợp thân nhiệt cao, hoặc có triệu chứng của bệnh, nhân viên cảng sẽ phối hợp tiến hành cách ly và kết nối với cơ quan y tế xử lý kịp thời.

Phó Giám đốc Cảng HKQT Phú Bài, ông Phùng Tuấn Dương thông tin, nhằm kiểm soát, khống chế dịch, đơn vị chủ động đặt ra các tình huống giả định phát hiện khách bị nhiễm COVID-19 tại các khu vực, như nhà ga, sân đỗ, sảnh chờ, cầu thang lên xuống máy bay…đảm bảo sẵn sàng ứng phó hiệu quả với mọi tình huống phát sinh do dịch COVID-19.

Ông Dương cũng cho biết, vào ngày 9/3, khi ở Thừa Thiên Huế phát hiện bệnh nhân thứ 30 nhiễm COVID-19, nhiều nhân viên ở đơn vị đã hoang mang vì trước đó bệnh nhân này đã đi từ Hà Nội vào Cảng HKQT Phú Bài. Nhằm ổn định tâm lý cho đội ngũ nhân viên cũng như tránh ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị, lãnh đạo ở đây kịp thời phối hợp với ban ngành chức năng địa phương thẩm định các nhân viên có tiếp xúc với bệnh nhân nói trên đưa đi cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh ở xã Thủy Bằng, TX. Hương Thủy.

Để khống chế dịch COVID-19 lây lan ở địa phương, những ngày này, Công ty CP Bến xe Huế tích cực triển khai, thực hiện các biện pháp như trang bị nước sát khuẩn ở cửa soát vé để hành khách rửa tay; phối hợp ngành y tế địa phường phun thuốc sát khuẩn tại khu vực bán vé, phòng đợi 2 lần/ngày.

Các bến xe phía bắc, phía nam TP. Huế còn tuyên truyền phát thanh trên loa đài khi xe khách vào/ra bến; phát tờ rơi hướng dẫn các bước phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; yêu cầu cán bộ, nhân viên điều hành, bán vé, lái xe, phụ xe và hành khách đeo khẩu trang; đồng thời phối hợp với ngành chức năng phát khẩu trang y tế miễn phí cho hành khách.

Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Huế cho biết, xác định rõ mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19, nhất là hiện nay đã có trường hợp nhiễm đang ở trên địa bàn Thừa Thiên Huế nên đơn vị nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng tránh dịch cho đội ngũ cán bộ nhân viên cũng như tài xế, phụ xe, hành khách tại bến xe. Những chuyến xe trước giờ lăn bánh sẽ được nhân viên đo thân nhiệt cho lái xe, hành khách, nếu thấy trường hợp nào có thân nhiệt cao, có biểu hiện ho, mệt mỏi sẽ báo với đội phản ứng nhanh và khuyến cáo không được đi xe.

Đối với các tuyến xe từ vùng dịch trở về các bến sẽ cho phun thuốc khử trùng từng chuyến một trước khi vào, hoặc xuất bến; đồng thời phối hợp với lái xe và doanh nghiệp vận tải thống kê số lượng hành khách hằng ngày cho cơ quan quản lý về những người về từ vùng có dịch. Tuyệt đối không cho phép hành khách vận chuyển các loài động vật hoang dã, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch...

Lãnh đạo Công ty CP Bến xe Huế nói: “Hiện nay, do dịch bệnh nên lượng khách đi lại tại các bến xe khách giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, các xe xuất bến chỉ đạt sản lượng bình quân từ 20-40% khách, nhiều xe không có khách. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch tại đơn vị được các nhân viên duy trì nghiêm ngặt”.

Không chỉ riêng các bến xe khách, hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân ở hệ thống vận tải đường sắt giảm đáng kể so với trước. Nếu như trước đây vào thời gian cao điểm, lượng khách qua ga Huế khoảng 1.000 hành khách/ngày do Chi nhánh Vận tải đường sắt Huế (Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội) đưa vào khai thác 37 chuyến, nay chỉ còn khoảng 600 khách với 10 chuyến, khiến doanh thu sụt giảm hơn 50%.

Dù lượng khách khai thác giảm nhưng theo KS. Hà Huy Tập, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Huế, đơn vị đã chủ động trong công tác phòng ngừa dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Hiện đơn vị này phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Khai thác đường sắt Thừa Thiên Huế tăng cường vệ sinh môi trường ở khu vực; tuyên truyền, nhắc nhở nhân viên và hành khách đến/đi thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang thường xuyên để bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước dịch bệnh. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, thông báo diễn biến tình hình dịch bệnh bằng loa phát thanh, tờ rơi, băng rôn khu vực bán vé, phòng đợi, nhà ga để giúp hành khách đi tàu không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh...

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng
Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top