ClockThứ Sáu, 16/09/2022 14:23

Điểm chuẩn đại học 2022: Ngành y dược nhường ngôi cho xã hội, sư phạm

Tính đến sáng 16/9, cả nước có hơn 200 trường đại học công bố điểm chuẩn năm 2022. Có thể thấy, các ngành thuộc khối ngành xã hội, sư phạm với mức điểm chuẩn cao bất ngờ. Trong khi đó, các ngành thuộc khối y dược lại giảm mạnh.

Hướng dẫn thí sinh xác nhận nhập học trực tuyếnNhiều trường đại học công bố điểm chuẩn năm 2022Thí sinh chưa nộp lệ phí xét tuyển đại học cần lưu ý gì?

Thí sinh tìm hiểu thông tin về tuyển sinh năm 2022. Ảnh: TTXVN

Lý giải điểm vào trường cao do đâu? 

Tới thời điểm này, dẫn đầu về mức điểm chuẩn đại học năm 2022 vẫn thuộc về Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Các nhóm ngành đang có điểm chuẩn cao nhất là các ngành Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Đông phương học, Báo chí học với mức điểm chuẩn dao động từ 29,9 - 29,95 điểm.

Lý giải về điểm chuẩn ngành Báo chí học tiệm cận gần ngưỡng 30/30, đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, ngành Báo chí học dự kiến lấy 55 chỉ tiêu cho hệ đại trà. Tuy nhiên, để tuyển sinh ngành này, trường sử dụng 5 phương thức tuyển sinh, trong đó dành 25/55 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT - cao nhất so với các chỉ tiêu còn lại. Mặt khác, ngành này tuyển sinh bằng 6 tổ hợp (A01, C00, D01, D04, D78, D83). Tính trung bình mỗi một tổ hợp chưa tới 5 chỉ tiêu trúng tuyển.

Được biết, riêng khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), trường nhận được tổng cộng 2.544 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí học. Còn lại các tổ hợp khác, số nguyện vọng không nhiều, chỉ khoảng vài chục đến vài trăm. Tỷ lệ chọi vào ngành Báo chí học ở khối C00 là 1/500. Đây là nguyên nhân khiến điểm chuẩn của ngành Báo chí học tiệm cận điểm tuyệt đối.

Đứng thứ 2 về top điểm chuẩn là các ngành sư phạm. Năm nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố điểm trúng tuyển xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT là từ 16,75 đến 28,5 điểm.

Có ba ngành lấy điểm chuẩn là 28,5 gồm Giáo dục chính trị tại tổ hợp C19 (Văn, Sử và Giáo dục công dân) và C20 (Văn, Địa và Giáo dục công dân); Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử tại tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Mức này ở cả ba ngành cao hơn năm ngoái 0,25 đến 1 điểm. 

Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, đây là một tín hiệu vui và được dự báo trước khi số điểm giỏi thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn tăng và phổ điểm môn Lịch sử đẹp hơn so với năm 2021. Năm nay, hai ngành của Trường Đại học Hồng Đức có mức điểm trúng tuyển cao nhất là Đại học sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và Đại học sư phạm Lịch sử chất lượng cao là 39,92 điểm (thang điểm 40). 

Điểm chuẩn của Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2022 tăng cao, ngành Giáo dục tiểu học có điểm chuẩn là 28,55 điểm.

Y dược đều giảm

Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa công bố điểm chuẩn và có mức điểm từ 24,25 – 27,3, giảm so với năm ngoái từ 0,85 – 1,15 điểm.

Theo đó, điểm chuẩn của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng năm nay dao động từ 19,1 - 26,2 điểm, giảm từ 0,6 - 3 điểm so với năm 2021.

Ngành Y khoa (B) có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là 26,2 điểm (giảm 0,7 điểm so với năm 2021), tiếp theo là ngành Răng hàm mặt với 26 điểm (giảm 0,7 điểm so với năm 2021). Ngành Điều dưỡng có điểm chuẩn thấp nhất trường là 19,05 điểm.

Đặc biệt, Trường có 3 ngành Điều dưỡng, Y dược dự phòng và Y học cổ truyền giảm từ 2 đến 3 điểm về sát điểm sàn.

Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương có mức điểm chuẩn từ 19-25,4 điểm. Trong đó, ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất trường với 25,4 điểm (giảm 0,7 so với năm 2021). Tiếp theo là ngành Kỹ thuật Xét nghiệm y học với 22 điểm (giảm 1,9 so với năm 2021). Ngành Điều dưỡng có điểm chuẩn thấp nhất là 19 điểm và giảm 2 điểm so với năm 2021.

Trường Đại học Y tế công cộng có mức điểm chuẩn từ 15-21,5 điểm, giảm gần 2 điểm so với năm 2021 ở hai ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng và ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học.

Trước đó, dự báo về điểm chuẩn năm nay của Trường Đại học Y Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Điểm chuẩn vào các ngành của trường năm nay giảm từ 0,5 - 1 điểm, tùy từng ngành. Ngành cao điểm nhất là Y đa khoa và không có ngành nào tăng điểm so với năm ngoái".

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Giảm dần chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng học bạ: Đảm bảo công bằng cho thí sinh

Bước sang mùa tuyển sinh năm 2024, các trường đại học tốp đầu trên cả nước có xu hướng giảm dần chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng học bạ, thậm chí một số trường đã bỏ phương án này trong Đề án tuyển sinh. Nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ sự đồng tình với quyết định này, nhằm đảm bảo sự công bằng và chất lượng trong xét tuyển.

Giảm dần chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng học bạ Đảm bảo công bằng cho thí sinh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top