ClockThứ Sáu, 24/01/2020 08:55

Điểm đến của các nhà làm phim

TTH - Năm 2019, đánh dấu sức hút của Huế đối với điện ảnh khi có nhiều bộ phim được quay tại Huế. Nhiều người kỳ vọng, đây là khởi đầu để đưa Huế trở thành phim trường trong tương lai. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ba vị đạo diễn trẻ: Victor Vũ, Bảo Nhân và Bửu Lộc vừa đến Huế làm phim trong thời gian gần đây.

“Mắt biếc” sẽ giúp Huế thu hút khách trong dịp Tết Dương lịch 2020Ngắm Huế trên phim“Mắt biếc” và lan tỏa vẻ đẹp làng quê HuếHy vọng từ phim “Mắt biếc”

* Đạo diễn có thể chia sẻ với độc giả về những bộ phim được quay tại Huế? Lý do các anh chọn Huế thực hiện các cảnh quay?

Đạo diễn Bảo Nhân

Đạo diễn Bảo Nhân: Từ năm 2018 đến nay, công ty chúng tôi (Mar6 Pictures) đã sản xuất series chương trình 10 tập “Nàng thơ xứ Huế”, phim ngắn điện ảnh “Hoa nở về đêm” và vừa quay xong phim điện ảnh “Gái già lắm chiêu 3” tại Huế. Mỗi dự án, chúng tôi cố gắng đưa Huế vào điện ảnh với góc nhìn mới mẻ hơn, điện ảnh hơn để quảng bá, giới thiệu cho khán giả một vùng đất vừa cổ kính, vừa hiện đại.

Đạo diễn Victor Vũ: Đứng trước kịch bản “Mắt biếc”, chúng tôi đã đưa lên bàn cân rất nhiều địa phương. Miền Bắc, miền Trung hay miền Nam? Nếu là miền Trung thì Quảng Nam, Quy Nhơn hay Đà Nẵng...? Sau cùng, Huế vẫn là địa danh hoàn hảo nhất cho “Mắt biếc”. Vì nơi đây, cảnh đẹp nên thơ, không gian trầm mặc, đậm chất văn học.

Đạo diễn Bửu Lộc: 10 năm trước, khi đến Huế quay phim “Khát vọng Thăng Long”, tôi cảm thấy chỉ ở Huế mới có được những cảnh quay mà mình cảm thấy “à, Huế đúng là hoài niệm, mộng mơ, yên bình”. Những bối cảnh ở Huế thật sự ít nơi nào có được. Đối với tôi, Huế “hòa nhập” nhưng không “hòa tan”, vẫn luôn đậm nét chất Huế trong đó. 70% cảnh trong phim “Kiều” được tôi chọn quay ở Huế vì Huế có được những điều đó.

* Cảnh sắc Huế có đẹp hơn khi vào phim? Khi thực hiện các cảnh quay ở Huế, có gì đặc biệt so với những nơi khác?

Đạo diễn Victor Vũ

Đạo diễn Victor Vũ: Khi khai thác lên phim, tôi chú ý chắt lọc những gì mộc mạc nhất để tái hiện thập niên 70, như phố phường, mái trường, đồi cây, khu chợ... nơi đã cất giữ rất nhiều kỷ niệm thơ ấu của bao người. Khi các diễn viên được hóa trang, tạo hình cho vai diễn, bước vào khung hình, trên nền bối cảnh là làng quê Huế, tự dưng tôi thấy mọi thứ nên thơ lạ lùng. Chỉ là một gốc cây, tia nắng mà sao thần thái, hồn vía đến thế! Một phân cảnh truyền cảm hứng cho toàn bộ ekip: đàn bướm trắng dập dìu trong điệu nhạc du dương mở ra câu chuyện phim đẹp không gì sánh bằng. Phải thú nhận, trên nền bối cảnh Huế, cảm xúc nhân vật được nhân lên, khi vui mọi thứ như reo vang, khi buồn toàn cảnh cũng trở nên man mác.

Đạo diễn Bửu Lộc: Cảnh Huế chắc chắn đẹp hơn khi vào phim, tạo cảm xúc với diễn viên khi nhập vai. Những bối cảnh đoàn phim đi qua, đôi khi phải “set up” rất nhiều vì khác với bối cảnh trong kịch bản. Còn ở Huế, 70% bối cảnh đều đáp ứng được kịch bản. Tôi đã đi nhiều nơi và thấy đúng là chỉ có Huế mới đáp ứng yêu cầu của phim “Kiều”.

Đạo diễn Bảo Nhân: Bối cảnh quyết định rất nhiều đến tổng thể của bộ phim, bối cảnh đẹp và phù hợp với nội dung cảnh quay sẽ giúp cho diễn viên nhập vai hơn. Nếu quay những bộ phim về cổ trang, tôi nghĩ ở Huế là lý tưởng nhất vì tất cả đều có sẵn rồi.

* Những khó khăn đoàn phim gặp phải khi thực hiện các cảnh quay ở Huế, cũng như những kỷ niệm đáng nhớ?

Đạo diễn Bửu Lộc

Đạo diễn Bửu Lộc: Tôi nghĩ khi đi quay xa, những khó khăn, tốn kém kinh phí trong việc di chuyển cả đoàn làm phim cùng đạo cụ là đương nhiên. Quay ở Huế hay các tỉnh, thành khác đều như vậy. Khi đến đây làm phim, chúng tôi được lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành ủng hộ, tạo điều kiện, giúp chúng tôi tháo gỡ khó khăn. Điều đó chúng tôi rất trân quý và càng muốn đến Huế làm phim.

Đạo diễn Bảo Nhân: Điều chúng tôi sợ nhất khi quay ở Huế là những rủi ro về thời tiết. Quá trình quay “Gái già lắm chiêu 3” đúng thời điểm Huế liên tục gặp mưa bão, đã gây cho chúng tôi ít nhiều ảnh hưởng. Chuyện đáng nhớ nữa là phim “Gái già lắm chiêu 3” có nhiều cảnh quay xuyên đêm, tiệc tùng nên cần nhiều diễn viên quần chúng. Họ đều là những người yêu thích điện ảnh nên đăng ký tham gia, nhưng khi quay chỉ một đêm đến sáng là hôm sau họ không dám quay tiếp nữa (cười).

Đạo diễn Victor Vũ: Tôi rất nhớ những ngày quay ở trường học, tôi và các diễn viên đã nhận được rất nhiều quà tặng, thư tay từ các bạn khán giả trẻ ở Huế. Những quả trứng phục sinh được tô vẽ, những tấm thiệp tự cắt dán tỉ mỉ, một bức tranh hay dòng chữ nắn nót... đã khiến tim tôi ngọt như đường. Qua đó, tôi càng thương quý những người con xứ Huế. Họ thật lòng, hồn hậu, e ấp và trái tim vô cùng nồng ấm.

* Dưới góc nhìn của các đạo diễn, Huế có thể thành phim trường trong tương lai?

Đạo diễn Victor Vũ: Vẻ đẹp của Huế đã được cả thế giới công nhận, chắc chắn Huế có đầy đủ tiềm năng để trở thành phim trường lớn trong tương lai. Tôi đặc biệt ấn tượng với con đường Lê Lợi có dãy trường học san sát nhau, tường gạch đỏ sậm mang đậm nét cổ kính ngay bên dòng sông Hương thơ mộng. Chính điều này khiến tôi quyết định chọn Huế làm bối cảnh chính cho “Mắt biếc”. Tôi cũng hy vọng Huế sẽ giữ được những di sản văn hóa và các công trình cổ mà không bị đô thị hóa như những nơi khác. Vì chính những nét đẹp văn hóa rất riêng ấy mới thu hút mãnh liệt tâm hồn của nhà làm phim chúng tôi.

Đạo diễn Bảo Nhân: Thế mạnh của Huế là sở hữu những thắng cảnh, di tích, các bối cảnh ngoại chưa bị đô thị hóa quá nhiều, tổng thể đó rất phù hợp để trở thành phim trường cổ trang của điện ảnh. Cho nên, khi nhắc đến phim về thể loại cổ trang, nhà sản xuất sẽ nghĩ tới Huế, Ninh Bình, Hội An…

Đạo diễn Bửu Lộc: Với những tiềm năng hiện có, hoàn toàn có thể đưa Huế trở thành phim trường, điểm đến hấp dẫn các nhà làm phim trong tương lai. Ở Huế, cảnh hiện đại, cổ xưa đều có nên là phim trường lý tưởng để các nhà làm phim khai thác. Bây giờ, lãnh đạo tỉnh cũng rất cởi mở, Huế nên là một phim trường để những người làm phim có thể quảng bá văn hóa, những bối cảnh đẹp cho du lịch Việt Nam nói chung và Huế nói riêng.

Đoàn làm phim Mắt biếc quay thực hiện bối cảnh quay ở xã Quảng Thọ - Quảng Điền 

* Vậy Huế nên làm gì để thu hút các nhà làm phim?

Đạo diễn Bửu Lộc: Mong ước của tôi chắc khó thành hiện thực, nhưng tôi nghĩ, Campuchia có Angkor Wat, Angkor Thom, Trung Quốc có Vạn lý trường thành, Việt Nam có Cố đô Huế, tại sao chúng ta không phục dựng được Kinh thành Huế ngày xưa? Tôi biết sẽ khó làm được nhưng vẫn ao ước. Nếu phục dựng lại được nguyên vẹn Kinh thành thì đây là một kiệt tác, các nhà làm phim có phim trường để làm phim về văn hóa. Trước mắt, điều Huế cần làm là cố gắng giữ như bây giờ, vẫn hòa nhập, hiện đại nhưng giữ được nét truyền thống, cổ xưa.

Đạo diễn Victor Vũ: Tôi tin rất nhiều nhà làm phim không chỉ riêng Victor đã bị thu hút bởi vẻ đẹp Huế. Để hấp dẫn thêm các nhà làm phim, Huế hãy cố gắng cung cấp nhiều thông tin hơn cho các nhà sản xuất với tinh thần cởi mở, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ. Nhiều hãng phim trong và ngoài nước muốn đến Huế để quay phim, nhưng họ vẫn thiếu thông tin về môi trường làm phim tại đây và các thủ tục liên quan.

Địa phương hỗ trợ việc cấp phép quay tại bối cảnh, có nguồn tài trợ và có kế hoạch hợp tác với các đơn vị làm phim tư nhân, thúc đẩy quảng bá truyền thống, hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa thông qua phim ảnh. Victor cũng rất mong chính quyền, ban ngành hãy hỗ trợ hết lòng cho thế hệ làm phim trẻ đang giữ vị trí chủ lực của điện ảnh Việt Nam.

Đạo diễn Bảo Nhân: Khi chúng tôi đặt vấn đề quay phim tại Huế, chúng tôi may mắn nhận được sự chào đón và giúp đỡ rất nhiều của lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành. Tất cả đều sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi khi đoàn phim gặp trục trặc. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi chuyện mà chúng tôi lo lắng nhất là vấn đề thủ tục rườm rà đã không xảy ra, mọi thủ tục đều được giải quyết nhanh gọn. Đây cũng là điều tích cực nhất mà tôi nghĩ các nhà sản xuất phim sẽ hào hứng hơn khi quyết định thực hiện bộ phim của mình tại Huế.

Xin cảm ơn các đạo diễn!

MINH HIỀN (thực hiện)

Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mai, Đào và cách quản lý khán giả chưa đủ tuổi đến rạp

Những ngày qua, hai bộ phim điện ảnh “Mai” do Trấn Thành làm đạo diễn và “Đào, phở và Piano” là chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất trên các diễn đàn mạng xã hội. Một bên là phim do tư nhân sản xuất, bên khác là do Nhà nước đặt hàng. Điểm chung là hai phim này đều nhận được sự quan tâm của công chúng, khán giả cả nước.

Mai, Đào và cách quản lý khán giả chưa đủ tuổi đến rạp
Bộ phim 'Aquaman 2' gây sức hút lớn trong mùa Giáng sinh

Ra mắt vào dịp Giáng sinh, “Aquaman 2” hay “Aquaman and the Lost Kingdom” (tạm dịch: Aquaman và vương quốc thất lạc) là bộ phim hành động được chờ đợi nhất năm nay, không chỉ của Warner Bros và hãng phim DC Films mà của cả ngành công nghiệp điện ảnh nói chung. Hoành tráng, mãn nhãn và hài hước, giữ nguyên phong độ như phần đầu thành công rực rỡ để mang đến cho khán giả chuyến phiêu lưu tuyệt vời cùng "đế vương biển cả" trong mùa lễ hội cuối năm.

Bộ phim Aquaman 2 gây sức hút lớn trong mùa Giáng sinh

TIN MỚI

Return to top