ClockThứ Ba, 28/02/2023 17:41

Điểm nhấn khuyến công

TTH - Theo đánh giá, hoạt động khuyến công địa phương năm 2022 đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là ở phương diện hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…

Đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm từ nguồn vốn khuyến công

leftcenterrightdel

Từ hỗ trợ của vốn khuyến công, nhiều cơ sở đã có máy móc, thiết bị hiện đại 

Điểm nhấn

Cụ thể, tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022, Thừa Thiên Huế đăng ký tham gia 23 sản phẩm và có 18 sản phẩm được công nhận, qua đó, trở thành địa phương có số sản phẩm được bình chọn nhiều nhất trong số 18 tỉnh, thành phố tham gia đợt này.

Liên quan đến hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, trong năm qua, Sở Công thương đã hỗ trợ 6 đề án với kinh phí gần 660 triệu đồng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên về chế biến nông sản, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng lưu niệm quà tặng, như các đề án: “Đầu tư thiết bị tiên tiến sản xuất mỳ lát khô”, “Đầu tư máy khắc CNC 20-25-6-2A vào sản xuất mộc mỹ nghệ và nhà rường”, “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản suất, chế biến nâng cao chất lượng nấm tràm cấp đông”…

Thông qua hỗ trợ từ chương trình khuyến công, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã từng bước đầu tư phát triển, nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, qua đó tăng doanh thu cho cơ sở sản xuất, tạo động lực giúp các cơ sở đầu tư, mở rộng, phát triển sản xuất; góp phần khôi phục một số nghề và làng nghề truyền thống, du nhập và phát triển ngành nghề mới...

Tháo gỡ vướng mắc

Tuy đạt được một số kết quả nhất định, nhưng lãnh đạo Sở Công thương nhìn nhận, tiến độ triển khai các đề án khuyến công địa phương thường chậm so với kế hoạch, thậm chí, số lượng đề án xin dừng thực hiện khá nhiều. Về chương trình khuyến công quốc gia, việc đăng ký của các cơ sở, sự tham gia của các địa phương còn rất hạn chế, các đề án chủ yếu do Sở Công thương đề nghị trên cơ sở danh mục đề án đăng ký chương trình khuyến công địa phương cùng kỳ.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa bố trí ngân sách phục vụ cho hoạt động khuyến công trên địa bàn; một số cơ sở sơ sài trong nghiên cứu, lựa chọn máy móc, thậm chí nâng khống giá thiết bị. Một số cơ sở sau khi được đưa vào kế hoạch khuyến công hoặc đã được phê duyệt đề án thì có tư tưởng buông lỏng, gặp khó khăn là muốn dừng. Ngoài ra, còn thiếu các đề án khuyến công điểm tạo sức lan tỏa, liên kết để tạo được sản phẩm chủ lực của địa phương.

Các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, siêu nhỏ (hộ gia đình) với chủ yếu các ngành nghề truyền thống, năng lực quản trị thấp, thiếu vốn, do đó khả năng đáp ứng các yêu cầu về vốn đối ứng theo quy định còn hạn chế, trong khi nguồn vốn khuyến công quốc gia thường ưu tiên cho đề án nhóm, đề án điểm và các đề án đầu tư có quy mô tương đối lớn, vì vậy thường gặp khó khăn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, lãnh đạo Sở Công thương chỉ ra một số nguyên nhân.

Ngoài đã đăng ký kế hoạch và tiến hành thẩm định cơ sở đề án khuyến công quốc gia năm 2023 gửi Cục Công thương địa phương 3 đề án, trong năm nay, Sở Công thương sẽ triển khai 8 đề án khuyến công.

Và để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc đã nêu, Sở Công thương tiếp tục huy động các nguồn lực để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tập trung hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương và các ngành, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn…, đồng thời, kiên quyết dừng thực hiện các đề án triển khai không đúng tiến độ nhằm tạo điều kiện để các đề án của các đơn vị, cơ sở khác được hỗ trợ kinh phí…

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển

Trong hành trình mở rộng và thu hút khách quốc tế từ đường tàu biển, sản phẩm du lịch vẫn được xem là yếu tố cốt lõi. Ngành du lịch tỉnh đang nỗ lực hợp tác với các đối tác để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và đưa khách lên TP. Huế du lịch, trải nghiệm.

Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển

TIN MỚI

Return to top