ClockThứ Hai, 27/01/2020 13:15

Điểm tựa

TTH - Thêm một năm nữa, Việt Nam có một mùa xuân trọn vẹn, khi đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đây là nền tảng quan trọng để nền kinh tế bước vào năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, cũng là năm cuối cùng của chiến lược 2011-2020 với một tâm thế hồ hởi và niềm tin tất thắng…

Phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường12/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt kế hoạch đề ra

Năm 2019, kinh tế Thừa Thiên Huế có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra

Thành tựu toàn diện

Những xu hướng gần đây của nền kinh tế cho thấy, năm 2019 sẽ là năm thứ hai liên tiếp, nền kinh tế đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội giao. Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hồ hởi, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, “chúng ta đã hoàn thành toàn diện” các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Có 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt kế hoạch.

Tăng trưởng GDP không chỉ đạt mục tiêu 6,8% đề ra, mà còn có thể tiệm cận mức 7%, trong khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên một bậc, thu nhập bình quân đầu người tăng thêm, lên tới khoảng 2.786 USD/người.

Chính phủ công bố thành tựu toàn diện của kinh tế vĩ mô. Rất nhiều địa phương cũng mừng vui loan báo thông tin rằng, tăng trưởng GRDP của địa phương mình cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước. Thừa Thiên Huế cũng thế, năm 2019, tăng trưởng GRDP đạt 7,18%, ước đạt 31.330 tỷ đồng

Kinh tế tăng trưởng khá cao, chất lượng tăng trưởng cũng đã được cải thiện. Năng suất lao động đạt khá, mô hình tăng trưởng chuyển dịch theo hướng tích cực. Cơ cấu lại nền kinh tế đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Năm 2019, Việt Nam đã tăng tới 10 bậc về xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu; hệ số tín nhiệm quốc gia cũng được nâng lên mức BB, với triển vọng ổn định…

Đó là nền tảng để nền kinh tế bước vào năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, cũng là năm cuối cùng của Chiến lược 2011-2020 với một tâm thế hồ hởi và niềm tin tất thắng…

Năm 2020, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 6,8%. Đây là mức tăng trưởng được cho là hợp lý, bảo đảm được sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các mục tiêu khác cũng tương đương năm 2019, từ kiểm soát lạm phát, tăng trưởng xuất khẩu đến huy động vốn đầu tư toàn xã hội, kiểm soát nhập siêu… Có thể nói là nhiều kỳ vọng song, cả Quốc hội và Chính phủ đều đang thận trọng trước những diễn biến khó lường của kinh tế toàn cầu, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa đi đến hồi kết, khi nhiều dự báo cho thấy kinh tế toàn cầu có thể sẽ đi vào một thời kỳ khó khăn mới, xu hướng bảo hộ mậu dịch đang gia tăng…

Thận trọng đặt mục tiêu ở mức hợp lý để không phải tăng trưởng bằng mọi giá, mà có dư địa tập trung cho năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Năm 2020, trong mục tiêu chung của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, không còn cụm từ “tăng trưởng nhanh”, mà thay vào đó, nhấn mạnh yếu tố “phát triển bền vững”. Đây chính là nền tảng để nền kinh tế tăng tốc phát triển trong giai đoạn tới.

Điểm tựa

Một khát vọng to lớn đang được thắp lên trong mỗi người dân Việt, đó là trở thành quốc gia thịnh vượng vào các dấu mốc quan trọng của đất nước: năm 2030 - 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, và năm 2045 - 100 năm thành lập nước.

Một báo cáo được đưa ra cách đây ít lâu của Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nếu như chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6%/năm và 7 - 8%/năm, Việt Nam gần như không có cơ hội đuổi kịp các nền kinh tế trong khu vực khi bước vào năm 2045. Cơ hội đuổi kịp chỉ được nhìn thấy khi tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7-8%/năm và tăng lên 9-10%/năm trong giai đoạn 2026 - 2045.

Một bài toán vô cùng khó, khi nhìn trước mắt, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ ở mức 6,8%. Chưa kể, nếu mổ xẻ từng lát cắt của nền kinh tế, còn rất nhiều vấn đề đáng quan ngại. Đó là dù tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng lại chưa đi kèm với cải thiện tương xứng về chất lượng tăng trưởng. Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động còn ở mức thấp. Công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng dịch chuyển còn chậm, nguy cơ tụt hậu hiện hữu…

Bởi thế, vấn đề hiện nay với kinh tế Việt Nam là làm sao có được tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong những giai đoạn sau, để không chỉ bắt kịp, mà còn tiến cùng và vượt lên với nhiều nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu.

Kỳ vọng đang được đặt ra, khi mà chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đang được cẩn trọng xây dựng. Những phác thảo ban đầu đã có, với các quan điểm phát triển vừa được kế thừa từ giai đoạn trước, đồng thời được bổ sung để phù hợp thực tiễn và xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu. Theo đó, phát triển nhanh gắn với bền vững tiếp tục được khẳng định. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với không ngừng đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vô cùng quan trọng.

Đúng là lâu nay, Việt Nam dường như quan tâm nhiều hơn tới các mục tiêu ngắn hạn. Nếu nhìn ngắn hạn, tăng trưởng 6,8% là đạt mục tiêu đề ra. Kể cả tính trong cả giai đoạn 5 năm 2016-2020, tốc độ tăng trưởng ước đạt 6,78% cũng là thành tựu đáng ghi nhận.

Thực tế, các quốc gia thành công đều có đột phá tư duy và tầm nhìn phát triển dài hạn. Đã đến lúc, Việt Nam cũng phải có các mục tiêu và tầm nhìn dài hạn, không phải chỉ một, mà là “nhiều” chiến lược 10 năm.

Cùng với cả nước, các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng phải “vào cuộc”. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã nói, các tỉnh miền Trung chính là “mặt tiền” của Việt Nam ra biển Đông, nên khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia cần gắn với việc phân vùng và liên kết vùng, để đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này.

Miền Trung đang có những thế mạnh để mở ra với thế giới, để kéo thế giới đến với mình. Một khi quy hoạch tốt, xây dựng chiến lược phát triển tốt, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển, các vùng kinh tế trọng điểm khác cũng vậy, thì kinh tế Việt Nam sẽ có điểm tựa quan trọng để “cất cánh”. Cộng thêm việc xây dựng và thực thi hiệu quả quy hoạch tổng thể quốc gia và chiến lược phát triển có tầm nhìn dài hạn, Việt Nam sẽ hiện thực hóa được giấc mơ thịnh vượng.

Bài: Nguyên Đức

Ảnh: Minh Kiệt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Đề xuất giải pháp hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội

Tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 16/3, Bộ Xây dựng đã kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Đề xuất giải pháp hoàn thành 130 000 căn nhà ở xã hội
Return to top