ClockThứ Sáu, 01/02/2019 13:15

Điểm tựa của bản làng

TTH - Hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp dai dẳng, hóa giải những khúc mắc trong dân…, ông Nguyễn Thanh Nao, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam xã A Roàng (A Lưới) vinh dự là 1 trong 60 đại biểu trên toàn quốc tham dự hội nghị biểu dương “Người có uy tín tiêu biểu trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” năm 2018.

“Cầu nối” giữa chính quyền và người dânMọi việc đều bàn bạc, lấy ý kiến từ dânCông tác dân vận phải làm cho dân tin

Ông Nguyễn Thanh Nao thăm hỏi người dân

Trưa. Ông Nguyễn Thanh Nao đi một vòng trong thôn bản để hỏi han bà con chuyện rừng, chuyện rẫy... Đến một ngôi nhà cửa mở toang nhưng mọi người đã ngủ, ông nhè nhẹ khép cửa, để bà con ngon giấc. Tôi chợt hiểu người dân A Roàng, xã biên giới xa xôi huyện miền núi cao A Lưới tin mến ông vì những việc ông làm dù lớn hay nhỏ đều xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm và nghĩ cho người khác.

Hóa giải

Bây giờ hỏi về “câu chuyện” giữa anh Cang ở thôn Ka Lô và ông Hom ở thôn A Ka, người dân của hai thôn bảo: “Hiểu lầm kéo dài mấy năm nay đã được cởi bỏ rồi, hai người đã bắt tay nhau, cùng uống với nhau chén rượu đoàn kết rồi”.

Từ đời này qua đời khác, đất của hai gia đình liền nhau không có ranh giới. Ba năm về trước, thừa kế từ bố, anh Cang phát đồi trồng sắn mà không hay rằng mình đã trồng sang phần đất của ông Hom. Hai bên ai cũng bảo đất của mình nên xảy ra tranh chấp. Dai dẳng ba năm liền, tổ hòa giải của thôn cũng đành “lắc đầu”.

Nhiều đêm ông Nao trăn trở, nếu không hóa giải được khúc mắc thì e rằng mối quan hệ giữa hai gia đình ngày cành căng thẳng, sứt mẻ. Trước lúc tổ hòa giải của xã mời hai bên, ông Nao đã đọc kỹ tường trình của hai gia đình, những giấy tờ liên quan đến diện tích đất đang bị tranh chấp, lần lượt cùng mỗi bên đến tận hiện trường.

“Thì ra, đất mà Cang trồng sắn nằm trong diện tích mà ông Hom đã được cấp thẻ đỏ. Từ trước dù chẳng cần ranh giới nhưng bố Cang cũng biết rõ nên không hề xảy ra điều gì. Cang còn ít tuổi, không biết chứ không phải cố tình tham lam”- ông Nao nhớ lại. Thủ thỉ với Cang những điều đó, ông bảo rằng, những người trẻ là trụ cột của bản làng, nên hơn ai hết cần hiểu và chấp hành nghiêm pháp luật. Bản làng như một ngôi nhà lớn, nếu giữ được trật tự trị an, đoàn kết thì ngôi nhà sẽ vững chắc, yên ấm, phát triển. Những phân tích của ông Nao làm cho người thanh niên nhận ra nhầm lẫn. Vậy nên trong buổi hòa giải chính thức tại UBND xã, anh vui vẻ cam kết trả lại nguyên trạng diện tích đất của ông Hom mà mình đã canh tác. Trước sự vui mừng chứng kiến của mọi người, hai người đàn ông một già một trẻ bắt tay. Cái bắt tay hóa giải những mâu thuẫn tranh chấp, nối lại tình cảm thân thiết, mộc mạc khi xưa.

Dân thuận tai, thuận lòng

Ông Nao cùng những cán bộ UBND xã, các đoàn thể địa phương đã kiên trì phân tích để hai anh em chú bác ruột ở thôn Ka Rôn hóa giải được mâu thuẫn nguyên nhân từ tranh chấp đất trồng rừng; giải thích, thuyết phục thành công những người dân tập trung cản trở đơn vị thi công con đường vành đai biên giới trên địa bàn xã, bình tĩnh ai về nhà nấy, giải quyết bằng con đường pháp luật khi đơn vị này trong quá trình làm đường đổ đất gây thiệt hại hoa màu của một số hộ gia đình. “Chúng tôi giải thích để bà con hiểu Nhà nước làm đường là vì lợi ích của dân, là để đảm bảo vành đai biên phòng, bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người dân phải tự giác chung tay, đồng lòng hỗ trợ trong khả năng của mình. Thiệt hại về hoa màu của bà con sau đó sẽ được đền bù thỏa đáng. Mọi người nghe theo, tạo điều kiện để đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thành công việc”, ông Nao kể.

Hỏi vì sao tín nhiệm ông Nao, những người dân xã A Roàng cười mộc mạc, bảo: Người dân đi tìm tổ ong, tìm con thú trong rừng là vì kế sinh nhai. Đường khó đi quá thì bỏ. Thế nhưng, ông Nao từ thời trai trẻ đã cùng bộ đội biên phòng đi tuần tra đến mốc quốc giới cheo leo trên đỉnh rừng già. Đường đến cột mốc gian nan, nguy hiểm cũng đi đến cùng. Ông đi không vì tìm kế sinh nhai mà vì bảo vệ đường biên, cột mốc. Họ không nhớ bao nhiêu năm rồi, chỉ nhớ bao giờ ông Nao cũng làm gương tốt trong thôn, trong xã. Ông dạy bảo con cháu chấp hành, không vi phạm pháp luật. Việc làm của ông bao giờ cũng xuất phát từ tấm lòng, nghĩ cho người khác. Vậy nên, những điều ông nói bao giờ họ cũng thuận tai, thuận lòng.

Trung tá Hồ Viết Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hương Nguyên (đồn Hương Nguyên quản lý các xã A Roàng, Hương Nguyên) chia sẻ: “Là người rất có uy tín với dân nên sự tuyên truyền, vận động của ông Nao có sức lan tỏa mạnh. Người dân xã biên giới A Roàng vì vậy mà không còn chặt cây rừng, không sử dụng súng tự chế để săn bắn trái phép; không xâm canh, xâm cư trên đất bạn, đồng thời cũng biết bảo vệ rừng rẫy của mình. Người dân còn tích cực tham gia tổ tự quản bảo vệ đường biên mốc quốc giới, tham gia những chuyến tuần tra đến các cột mốc; lập tức báo tin cho bộ đội biên phòng khi phát hiện người lạ từ nơi khác đến có dấu hiệu vi phạm…”.

“Phẩm chất đạo đức tốt, luôn gần gũi, hòa đồng, nêu gương nên ông Nguyễn Thanh Nao có uy tín với Nhân dân, có khả năng đoàn kết, tập hợp quần chúng Nhân dân. Với vai trò là Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã A Roàng, ông Nao đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động từng cá nhân, hộ gia đình thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giữ gìn an ninh, trật tự vùng biên giới…”- ông Pi Loong Mái, Chủ tịch UBMTTQVN huyện A Lưới nhận xét.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm tựa cho phát triển các vùng kinh tế

Việc tăng cường hợp tác, liên kết địa phương, liên kết vùng trong triển khai hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết những vấn đề khoa học-công nghệ quy mô lớn, liên ngành, liên vùng, tạo sản phẩm theo chuỗi giá trị, có giá trị gia tăng lớn, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội.

Điểm tựa cho phát triển các vùng kinh tế
Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Việt Nam - Indonesia Điểm tựa Mỹ Đình
Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa - Kỳ 2: Điểm tựa nơi đầu sóng

Đồng hành, hỗ trợ ngư dân đi qua những tai ương, hiểm nguy, xây dựng niềm tin yêu, cán bộ chiến sĩ (CBCS) hải quân là điểm tựa vững chắc, để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế; chung tay làm “cột mốc sống” giữ gìn biển đảo Trường Sa, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa - Kỳ 2 Điểm tựa nơi đầu sóng
Nâng chất lượng công tác dân vận trên địa bàn

Ngày 1/12, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện và xã Lâm Đớt, huyện A Lưới tổ chức lễ kết nghĩa phối hợp thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận, giai đoạn 2023- 2030 và những năm tiếp theo.

Nâng chất lượng công tác dân vận trên địa bàn
Triển khai Đề án nâng cao chất lượng công tác dân vận

Sáng ngày 27/10, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Triển khai Đề án nâng cao chất lượng công tác dân vận
Return to top