ClockThứ Bảy, 30/06/2018 06:15

Điểm tựa nơi biển xa

TTH - Vững tay súng bảo vệ bình yên, giúp đỡ, cưu mang ngư dân qua thiên tai, hoạn nạn, cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát đảo Sơn Chà, Đồn Biên phòng Lăng Cô (Phú Lộc) là điểm tựa vững vàng cho ngư dân.

Điểm tựa của ngư dânĐiểm tựa của ngôi trường vùng sâuĐiểm tựa vững chắc

Các em nhỏ quây quần bên bữa cơm ấm áp với các chú BĐBP tại Trạm kiểm soát đảo Sơn Chà

Xuất phát từ bến ở thị trấn Lăng Cô, sau 1 giờ đồng hồ vượt sóng, con thuyền chở chúng tôi hơn 30 người hướng ra đảo Sơn Chà, hòn đảo còn hoang sơ xinh đẹp được mệnh danh là Đảo Ngọc, thuộc địa phận huyện Phú Lộc. 

Chuẩn bị đồ ăn, thức uống, thậm chí máy móc, loa thùng cho một đêm hát hò tưng bừng trên bãi biển, thế nhưng chúng tôi lại chủ quan, không tính toán đến sự đỏng đảnh của thời tiết. Lũ trẻ con và mấy phụ nữ trong đoàn nhốn nháo khi trời chợt mưa lắc rắc, rồi mỗi lúc càng nặng hạt. Trong lúc mọi người đang lo lắng, hoang mang, thì một người lính biên phòng từ Trạm kiểm soát đảo Sơn Chà trên dốc cao vội vã xuống bãi biển, giục mọi người lên trạm tránh mưa. Người lính cũng ghé vai vác giúp đồ đạc nặng. Thoáng chốc, chiếu đã được trải trên sàn phòng khách để đủ chỗ cho lũ trẻ con quây quần bữa ăn trưa ấm áp.

Đang nô đùa với các em nhỏ, Đại úy Hoàng Đức Trung, quân y sĩ phải vội vã mang hộp dụng cụ thuốc men xuống bãi biển vì hay tin có ngư dân bị giẫm vỏ hàu khiến chân bị nhiễm trùng sưng tấy. Ngư dân (người Quảng Nam) được quân y sĩ biên phòng cẩn thận sát trùng, băng bó vết thương, cho uống thuốc kháng sinh và dặn dò tỉ mỉ. Khi chiếc thuyền ngư dân đã rời đảo, Đại úy Trung mới quay trở lại trạm.

Tám năm gắn bó với đảo, Trung tá Phạm Quang Thắng, Phụ trách đảo chẳng thể nhớ hết số lần cùng đồng đội giúp đỡ, cưu mang ngư dân qua cơn hoạn nạn. Được chăm sóc y tế, tiếp lương thực, nước ngọt, tặng những cử chỉ, nụ cười ấm áp, tình cảm của ngư dân “gửi lại” ngày mỗi dày lên trong hành trang những người lính ấy. “Sau cơn bão cuối năm ngoái, hai anh em ngư dân Mai Văn Hải ở Đà Nẵng bị sóng lớn nhấn chìm thuyền. Chúng tôi đưa hai người lên trạm băng bó vết thương, đốt lửa sưởi ấm, nấu bát cơm nóng tiếp sức cho họ. Sau 5 giờ đồng hồ liền, hai anh em Hải hồi phục sức khỏe, mượn điện thoại của trạm liên lạc về gia đình. Mất thuyền, anh em Hải quay qua nghề làm thuê. Mỗi lần điện thoại cho tôi, trải lòng về nỗi nhớ nghề, nhớ biển, Hải ước dành dụm đủ tiền để sắm thuyền ra khơi và lại được đặt chân lên Sơn Chà, gặp lại anh em trên trạm”- anh Thắng xúc động kể.

Với người lính, nhất là người lính bám đảo thì tình quân - dân thực sự như cá với nước. Mỗi ngày tuần tra, đưa ống nhòm nhìn ra khơi xa, “kéo gần” lại hình ảnh những chiếc thuyền của ngư dân bám biển, các anh càng có động lực vững tay súng, giữ bình yên nơi biển, đảo.

Xem bộ đội biên phòng trên đảo như người thân nên ngư dân sẵn lòng đón các anh xuống thuyền tuần tra quanh đảo. “Các anh ấy xa vợ con, gia đình, bỏ lại đằng sau cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở chốn đất liền, bám trụ nơi đây thực hiện nhiệm vụ canh giữ bình yên để ngư dân làm ăn sinh sống, cũng là điểm tựa cho chúng tôi khi gặp bất trắc, hoạn nạn. Vậy nên, hỗ trợ được gì cho các anh, chúng tôi sẵn sàng bằng tất cả tình cảm tin yêu…”- ngư dân Trần Nam (quê Đà Nẵng), đang có mặt trên Đảo Ngọc bày tỏ.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh - Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gia đình - điểm tựa hàn gắn vết thương, hòa hợp dân tộc

Nhà văn Hữu Phương, từng được bạn đọc chú ý từ truyện ngắn “Ba người trên sân ga”, rồi các tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ”, “Súng nổ bến Thiên Đường”… vừa cho ra mắt tiểu thuyết “Quay đầu lại là bờ” (QĐLLB), tác phẩm được thực hiện trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2019.

Gia đình - điểm tựa hàn gắn vết thương, hòa hợp dân tộc
Return to top