ClockThứ Bảy, 05/03/2016 14:31

Diệt bèo bằng thuốc, nguy cơ ô nhiễm đất

TTH - Bèo lục bình xâm lấn vào nội đồng, gây khó khăn, tốn kinh phí xử lý khi nông dân sản xuất vụ đông xuân. Để diệt thực vật ngoại lai gây hại này, một số địa phương ở huyện Quảng Điền đã dùng thuốc cháy, chất khai hoang bơm thẳng vào ruộng gây nguy cơ ô nhiễm đất, nguồn nước…

Bèo vẫn ken dày, chất ứ trên nhiều xứ đồng, ruộng bỏ hoang

Sản xuất khó khăn

Vụ đông xuân năm nay, huyện Quảng Điền đưa vào sản xuất gần 4.300 ha lúa. Do năm nay không có lũ nên bèo lục bình “án ngự” trên nhiều đồng ruộng, kênh hói.

Tại hai HTX NN Thống Nhất và Tam Giang (xã Quảng Thái), vụ đông xuân năm nay đưa vào gieo cấy 345 ha lúa thì có đến 50 ha bị bèo lục bình tấn công vào trong đồng ruộng, gây khó khăn cho sản xuất. Ông Hồ Hai, Chủ nhiệm HTX NN Thống Nhất cho biết: “Bước vào mùa vụ, ngay khâu làm đất, bà con xã viên cũng như HTX đau đầu vì bèo lục bình có mặt khắp mọi nơi, ken dày trên ruộng. 1 sào bèo vớt lên cả 10 tấn, chở đầy xe tải”.

Bèo nhiều còn do phía đập Cửa Lác nò sáo dày đặc ngăn không cho bèo thoát đi nơi khác nên chúng sinh sôi trên ruộng đồng. Toàn HTX Thống Nhất có 35 ha ruộng ở các thôn Đông Cao, Đông Hồ, Nam Giảng bị bèo chen kín. HTX đã bỏ kinh phí 30%, còn lại các xã viên huy động ngày công, máy cắt, thuốc để diệt bèo.

Xử lý bèo lục bình bằng thuốc diệt cỏ, chất khai hoang, gây nguy cơ ô nhiễm đất, nguồn nước

Theo tính toán của nông dân, các xứ đồng ở Quảng Thái đa số là ruộng ngập nước, gần đầm phá nên năng suất thấp, chỉ đạt 2-2,2 tạ/sào. Trong khi đó, để xử lý một sào bèo nhật bản phải mất 500 nghìn đồng (1 tạ thóc) chi phí thuê máy cắt, bơm thuốc diệt, cày lật lấp bèo.

Ông Hồ Thiệm (thôn Đông Hồ), một nông dân cho biết: “Tui làm 10 sào lúa, từ khi khâu làm đất đã tốn chi phí máy cắt 60 nghìn đồng/sào, 100 nghìn đồng tiền thuốc, 300 nghìn đồng tiền cày để diệt bèo. Vào đầu vụ chi phí đã chừng ấy, cộng thêm tiền thuốc, phân, giống thì nông dân cầm chắc… lỗ. Biết lỗ nhưng cũng phải làm, bởi không xử lý bèo không chỉ bỏ hoang ruộng vụ này mà vụ sau cũng không sản xuất được”.

Tại HTX Tam Giang, năm nay đưa vào sản xuất 230 ha thì có 15 ha ruộng bị bèo phủ kín ở hai thôn Trung Làng và Tây Hoàng. Dù đã huy động nhân lực cùng kinh phí mấy chục triệu đồng, nhưng đến nay vẫn còn 1,5 ha ở xứ đồng Trung Làng bỏ hoang do bèo chen kín.

Tương tự, tại HTX Tín Lợi (xã Quảng Lợi) cũng có 60 ha ruộng bị bèo xâm lấn, địa phương phải tốn mấy chục triệu đồng diệt bèo mới tiến hành khâu làm đất, sản xuất được.

Nguy cơ ô nhiễm

Bèo dày đặc và hầu hết các diện tích đều nằm xa cầu cống, bờ phá, không thể dùng biện pháp thủ công, lợi dụng thủy triều lên đẩy bèo ra ngoài ruộng, các hộ dân phải sử dụng thuốc cháy, chất khai hoang diệt bèo.

Ông Phạm Minh Tư - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Điền cho biết: “Đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu rõ về mặt tiêu cực của các loại thuốc Bảo vệ thực vật, trong đó có việc hạn chế việc sử dụng các loại thuốc diệt cỏ trên đồng ruộng. Tuy nhiên, mùa vụ năm nay bèo xuất hiện nhiều nên việc bà con sử dụng các loại thuốc diệt cỏ với nồng độ lớn, lâu dài làm ô nhiễm đất, ảnh hưởng nguồn nước là khó tránh khỏi”.  

Ông Hồ Hai, Chủ nhiệm HTX NN Thống Nhất thừa nhận: “Có 15 ha bà con xã viên HTX phải sử dụng thuốc diệt cỏ pha với nồng độ cao để bơm sau khi đã dùng máy cắt. Mỗi sào phải tiến hành bơm hai lần mới diệt hết bèo. Cá biệt, có hộ sử dụng thuốc khai hoang. HTX luôn khuyến cáo bà con không được sử dụng loại thuốc này trong sản xuất”.

Theo các hộ dân, những loại thuốc bà con mua sử dụng diệt cỏ được bán ở các đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Thông thường, hằng năm khi bước vào vụ mới, bà con bơm thuốc diệt cỏ trên các triền đê, ô dường để vệ sinh đồng ruộng, thuận lợi sản xuất. Năm nay, do bèo sinh sôi, các biện pháp diệt thủ công không hiệu quả nên buộc người dân phải bơm thuốc thẳng vào ruộng, gây nguy cơ ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước rất lớn.

“Đối với diện tích dùng thuốc diệt cỏ, chất khai hoang, phải bơm từ khâu làm đất trước 15-20 ngày trước khi xuống giống. Nếu không, cây lúa sẽ chết, có lên được thì cũng quăn lá”, ông Hai thận trọng cho biết.

Ông Phan Nông, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho hay: “Trước đây chúng tôi có thử nghiệm một số loại thuốc diệt bèo trên diện tích nhỏ nhưng không hiệu quả nên khuyến cáo đến bà con sau khi cắt, cày lật thì sử dụng vôi diệt bèo. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số bà con sử dụng thuốc cháy, chất khai hoang hàm lượng lớn để diệt bèo ảnh hưởng đến chất đất, nguồn nước”.

Hiện, trên địa bàn xã Quảng Thái vẫn còn khoảng 250 ha diện tích đầm phá của hai chi hội nghề cá Trung Làng và Lai Hà bị bèo phủ kín, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Các HTX như Tam Giang, Tín Lợi bà con nông dân cũng sử dụng thuốc diệt cỏ, bơm với nồng độ cao. Bởi, theo nhiều hộ dân, đây là biện pháp duy nhất “tận diệt” được bèo.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không được sử dụng các hóa chất để diệt bèo lục bình

UBND các huyện, thị xã và TP Huế báo cáo kết quả thực hiện ngăn chặn, diệt trừ bèo lục bình về Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn trước ngày 5/4/2016 (lần 1) và trước ngày 17/4/2016 (lần 2) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Không được sử dụng các hóa chất để diệt bèo lục bình
“Rồng Vs bèo”, tại sao không?

Bờ sông Hương dọc đường Trịnh Công Sơn toàn rồng và rồng nằm vểnh râu gác mái. Trong lúc đó, trên mặt sông thì họ nhà bèo cứ nhởn nhơ như trêu người. Chợt nghĩ, sao không tổ chức cho bầy rồng này ra quân diệt bèo chơi?

“Rồng Vs bèo”, tại sao không

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top