ClockThứ Năm, 07/07/2016 14:17

Điều ấy đã xảy ra

TTH - Phát bị bắt. Cả nhà tôi sửng sốt. Đứa con gái đầu sáu tuổi vừa học xong lớp một, kêu lên: Ba ơi! Bác Phát tốt thế sao phải vào tù hả ba? Câu hỏi xói mạnh vào tim tôi. Làm sao trả lời nổi dẫu là câu hỏi của một đứa trẻ

Cổng nhà tù hiện ra. Lần đầu tiên tôi bước tới cổng nhà tù nên cũng rờn rợn. Âm u quá. Người ta gọi chốn lao tù quả không sai.

Tôi đưa trình giấy tờ và ngồi ở phòng đợi. Phát mặc đồ sơ mi bình thường. Phát chưa phải mang áo tù. Phát đứng lại giữa sân, chớp chớp đôi mắt. Vừa nhìn thấy tôi, Phát vội quay lưng vào ngay. Phát không muốn nhìn tôi đến giây thứ hai là bởi lẽ gì?

***

Là học sinh miền Nam ra Bắc học tập, nhiều bạn xin học ở Hải Phòng, Hà Nội. Riêng tôi, Phát và một số nữa thì xin học ở Đồng Hới. Lý do đơn giản: Thống nhất trở về quê nhanh hơn.

Năm 1957, trường cấp hai Đào Duy Từ nhận chúng tôi vào học. Tôi và Phát cùng học với nhau một lớp, một tổ. Chúng tôi học đều các môn. Riêng thể thao tôi thua Phát. Về mặt này, Phát vô địch toàn trường. Phát chơi hay các loại bóng. Môn bơi lội thì phải nói Phát cực kỳ. Phát rèn luyện bơi lội cả những ngày lạnh giá. Phát là học sinh bơi lội nhất tỉnh được chọn đi thi toàn miền Bắc.

Phía bên kia sông Nhật Lệ có xã Bảo Ninh. Những động cát vàng ban ngày nắng chói, ban đêm phát sáng trắng, thứ ánh sáng bàng bạc gợi khêu tính tò mò, ham chơi tuổi thiếu thời.

Ở phía trên làng Trung Bính, Sa Động, Đồng Dương hay phía bên ngoài Mỹ Cảnh, sát cửa biển đều có bạn học cùng lớp nên chúng tôi hay sang chơi.

Chúng tôi ngồi thuyền. Riêng Phát thì bơi theo. Thuyền qua thẳng Trung Bính hay thuyền chèo xiên phía Mỹ Cảnh, Phát đều bơi theo. Sách vở, quần áo có bạn ôm hộ. Hết bơi sấp đến bơi ngửa, hết bơi ngửa đến sải, bướm, rồi đến lặn. Phát lặn như chạch. Có khi chạm phải mái chèo làm ông lái chửi toáng cả lên: “Quỷ sứ, con cái nhà ai, quỷ sứ”. Mặc ai nói năng chửi bới, Phát chỉ cười hạ … hạ …

Tôi và Phát chưa kịp thi đại học thì nhập ngũ. Tôi vào hải quân, Phát vào bộ binh.

Đoàn cán bộ tuyển quân phát quân trang cho chúng tôi trước khi hành quân rời thị xã. Tôi thấy mình rất oai khi mặc quân phục hải quân. Yếm áo xanh lượn những đường sóng trắng. Dải mũ xanh đậm thêu hai chiếc mỏ neo vàng. Trước mũ thêu dòng chữ cũng màu vàng “Hải quân Nhân dân Việt Nam”. Oai quá! Riêng Phát thì không vui. Tôi hiểu. Tôi nói với Phát trước đám bạn bè đưa tiễn: “Cậu lên Bộ Quốc phòng mà xin …”. Chưa biết Bộ Quốc phòng là đâu, Phát kỳ nèo với ban tuyển quân. Nhưng họ không chịu. Họ nói danh sách đã lập xong rồi. Chán thật. Những người lập danh sách không hề biết Phát là “con cá kình dưới biển”.

Sau đợt học tập đội ngũ, bắn súng bộ binh, tiểu đoàn chúng tôi tập “Khoa mục bơi lội cơ bản” trên bãi cát chợ Tràng sông Lam.

Đến ngày kiểm tra, Phát bỗng xuất hiện trên bãi tập của chúng tôi. Phát mặc quân phục hải quân. “Ôi cha cái thằng quỷ!”. Thấy Phát, tôi kêu lên như thế mà không xin phép A trưởng. Tôi nhảy lên ôm chầm lấy Phát. Phát nói với mọi người: “Tôi phải lên tận Ban quân lực Bộ Quốc phòng đưa giấy vận động viên cấp một bơi lội quốc gia mới được chuyển quân chủng”.

Thế là Phát được bổ sung về tiểu đội tôi.

Sau ba tháng, một nửa quân số tiểu đoàn đạt loại giỏi. Riêng Phát đạt xuất sắc. Chúng tôi có lệnh điều động về Bộ tư lệnh hải quân nhận công tác mới. Tưởng công tác gì, té ra tiếp tục tập luyện bơi lội vì đơn vị chúng tôi là một đại đội đặc công nước. Vừa luyện tập chúng tôi vừa học chính trị. Các khoa mục càng ngày càng khó. Quân số một đại đội “rụng” dần chỉ còn bằng hai trung đội. Nếu không có Phát giúp, tôi cũng bị loại. Các khoa mục định hướng, vẽ bản đồ, lội nước không tiếng động, tác nghiệp hàng hải, sử dụng các loại vũ khí, khí tài… tôi đều khá, song khoa mục “kẹp mũi gọng rơm” tôi hầu như bất lực. Làm sao cho gọng rơm di động thẳng từ 30-50 phân trên mặt nước. Gọng rơm thòi lên quá dài, quá cao thì lộ. Gọng rơm chìm quá thì nước theo gọng rơm vào mũi. Nếu Phát không kiên trì giúp thì tôi không tài nào đạt danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, thành đảng viên sau này …

***

Tôi và Phát được giao nhiệm vụ đánh tàu địch đậu ngoài khơi biển Cửa Việt.

Trước khi đi nhận nhiệm vụ, chúng tôi tập kết ở một làng ven sông. Chớp nhoáng, Phát đã làm quen với Lài, cô gái hai mươi tuổi vừa thi hỏng đại học đang về ở nhà. Phát hứa hẹn với cô ấy.

Nhiều đêm, tôi thức dậy, giường Phát bỏ trống. Màn đơn rủ buông trùm chiếc chăn bông bên trong. Và nhiều đêm như thế. Phát nói với tôi là sâu nặng rồi! Phát còn khoe với tôi cái khăn mùi xoa Lài tặng có thêu hai chữ “đợi chờ” màu đỏ.

Vào một đêm mưa gió. Có lẽ cả làng đang ngủ say. Chúng tôi có lệnh rời làng xuống ca-nô vừa cập vào bến. Lúc này, đại đội đặc công phân ra nhiều tốp nhỏ, đi làm nhiệm vụ ở nhiều nơi, nhiều vùng. Tôi và Phát sang một chiếc ca-nô nhỏ hơn, chạy rất nhanh. Sáng ra, chúng tôi lên một bãi biển, nhận lệnh chờ đợi ở đây, trong ngôi nhà cất tạm của một gia đình nghề biển. Bao ngày chờ đợi trôi qua, lúc chạng vạng tối có chiếc thuyền con gác mũi lên bãi cát trước ngôi nhà chúng tôi ở. Rồi có người lên gọi chúng tôi xuống thuyền nhận mệnh lệnh.

Từ giã cô Thảo con ông bà chủ nhà và hai đứa cháu nhỏ, tôi xuống thuyền rồi mà Phát vẫn chưa ra khỏi nhà. Phát đang ôm ghì Thảo ở trong buồng, khi Phát buông tay, Thảo khóc.

***

Chúng tôi nhích dần tới mục tiêu. Những giàn đèn bảo vệ trên một chiếc tàu lớn, chớn nước chìm xuống khá sâu chứng tỏ hàng nặng chưa bốc dỡ. Chúng tôi lặn xuống sâu hơn vượt qua vùng sáng để đến đáy tàu. Chúng tôi nghe thấy tiếng máy nổ. Khói xả ra ống xả “phụt… phụt” trên mặt nước. Đây là khoang máy. Phía trên nó có thể là khoang chỉ huy. Khoang này là khoang vũ khí.

Hai khối thuốc nổ có kíp mìn định giờ gắn xong hai nơi cần thiết. Tôi bấm tay Phát bảo lui ra. Nhưng Phát bảo khoan. Phát lần theo dây neo ngoi lên mặt nước, một lát, rồi lặn xuống. Tôi rất lo có tiếng động. Nhưng động tác Phát hết sức mau lẹ, êm như không. Phát bấm tôi là đã xong. Chúng tôi lặn xuống sâu vượt ra vùng sáng. Khi chỉ còn sao trời, chúng tôi ngoi lên mặt nước, Phát nói: “Mình xem thấy đã đúng mục tiêu, còn thấy qua lỗ neo hai thằng mũi lõ ôm súng ngồi gác”. Phát cười hạ… hạ khoái chí như ngày nào.

“Cá chuồn… chim én”. Chúng tôi vừa nằm xoài trên bãi cát là nghe mật khẩu liền. Chắc họ chờ đã lâu. Chúng tôi đứng lên cởi áo nhái cuốn gọn. Rồi cứ ở trần đi theo tiểu đội đặc nhiệm. Đi qua những trảng cát, vượt qua một rừng dương thì vừa rạng sáng. Dừng lại một nơi để thay quân trang, chúng tôi mặc hai bộ đồ sĩ quan ngụy. Tôi đeo quân hàm trung úy. Phát đeo đại úy rồi lên xe Jeep chờ sẵn cùng với hai sĩ quan “ngụy” khác. Chiếc Jeep dễ dàng vượt qua một vọng gác quân ngụy rồi đến vọng gác của quân ta. Chúng tôi biết đã trở ra miền Bắc. Và, thật kỳ diệu, chưa kịp thay áo quần thì bốn sĩ quan “ngụy” ôm chầm lấy nhau, giành nhau mà bê nhau lên khi nghe thông báo: Chiếc tàu 5.000 tấn của địch chở đạn đã nổ tung lúc 6 giờ sáng.

Đài Sài Gòn, đài BBC đưa bản tin chiều: “Quân Việt cộng đánh chìm một tàu chở đạn của đối phương đang neo ngoài Cửa Việt mặc dù canh phòng rất chu đáo. Vụ nổ chưa từng có kéo dài 4 giờ liền trên biển bởi những khoang đạn nổ tiếp nối”.

Tôi và Phát được tuyên dương Dũng sĩ diệt Mỹ.

***

Tôi trở lại đơn vị cũ. Phát chuyển vào sâu hơn. Tôi nhận được thư Phát. Phát báo tin đã được kết nạp Đảng và đánh đắm nhiều tàu địch nữa. Tôi viết thư trả lời Phát và nói rằng tôi cũng vừa được kết nạp Đảng trên một hòn đảo.

Thế rồi, quả đất xoay thế nào mà tôi và Phát gặp nhau ở Bộ Tư lệnh Hải quân. Tôi và Phát được điện mời về dự hội nghị chiến sĩ thi đua toàn quân. Chúng tôi quá đỗi vui mừng. Mừng hơn nữa là Phát có trong diện xét phong anh hùng.

Nhưng vừa mừng cho bạn tới đỉnh thì cũng vừa buồn cho bạn tới số. Bộ Tư lệnh quân chủng nhận được hai lá đơn kiện về Phát. Gia đình cô Lài tố cáo Phát không xứng đáng là người chiến sĩ cách mạng và đơn của gia đình bác xóm chài thì nói cô Thảo đang mang thai với Phát…

***

Mất sạch danh hiệu anh hùng, chiến sĩ thi đua, Phát xin ra quân, về Hà Nội ở với gia đình. Rồi Phát cưới Thái khi Thái đang học năm thứ tư Đại học Xây dựng. Hai địa phương kia người ta biết Phát cưới vợ Hà Nội, nên họ tẩy xóa những thứ “máu mủ” kia đi. Nhưng phải nói Phát rất tệ là từ bấy đến nay không hề tới những nơi đó xin lỗi người ta. Phát tự ái. Phát xấu hổ. Và có thể cao hơn thế: Phát sợ!

***

Hai đứa con tôi chải tóc cho búp bê và cho búp bê soi gương. Nó nựng: “Em đẹp quá, em đẹp quá …”. Vợ tôi hỏi con nhỏ: Búp bê của ai cho con? Hai đứa đáp đồng thanh “của bác Phát”. Kính tủ ai cho nhà mình? “Bác Phát cho nhà mình”. Chúng tôi cười ngất. Thật vậy, nhà tôi, cái gì có giá một chút là vợ chồng Phát cho cả. Cái giường hộp, chiếc chiếu hoa Nga Sơn, chục bát hoa Hải Dương. Chả là, thống nhất đất nước, tôi mới ra quân. Trở về quê hương, lấy vợ. Hai người đều làm nghề “cạo giấy”. Lương tháng gộp lại vừa đủ mua gạo thì làm sao còn nghĩ đến chuyện sắm sanh cái gì.

Làm gì có nhiều tiền đến vậy? Nhiều lúc tôi hỏi thẳng Phát điều đó. Nhưng Phát gạt đi “thôi nhậu đi cậu”. Tôi và Phát nhiều lần uống đến hai két bia xuất khẩu với đầy cao lương mỹ vị. Trước lúc ra về, Phát còn bảo nhà hàng cho vào hai bịch nilông lớn nào chim sẻ quay, ếch chiên bơ, dồi “tên lửa”… mỗi đứa mỗi bịch xách về cho vợ con.

Sau khi theo một khóa hàm thụ đại học Phát nhảy một phát lên ghế thư ký tổng hợp ủy ban tỉnh. Vợ chồng Phát được phân căn hộ riêng rất khang trang.

Ngày xưa da Phát đen như cột nhà cháy, nay chuyển sang màu hồng. Ngày xưa bụng Phát thóp vào. Nay bụng dần chuyển sang mang “bầu”. Và, khuôn mặt Phát hệt một cục mỡ chảy xệ, hai má láng coóng kéo theo hai mí mắt trên xuống làm cho đôi mắt him híp chứ không còn mở thoáng như ngày xưa.

“Làm chân thư ký thì chỉ trên giấy tờ. Hàng hóa thì chắc nắm biết, nhưng Phát đâu có giữ kho? Hay Phát ăn cánh với nhiều người”. Tôi đã có lần gợi chuyện “mánh mung”, nhưng Phát không nói gì.

Thế rồi Phát bị bắt.

Ở trạm D.D điện ra bắt được một chiếc xe con mang biển số… có nhiều kiện hàng quốc cấm đứng tên là Lê Bá Phát. Thì ra Phát buôn bán cao tay thật. Hàng đi, nhưng chủ hàng vẫn ở nhà chơi. Phát móc nối với những chức danh, những nguồn hàng, người đưa người nhận từ những nơi khác nhau …

Sau đó, tôi mới biết vụ buôn lậu này là những kiện thuốc tây đắt tiền mà thế giới giúp dân tỉnh này trong những trận bão lũ.

Có cách gì cứu Phát? Tôi nghĩ không còn cách gì nữa, bởi tội trạng hết sức vô nhân đạo kia? Tử hình! Tội trạng này là đúng tử hình! Nhưng, nếu được là người làm chứng, trước phiên tòa, tôi sẽ nói rõ Phát là một chiến sĩ đặc công sông nước xuất sắc, đã từng làm nổ tung nhiều tàu giặc, nhiều kho đạn giặc, góp phần vào chiến công chung của dân tộc. Đúng rồi, với điều này may ra mới có thể cứu Phát thoát khỏi án tử.

***

Nhưng tôi quá lo xa. Phát đã tự làm được tất cả.

Đang ngồi viết bản tin cho chương trình cổ động tuần tới thì Phát ló đầu vào cửa sổ. Tôi chưa kịp “a” lên mừng rỡ thì Phát giơ tay ra hiệu “nói nhỏ”. Rồi Phát nói một lèo: Tớ được lệnh tha bổng, cậu biết không, tớ nhận tất. Từ khâu tổ chức cho đến thực hiện. Tớ nhận tất. Tớ không khai ai hết. Tớ tính rồi. Khai ra rồi cuối cùng mình cũng chết. Phải gan. Tớ không khai ai và như vậy buộc “chúng nó” phải cứu tớ …

Tôi bỏ bản tin chưa viết xong, gạt mớ giấy má vào góc bàn, gạt những ý nghĩ buồn bã trong đầu. Những ô dù che chở của Phát ghê tởm quá. Nhưng thôi, kệ chúng nó! Bạn được tha là mừng cái đã. Phải làm tiệc đón bạn. Tôi lục ví nhưng chỉ còn được mấy đồng. Tôi nhìn tấm kính tủ: “đây rồi”. Và tôi đi sang nhà bên kia đường. Ở đó có người cần kính tủ từ lâu mà chưa mua được.

***

Hai con tôi đi học về sẽ hỏi “kính đâu ba?”. Nhưng chắc rằng các cháu không buồn khi nghe tôi nói “Ba bán lấy tiền làm tiệc mừng bác Phát ra tù!”. Nhưng với vợ thì tôi sẽ giải thích cách khác, rằng: “Anh không muốn các con mình hàng ngày phải soi vào tấm kính đầy những vết hằn”.

Trại sáng tác Nghệ Tĩnh

VĨNH NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tự truyện không chỉ dành cho người nổi tiếng”

Nhà thơ - nhà báo Vĩnh Nguyên (tên thật là Nguyễn Quang Vinh) ra mắt tự truyện khi vừa lên tuổi bát tuần. Hơn chục năm trước, tôi từng viết bài “tự truyện không chỉ dành cho người nổi tiếng”. Cuộc đời nhà thơ Vĩnh Nguyên là một trường hợp như thế.

“Tự truyện không chỉ dành cho người nổi tiếng”
Return to top